“Tuổi thọ”: 498 năm (được xây dựng từ năm 1521).
Địa chỉ: Xã Chenonceaux, tỉnh Indre-et-Loire, miền Trung nước Pháp.
Đây có thể xem là một trong những địa điểm nổi tiếng rùng rợn nhất đối với khách du lịch khi đặt chân tới Pháp.
Lâu đài Chenonceau hay còn được gọi là lâu đài của các quý cô, nhìn bên ngoài có vẻ đẹp, trải dài trên bờ sông Loire, nhưng thật ra lại là nơi được nhiều người đánh giá: Không dành cho những kẻ yếu bóng vía!
Chenonceau gắn liền với giai thoại có thật về hai người phụ nữ đặc biệt, một người được mệnh danh Nữ hoàng đen, một người được gọi là Nữ hoàng trắng. Hai màu sắc này được họ lựa chọn khi để tang chồng, và cũng thể hiện sự bi thương của cuộc đời họ.
Nữ hoàng đen có tên là Catherine de Medicis. Bà là vợ của vua Henri Đệ Nhị thế nhưng lại bị nhà vua bỏ phế và lạnh nhạt suốt trong 25 năm. Thay vào đó, nhà vua lại có một chuyện tình lãng mạn với công nương Diane de Poitier, người từng là cô giáo của nhà vua và hơn ông 20 tuổi.
Tòa lâu đài Chenonceau tuyệt đẹp này cũng là do nhà vua xây tặng cho Diane vì yêu chiều người tình của mình. Thế nhưng, sau khi vua mất, lâu đài đã được bàn giao lại cho vợ chính thức của vua là nữ hoàng Catherine. Bà mặc đồ đen để tang chồng.
Kể từ đây, dưới sự dẫn dắt của mình, nữ hoàng mở ra thời đại cai trị của các con trai bà kéo dài trong suốt ba mươi năm. Bà là mẹ của ba vị Quốc vương liên tiếp kế vị nước Pháp. Ngoài ra, con gái của bà là Marguerite de Valois được gả cho Henry Xứ Navarre. Người con rể này về sau cũng lên ngôi trị vì nước Pháp. Theo nhà sử học Mark Strage, Catherine là người phụ nữ quyền lực nhất Châu Âu vào thế kỉ 16.
Nữ hoàng nổi tiếng về sự cai trị tàn ác và độc đoán của bà đối với tôn giáo, từng ra lệnh tiến hành cuộc thảm sát vào ngày Lễ Thánh Bathelem khiến hàng nghìn người bị tàn sát trên toàn nước Pháp.
Mặc dù vậy, Catherine cũng được nhiều sử gia đánh giá đa chiều, rằng bà cai trị nước Pháp trong một thời đại quá khó khăn, bị buộc phải đối phó với những vấn đề hầu như không thể giải quyết nổi.
Tranh vẽ thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy. Catherine trong trang phục đen, đứng trước cổng cung điện Louvre nhìn thi thể các nạn nhân. Nguồn: nationalgeographic. |
Nhiều người còn cho rằng nếu không có bà có lẽ nước Pháp sẽ còn tồi tệ hơn, quyền cai trị của các con trai Catherine cũng không thể kéo dài lâu đến thế nếu không có người mẹ luôn quyết tâm bảo vệ vương quyền của dòng họ.
Vua Henry IV, con rể của Catherine từng nói về bà như sau: “Các ngươi nghĩ sao, một phụ nữ mà chồng vừa chết, để lại 5 con nhỏ trên tay, trong khi hai gia đình lớn của nước Pháp luôn lăm le chiếm quyền – một là nhà Bourbon của ta, bên kia là nhà Guise. Sẽ là chuyện lạ nếu bà ấy không lừa dối hết người này đến người khác để bảo vệ các con trai của bà, để họ nối tiếp nhau trị vì dưới sự hướng dẫn khôn khéo của người đàn bà tinh quái ấy. Ta vẫn tự hỏi tại sao bà ấy không hành động xấu xa hơn nữa”.
Cho dù có nhiều góc nhìn đa chiều như thế về Catherine thì cuộc thảm sát ngày Lễ Thánh Bathelemy cũng đã dệt nên huyền thoại đáng sợ về bà. Cuộc thảm sát không chỉ kéo dài một ngày, mà còn kéo dài nhiều ngày sau, là đỉnh điểm của sự mâu thuẫn cao trào về tôn giáo lẫn chính trị ở nước Pháp thời bấy giờ.
Phòng ngủ của Diane de Poitiers. Bức tranh trên lò sưởi là chân dung Catherine de’ Medici. Tranh bên phải là Virgin và Child de Murillo. Đằng sau giường là hai bức tranh dệt Flanders thế kỉ 16. Ảnh: Dennis Jarvis/Flickr |
Chính vì thế, nhiều người cho rằng tòa lâu đài Chenonceau đầy rẫy linh hồn chết chóc hận thù của những người chết dưới tay nữ hoàng Catherine. Họ lẩn khuất trong những cánh rừng và khu vườn rộng bao la. Tương truyền, những linh hồn đó sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai dám khinh mạn hay gợi nhớ họ về kí ức của cuộc thảm sát.
Chưa dừng lại ở đó, tòa lâu đài này còn có một giai thoại sởn da gà khác về hồn ma của Nữ hoàng trắng Louise de Lorraine. Người dân trong vùng kể tôi nghe rằng ngày xưa, khi vua Henry Đệ Tam mất do bị ám sát, người vợ của ông do quá đau buồn nên luôn mặc những bộ trang phục màu trắng để tưởng nhớ chồng.
Bà thậm chí còn cho sơn nhiều căn phòng lại thành màu trắng và đen, đồng thời bản thân bà như bị mất trí vì đau thương nên thường lang thang vô định giữa các hành lang được trang trí bằng những tấm thảm dệt đầy tang tóc.
Người ta nói rằng cho tới ngày nay Nữ hoàng trắng vẫn còn lởn vởn trong tòa lâu đài để khóc than nỗi đau thương của mình. Nhiều du khách cam đoan đã nhìn thấy bóng dáng của bà lướt qua, đặc biệt là ở khu vực phòng trưng bày tranh. Thậm chí, có nhiều người còn đăng tải lên mạng những bức ảnh mà họ cho rằng đã chụp lại được bóng của Nữ hoàng trắng.
Chính vì thế mà ngày càng có nhiều du khách thích trải nghiệm cảm giác rùng rợn đã tìm tới lâu đài Chenonceau vì biết đâu, họ sẽ được chạm mặt Nữ hoàng trắng. Riêng tôi khi đặt chân đến đây bỗng dưng lại có băn khoăn, không biết nhóm linh hồn oán hận của Nữ hoàng đen khi gặp Nữ hoàng trắng liệu sẽ như thế nào nhỉ? Chuyện này chưa hề thấy ai đề cập, bởi vì tu sĩ đã ám sát chồng của Nữ hoàng trắng cũng thuộc trong nhóm linh hồn oán hận kia.