Nước biển dâng, Trái đất nóng dần lên, khí hậu thay đổi… ấy là những hiện trạng mà loài người đang đối mặt sau một thời gian dài sử dụng, khai thác tự nhiên quá mức. Đã đến lúc phải có sự nhìn lại, lắng nghe tự nhiên tâm sự.
Đặt thế giới tự nhiên làm trung tâm cho câu chuyện môi trường sinh thái, tác giả David Haskell đã truyền tải những tâm sự của các loài cây đến với con người qua tác phẩm Khúc hát của cây (Phương Nam book và NXB Thế giới).
Khúc hát của cây là bản hòa điệu giữa tự nhiên và con người. Ảnh: Trí-Dũng. |
Thanh âm có hồn từ linh sam nhựa thơm
Xuất phát từ quan niệm của người Hy Lạp, xem hào quang, danh tiếng được tạo ra, là từ tiếng hát, David Haskell đã “áp vành tai vào thân cây, tìm kiếm hào quang của miền sinh thái”, để từ đó, Khúc hát của cây ra đời.
Tâm sự về tác phẩm, tác giả Khúc hát của cây cho biết: “mỗi chương trong quyển sách này đề cập đến tiếng hát của một loài cây cụ thể: Âm thanh vật lý, những câu chuyện mang âm thanh hiện hữu và phản hồi từ thể xác, cảm xúc và trí tuệ của chúng ta. Phần lớn tiếng hát ấy ẩn dưới dáng vẻ của âm thanh”.
Viết về cây cối, tác giả đã thể hiện dụng ý rõ nét của ngòi bút qua ba phần tưởng chừng tách biệt nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau ở sự hòa điệu âm thanh, sự liên hệ chặt chẽ giữa tự nhiên, môi trường với con người.
Đến với phần đầu tiên, những loài cây ceibo, linh sam nhựa non, tần bì xanh hay mitsumata kể những câu chuyện riêng của mình. Chúng dường như tách biệt với con người, nhưng lại có mối liên hệ cổ xưa về mặt tự nhiên.
Chỉ qua phần về cây linh sam nhựa thơm, đã chứa đựng cả một thế giới tự nhiên vừa hoang dã, vừa mê hoặc của quy luật sinh tồn, của “hồn” cây, và cả kiến thức bách khoa về thực vật học, điểu học, thậm chí là thần kinh học của tác giả.
Thanh âm khúc hát hiển hiện quanh linh sam nhựa thơm, đơn thuần là tiếng “đing đing, rét” như tiếng gõ đinh tán và tiếng giũa. Thực chất, đó là tiếng mỏ của chim bạc má mũ đen gõ vào cây để kiếm ăn. Âm thanh như là cái cớ, để tác giả đi sâu vào thế giới diệu kỳ của linh sam nhựa thơm không còn là một vật thể sống vô hồn.
Việc phát triển cành nhánh đón ánh sáng, cắm rễ sâu vào đất màu mỡ, lá kim mọc xòe ngang để tiếp xúc được nhiều nhất ánh Mặt trời, cộng sinh cùng chim bạc má mũ đen khi vừa là nguồn thức ăn của chim từ hạt cây, nhưng cũng nhờ chim mổ, làm rơi hạt giúp hình thành một thế hệ linh sam tương lai khiến cây như một thực thể có hồn, tương tác với thế giới bằng đặc trưng giống loài.
Cây ô liu ở cổng thành Damascus. Ảnh: Ghaskell. |
Thanh âm xa xưa từ vùng đất thánh quanh cây ô liu
Khúc hát riêng của từng loài cây, tiếp tục vang lên ở cây phỉ, phong lá đỏ hay ô liu, thông trắng Nhật Bản trong hai phần sau.
Khi đến với ô liu, David Haskell không đưa độc giả đến Nam Âu nơi là vùng đất quen thuộc của cây, mà xa hơn, về thế giới của vùng đất thánh Jerusalem.
Nơi ấy, quanh thân ô liu trước cổng thành Damascus, là tiếng rao hàng của người bán dạo, là tiếng lá cây như chổi rơm xào xạc khi gió lùa qua. Giữa những thanh âm đời thường, cây ô liu đưa người đọc về xa xưa lịch sử.
Ngược dòng thời gian, sự hiện diện của ô liu ở đây được biết đến khi máy ép dầu ô liu từ thế kỷ VII phát lộ năm 1970 tại quảng trường có cổng thành Damascus. Loài cây có cả trong thần thoại Hy Lạp, La Mã cổ xưa ấy có khả năng chịu hạn qua lá sáp ngăn thoát hơi nước, cuộn tròn tránh ánh Mặt trời, rễ xòe rộng trên mặt đất tìm nguồn nước hiếm…
Đó là về nội tại đời sống của cây, quanh nó là cả một đời sống tâm linh, chính trị đầy phức tạp như chính bản thân vùng đất Jerusalem nơi phát nguyên nhiều tôn giáo, nơi Israel và Palestine có những va chạm mà David Haskell, dẫn dắt độc giả bước vào, cảm nhận. Thế giới quanh cây ô liu đất thánh, lại trở nên sống động hơn bao giờ hết.
“Đây là cuốn sách cho việc nuôi dưỡng tinh thần, Khúc hát của cây là lời biện luận mạnh mẽ chống lại cách thức mà con người làm đứt gãy chính những mối liên hệ sinh học đem lại môi trường sống cho họ trên thế giới”, Peter Wohlleben, tác giả Đời sống bí ẩn của cây đã nhận xét về Khúc hát của cây như thế.