Hố đen sâu thẳm là truyện dài thứ tư của tác giả Pyun Hye-young. Đây là tiểu thuyết được nhà văn phát triển từ truyện ngắn Yêu thương cây cỏ đăng trên Tạp chí Thế giới tác giả năm 2014. Sau một năm, cảm thấy câu chuyện ẩn chứa nhiều chi tiết hơn để kể, các nhân vật còn nhiều điều để nói, nữ nhà văn người Hàn Quốc đã khai thác sâu hơn, đào nên Hố đen sâu thẳm.
Với những khắc họa nội tâm phức tạp, mâu thuẫn mập mờ đan cài với những tình tiết căng thẳng, Hố đen sâu thẳm không phải là câu chuyện đơn giản.
Ngày 19/8, nhà văn Pyun Hye-young xuất hiện tại buổi tọa đàm trao đổi với độc giả và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về những tầng nghĩa bên dưới Hố đen sâu thẳm.
Tiểu thuyết Hố đen sâu thẳm của Pyun Hye-young. Ảnh: Nhã Nam. |
Va chạm cá tính là một dạng tai nạn giao thông
Hố đen sâu thẳm kể cuộc đời của một người đàn ông tên Ogi sau một tai nạn kinh hoàng. Biến cố ấy đã tước đi mạng sống của vợ Ogi và chức năng vận động của anh. Ogi nằm liệt giường, chỉ cử động được mắt mà không thể nói. Mẹ vợ là người tới chăm sóc anh, nhưng dần dà, bà bỏ mặc anh, hạ nhục anh, và dường như đang thực hiện một âm mưu dã man nào đó với anh.
Theo nhà văn Pyun Hye-young, câu chuyện giới hạn trong điểm nhìn của Ogi, độc giả chỉ nghe những gì Ogi chia sẻ. Nhưng theo dòng tường thuật, độc giả sẽ sớm băn khoăn liệu họ có tin tưởng được nhân vật này.
Tuy vụ tai nạn giao thông đóng vai trò quyết định và trực tiếp dẫn đến sự hủy hoại cơ thể và cuộc sống của Ogi, nhưng Pyun Hye-young lột tả từng lớp lang cuộc đời của Ogi qua dòng hồi tưởng mập mờ, từ từ hé lộ những lỗ hổng trong cuộc đời người đàn ông này.
Các tình huống trước và sau tai nạn đan xen, giúp người đọc quan sát cuộc sống hiện tại do Ogi tạo ra qua đó, gián tiếp chứng minh rằng chính những quyết định hàng ngày chứ không phải tai nạn xảy ra trong chốc lát kia đã khiến nhân vật lâm vào hoàn cảnh như hiện tại.
Nhà văn Pyun Hye Young. Ảnh: Koreanliteraturenow. |
Và chính vì tính chủ quan từ điểm nhìn nhân vật, độc giả một khi đã nghi ngờ Ogi, sẽ phải tái đánh giá toàn bộ thông tin Ogi đã tiết lộ.
“Họ nghi ngờ những gì họ đã từng tin tưởng và buộc phải tự hỏi anh ta đã bỏ qua những gì” Pyun Hye-young nói.
Về vụ tai nạn, nhà văn cho rằng tốt nhất cô nên giữ vẻ mập mờ, không tiết lộ rõ là vô tình hay cố ý.
Pyun Hye-young cho biết ta chỉ chắc chắn được là Ogi muốn có một cuộc sống dễ dàng, yên ổn, nhưng vợ anh không chịu nổi cái tư tưởng tham vọng tư sản của anh. Nói cách khác, sự va chạm cá tính của cặp vợ chồng chính là một dạng tai nạn giao thông.
Tính mơ hồ của đạo đức
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cuốn tiểu thuyết phát triển từ một tiền đề: Điều gì sẽ xảy ra khi một cuộc sống thành đạt bị phá huỷ sau một tai nạn khủng khiếp? Và nếu trách nhiệm cho vụ tai nạn đó thuộc về người sống sót duy nhất: Chồng của người phụ nữ đã chết? Những câu hỏi đạo đức phức tạp này đã đẩy cuốn tiểu thuyết đến kết thúc trong hố sâu tăm tối.
Nhà văn tin rằng thế giới vận hành với những nguyên tắc mơ hồ, không rõ ràng. Mẹ vợ Ogi là người bị tước đi mọi thứ bà yêu mến. Bà ta có lý do để trở nên độc địa. Bà nhận ra người duy nhất bà còn chính là người đã gây ra cái chết của con gái mình. Hơn nữa, bà còn dần nhận ra con gái bà đã phải chịu những đau khổ như thế nào vì kẻ kia, người mà giờ đây đã hoàn toàn “vô dụng”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng trước kia, Ogi có sức mạnh, quyền lực để lên mặt với vợ mình, còn lúc này, sức mạnh và quyền lực bị tước đi khỏi anh, bị sử dụng để chống lại anh. “Ngay cả những dây leo che cửa sổ của anh ta cũng dường như xâm nhập và nuốt chửng tầm nhìn của anh ta, củng cố địa vị tù nhân của anh ta”.
Bản chất đạo đức của nhân vật Ogi cũng không rõ ràng. Phạm Xuân Nguyên nhận định anh ta không hiểu nổi tại sao thành công của mình càng lớn thì anh ta càng cảm thấy mình đã “liên tục đánh mất một cái gì đó”.
Khi vợ còn sống, anh ta không hiểu được cô, không hiểu vì sao cô cặm cụi trồng vườn hết ngày này qua đến ngày khác. Giờ đây, anh ta không hiểu mẹ vợ, anh ta thấy sợ hãi, không hiểu nổi vì sao bà lại đào những cái hố ngoài vườn.
Hình ảnh cái hố xuất hiện trở đi trở lại trong tác phẩm, theo cách trực quan lẫn ẩn dụ. Vụ tai nạn kia đã biến thanh quản của Oghi thành một “cái hố”, khiến anh ta không còn nói được, đồng thời tạo ra những “cái hố” trong ký ức của Ogi. Khi Oghi bắt đầu nhớ lại, thương tiếc và hồi tưởng lại tài năng cũng như những giấc mơ thất vọng của vợ mình, anh ta bắt đầu hiểu được “lỗ hổng” mà cô để lại cho anh. Nhân vật Ogi nghĩ, “làm người là phải chịu đựng sự trống rỗng”.
“Lỗ hổng lớn nhất mà tác giả muốn nói tới trong cuốn tiểu thuyết có lẽ là bí ẩn về con người trong chu kỳ dài của cuộc sống”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét.
Ông cho rằng chính những “hố đen sâu thẳm” này tạo nên yếu tố kinh dị cho tác phẩm, ám ảnh cả nhân vật lẫn độc giả, dẫn dắt câu chuyện tới cao trào rùng rợn.
Tác giả Pyun Hye-young cho rằng vì bản chất mơ hồ của sự vật sự việc, cảm giác bí ẩn, hồi hộp và căng thẳng là không thể tránh khỏi.
Được biết, Pyun Hye-young rất hâm mộ nhà văn viết tiểu thuyết kinh dị Stephen King, và thế giới phi lý của Franz Kafka, cách khắc họa nội tâm nhân vật của Philip Roth, nên dễ thấy những phong cách ly kỳ, hồi hộp trong tác phẩm của cô.
Tuy nhiên, cô cho biết chính những nhà văn đương đại người Hàn hiện nay mới là những người thúc đẩy ngòi bút của cô.
Nhà văn Pyun Hye-young sinh năm 1972 tại Seoul. Cô tốt nghiệp cử nhân ngành Sáng tác Văn học tại Học viện Nghệ thuật Seoul và thạc sĩ Văn học tại Đại học Hanyang. Hiện cô giảng dạy tại Khoa Sáng tác Văn nghệ tại Đại học Myongji. Cô được nhận định là một trong những tác giả tiêu biểu của văn học đương đại hàn Quốc. Tiểu thuyết Hố đen sâu thẳm đã đoạt giải Shirley Jackson Award năm 2017 và được tạp chí Time bình chọn vào top 10 sách ly kỳ rùng rợn xuất sắc trong năm.