Đây là cuốn sách được nhiều trường đại học của Mỹ đưa vào danh mục sách cần đọc cho tất cả sinh viên mới nhập trường, và cũng là cuốn sách đầy tin cậy với tuổi teen.
Chuyến phiêu lưu đầy đam mê của cậu bé nghèo
William Kamkwamba sinh ra tại Malawi – nơi ma thuật vẫn thống trị còn khoa học là điều bí ẩn. Đây cũng là vùng đất kiệt quệ vì hạn hán và nạn đói.
Nhưng William đã được đọc về các guồng gió và mơ ước sẽ dựng được một guồng gió để mang lại cho ngôi làng nhỏ của mình hai thứ xa xỉ mà chỉ 2% dân Malawi được hưởng: điện và nước máy. Xóm giềng nói cậu điên rồ, nhưng William không từ bỏ ước mơ.
Bằng một chồng sách khoa học từng bị bỏ quên, chút kim loại vụn, các bộ phận dỡ ra từ máy kéo và xe đạp, cùng trí tò mò và lòng quyết tâm dồi dào, William bắt đầu kế hoạch táo bạo để tạo nên cỗ máy chẳng giống ai và điều kỳ diệu nho nhỏ sẽ làm thay đổi cuộc sống quanh mình.
Người thu gió là câu chuyện phi thường mà có thực về óc sáng tạo của con người cũng như khả năng vượt qua nghịch cảnh. William Kamkwamba là nhân vật chính và cũng là đồng tác giả của sách.
Câu chuyện của William được chuyển thể thành phim, truyện tranh. |
Khi ấy, tại vùng quê Wimbe của nước Malawi, radio vẫn là phương tiện giải trí duy nhất. Việc chiếc đài bị hỏng hay không thể bắt sóng được là sự cố lớn của người dân.
Tìm hiểu nguyên lý phát sóng AM, FM bằng cách tháo tung chiếc đài hỏng của gia đình để tìm cách sửa chữa thay thế là cách để cậu bé William có thể học. Và rồi, cậu đã sửa chữa, thay thế được một số linh kiện của chiếc radio hỏng.
Không có đủ tiền để theo học tiếp sau khi đã hết bậc học thứ nhất (đến lớp 8 theo hệ thống giáo dục Malawi), nền tảng tiếng Anh cũng rất yếu, nhưng cậu vẫn đến thư viện, tìm đọc sách khoa học cũ bằng tiếng Anh, tự tìm cách dịch các từ tiếng Anh chuyên ngành.
Chính những ngày bới cả bãi rác thải để tìm linh kiện trong khi dân làng và gia đình nghĩ cậu có vấn đề về thần kinh lại là lúc mà năng lượng tích cực của William đang ở mức cao nhất, niềm đam mê không còn giới hạn.
Thành công cũng đến khi chiếc máy phát điện gió đơn giản hoàn thiện, có thể thắp sáng cho gia đình, sạc được điện thoại cho nhiều người. Chiếc máy phát điện gió đầu tiên ra đời tuy còn thô sơ nhưng nó đã không chỉ phát ra nguồn điện, chứng minh cậu không điên rồ mà còn chứng tỏ một điều: Niềm đam mê sẽ giúp con người vượt lên nghịch cảnh, vượt lên số phận.
TS. Đặng Văn Sơn – nghiên cứu viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, Nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3 – cho hay điều ấn tượng nhất đối với những người làm STEM (viết tắt của các từ Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ thuật và Maths – Toán học) là việc cậu bé hoàn toàn tự học qua đọc sách và tự tìm được cách để hàn các mối hàn trên thiết bị cũ, “cái khó ló cái khôn”.
Và ông cho rằng có rất nhiều cách để sống qua khó khăn, đói kém, thất học: Có người bi quan, có người bỏ đi, có người vui vẻ chấp nhận. Còn cách của William Kamkwamka lại hoàn toàn khác là tìm được niềm đam mê của mình là đọc sách và làm STEM.
Cuốn sách được xuất bản ở nhiều ngôn ngữ khác nhau. |
Cuốn sách truyền cảm hứng cho tuổi teen
Sẽ có ai đó liên hệ câu chuyện của William Kamkwamba như là một phép màu. Khi mà từ nguy cơ rình rập của đói nghèo và thất học, cậu lại trở nên nổi tiếng trong nước. Cậu có bài nói chuyện trên TED Talk năm 2007 khi 20 tuổi; 7 năm sau tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học Môi trường, Đại học Dartmouth danh tiếng của Mỹ; trở thành nhà hoạt động xã hội và người truyền cảm hứng, xuất bản sách.
Tuy nhiên, đọc hết 15 chương của cuốn sách, người đọc sẽ có câu trả lời một cách rõ ràng, và hiểu rằng may mắn chỉ là yếu tố đến sau khi bạn đã cố gắng không mệt mỏi. Mỗi người lại tìm thấy một phần của mình trong đó, dù bạn ở đâu, Malawi, nước Mỹ, hay Việt Nam.
Xuyên suốt cuốn sách, người đọc có thể thấy thấp thoáng văn hóa của một quốc gia châu Phi với hủ tục, nạn đói, những chuyến đi săn, cảnh mua bán và sinh hoạt gia đình, làng xóm chân thực và giản dị. Đời sống của người dân châu Phi thông thường được nhìn qua đôi mắt của một cậu bé lớn lên mỗi ngày về thể xác và nhận thức trở nên gần gũi với bạn đọc ở khắp nơi.
Sức hấp dẫn của hồi ký này có lẽ nằm ở sự nhào nặn giữa đời sống khốn khó, lạc hậu, bế tắc với khát vọng, niềm đam mê sách vở, ước muốn thay đổi cuộc đời và những việc làm tưởng như điên rồ.
William Kamkwamba phát biểu tại một hội nghị năm 2019. Ảnh: YALI |
Bạn đọc Việt Nam thế hệ 7X trở về trước có lẽ sẽ là những người cảm nhận rõ nhất về hoàn cảnh khó khăn tại vùng quê Wimbe, Malawi, nơi cậu bé William sinh ra và lớn lên. Bởi sự chênh lệch về phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Malawi có thể lên tới 20-30 năm.
Những bạn đọc thế hệ 8X, 9X có thể thấy phần nào đó của mình trong các cuộc “đi săn” hay trò nghịch ngợm của tuổi thơ. Đối với bạn trẻ thế hệ 10X mà hầu hết đang còn đi học, các bối cảnh trong câu chuyện của William có lẽ là một cơ hội để tìm hiểu và tiếp cận với châu Phi.
TS Đặng Văn Sơn cho rằng không phải chờ tới khi vào đại học mà các bạn trẻ từ bậc trung học đã có thể tìm đến với cuốn sách này như một người bạn tin cậy, một người truyền cảm hứng.
Những người không còn trẻ sẽ thấy bóng dáng của mình trong đó, để nuôi giữ những khát vọng và đam mê trong thông điệp về việc vượt lên số phận, sẻ chia, giúp đỡ con người trên khắp hành tinh này.
Đó chẳng cũng chính là đích đến chung trong hành trình làm cho cuộc sống của mỗi người tốt và đẹp hơn sao?