Connect with us

Văn mẫu 9

Cảm nhận về bức tranh “Cảnh ngày xuân” trong “Truyện Kiều”

Được phát hành

,

Trang thơ của Nguyễn Du đang mở rộng trước mắt chúng ta. Có phải không, sau bức chân dung giai nhân là bức hoạ về cảnh sắc mùa xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của trai tài, gái sắc, của chị em Thuý Kiều? Đoạn trích Cảnh ngày xuân gồm có 18 câu, từ câu thứ 39 đến câu 56 của Truyện Kiều tiêu biểu cho bút pháp tả cảnh và tả tình của đại thi hào Nguyễn Du. Một vẻ đẹp thanh xuân, một niềm vui xôn xao, náo nức cứ dâng lên, cứ lan toả, rồi lắng dịu mãi trong lòng ta khi đọc đoạn thơ này.

Bốn câu thơ đầu, mở ra một không gian nghệ thuật hữu sắc, hữu hương, hữu tình, nên thơ. Giữa bầu trời rộng bao la mênh mông là những cánh én bay qua bay lại như “đưa thoi”. Cánh én màu xuân thật thân mật biết bao. Hai chữ “đưa thoi” rất gợi hình, gợi cảm. Cánh én như con thoi vút qua, vút lại, chao liệng; thời gian đang trôi nhanh, mùa xuân đang trôi nhanh. Câu thành ngữ – tục ngữ: “Thời gian thấm thoát như thoi đưa, như ngựa chạy, như nước chảy qua cầu” đã nhập vào hồn thơ Tố Như tự bao giờ?

Sau cánh én “đưa thoi” là ánh xuân, là “thiều quang” của mùa xuân khi “chín chục đã ngoài sáu mươi”. Cách tính thời gian và miêu tả vẻ đẹp mùa xuân của các thi sĩ xưa nay thật là hay và ý vị. Nào là “xuân hướng lão” (Ức Trai), nào cảnh mưa bụi, tiếng chim kêu trong Đường thi. Nào là cánh bướm rối rít bay trong thơ Trần Nhân Tông. Còn là “xuân hồng” (Xuân Diệu), “mùa xuân chín” (Hàn Mặc Tử)… Với Nguyễn Du là mùa xuân đã bước sang tháng ba, “thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”. Hai chữ “thiều quang” đã gợi lên cái màu hồng của ánh xuân, cái ấm áp của khí xuân, cái mênh mông bao la của đất trời “Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên” (Nguyên tiêu – Hồ Chí Minh).

Còn là sắc “xanh” mơn mởn. ngọt ngào của cỏ non trải dài, trải rộng như tấm thảm “tận chân trời”. Là sắc “trắng” tinh khôi, thanh khiết của hoa lê nở lác đác, chỉ mới hé lộ, khoe sắc khoe hương “một vài bông hoa”:

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Vần cổ thi Trung Hoa được Tố Như vận dụng một cách sáng tạo:

Phương thảo liên thiên bích

Lệ chi sổ điểm hoa.

Hai chữ “trắng điểm” là nhãn tự, cách chấm phá điểm xuyết của thi pháp cổ gợi lên vẻ đẹp thanh xuân trinh trắng của thiên nhiên cỏ hoa: bút pháp nghệ thuật phối sắc tài tình: trên cái nền xanh của cỏ non là một vài bông hoa lê “trắng điểm”. Giữa diện và điểm, giữa nền xanh và sắc trắng của cảnh vật mùa xuân là những cánh én “đưa thoi”, là màu hồng của ánh thiều quang, là “khát vọng mùa xuân” ngây ngất, say đắm lòng người:

Nhìn hoa đang hé tưng bừng

Khao khát mùa xuân yên vui lại đến

(Ca khúc Khát vọng mùa xuân – Mô-da)

Cảnh mùa xuân là bức tranh hoa lệ, là vần thơ tuyệt bút của Nguyễn Du để lại cho đời, điểm tô cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Phải chăng, thi sĩ Chế Lan Viên đã học tập Tố Như để viết nên vần thơ xuân đẹp này:

Tháng giêng hai xanh mướt cỏ đời,

Tháng giêng hai vút trời bay cánh én…

(Ý nghĩ mùa xuân)

Tám câu thơ tiếp theo tả cảnh trẩy hội mùa xuân: “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” trong tiết tháng Ba. Điệp ngữ “lễ là… hội là…” gợi lên những cảnh lễ hội dân gian cứ tiếp diễn đã bao đời nay:

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…

(Ca dao)

Cảnh trẩy hội đông vui, tưng bừng, náo nhiệt. Có biết bao “yến anh” trẩy hội trong niềm vui “nô nức”, hồ hởi, giục giã. Có biết bao tài tử, giai nhân “dập dìu” vai sánh vai, chân nối chân nhịp bước. Dòng người trẩy hội tấp nập ngựa xe cuồn cuộn “như nước”, áo quần đẹp đẽ, tươi thắm sắc màu, nghìn nghịt, đông vui trên các nẻo đường” như nêm”. Các từ ngữ “nô nức”, “dập dìu”, các ẩn dụ so sánh (như nước, như nêm) đã gợi tả lễ hội mùa xuân tưng bừng náo nhiệt đang diễn ra khắp mọi miền quê đất nước. Trẻ trung và xinh đẹp, sang trọng và phong lưu:

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

Trong đám tài tử, giai nhân “gần xa” ấy, có ba chị em Kiều. Câu thơ “Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân” mới đọc qua tưởng như chỉ là một thông báo. Nhưng sâu xa hơn, nó ẩn chứa bao nỗi niềm: chờ trông mong đợi, ngày lễ tảo mộ, ngày hội đạp thanh đến để du xuân trong những bộ quần áo đẹp đẽ đã chuẩn bị, đã “sắm sửa”… Có biết bao “bóng hồng” xuất hiện trong đám tài tử, giai nhân ấy? Ai đã từng đi hội chùa Hương, hội Lim, hội Yên Tử…mới cảm thấy cái đẹp, cái vui, cái tưng bừng, tươi trẻ trong hội đạp thanh mà Nguyễn Du đã nói đến.

Thơ là nghệ thuật của ngôn từ. Các từ ghép: yến/anh, chị/em, tài/tử, giai/nhân, ngựa/xe, áo/quần (danh từ), nô/nức, sắm/sửa, dập/dìu (tính từ, động từ) được thi hào sử dụng, chọn lọc tinh tế, làm sống lại cái không khí lễ hội mùa xuân, một nép đẹp văn hoá lâu đời của phương Đông, của Trung Hoa, của Việt Nam chúng ta, và nếp sống “phong lưu” của hai chị em Kiều.

Ngổn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay

Đời sống tâm linh, phong tục dân gian cổ truyền trong lễ tảo mộ được Nguyễn Du nói đến với nhiều cảm thông, san sẻ. Cõi âm và cõi dương, người đang sống và kẻ đã khuất, hiện tại và quá khứ đồng hiện lên trên những gò đống “ngổn ngang” trong lễ tảo mộ. Cái tâm thánh thiện, niềm tin phác thực dân gian đầy ắp nghĩa tình. Các tài tử, giai nhân, và ba chị em Kiều không chỉ nguyện cầu cho những vong linh mà còn gửi gắm bao niềm tin, bao ước mơ về tương lai hạnh phúc cho tuổi xuân mỗi khi mùa xuân về. Có thể sau hai trăm năm, ý nghĩ của mõi chúng ta có ít nhiều thay đổi trước cảnh “Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”, nhưng giá trị nhân bản của vần thơ Nguyễn Du vẫn làm ta xúc động!

Sáu câu thơ cuối đoạn ghi lại cảnh chị em Thuý Kiều đi tảo mộ đang bước dần về nhà. Mặt trời đã “tà tà” gác núi. Ngày hội, ngày vui đã trôi qua nhanh:

Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dang tay ra về

Hội tan sao chẳng buồn? Ngày tàn sao chẳng buồn? Nhịp thơ chậm rãi. Nhịp sống như ngừng trôi. Tâm tình thì “thơ thẩn”, cử chỉ thì “dang tay”, nhịp chân thì “bước dần”. Một cái nhìn man mác, bâng khuâng: “lần xem…” đối với mọi cảnh cật. Tất cả đều nhỏ bé. Khe suối chỉ là “ngọn tiểu khê”. Phong cảnh “thanh thanh”. Dòng nước thì “nao nao” uốn quanh. Dịp cầu thì “nho nhỏ” bắc ngang ở cuối ghềnh. Cả một không gian êm đềm, vắng lặng. Tâm tình của chị em Kiều như dịu lại trong bóng tà dương. Như đang đợi chờ một cái gì sẽ đế, sẽ nhìn thấy? Cặp mắt cứ “lần xem” gần xa:

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Các từ láy tượng hình: “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ” gợi lên sự nhạt nhoà của cảnh vật và sự rung động của tâm hồn giai nhân khi hội tan. Nỗi niềm man mác bâng khuâng thấm sâu, lan toả trong tâm hồn của giai nhân đa tình, đa cảm.

Cảnh vật và thời gian được miêu tả bằng bút pháp ước lệ tượng trưng nhưng rất sống động, gần gũi, thân quen đối với bất cứ người Việt Nam nào. Không còn xa lạ nữa, vì ngọn tiểu khê ấy, dịp cầu nho nhỏ ấy, là màu sắc đồng quê, là cảnh quê hương đất nước mình. Tính dân tộc là một nét đẹp đậm đà trong thơ Nguyễn Du, nhất là những vần thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt tác.

Thi sĩ Xuân Diệu đã từng viết: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”. Trong “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng không nén nổi cảm xúc của mình mà phải thốt lên: “Mùa xuân của tôi… Cái mùa xuân thần thánh của tôi… Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến…” Và chúng ta muốn nói thêm: “Đẹp quá đi mùa xuân của đất nước thân yêu! Vui quá đi, trẻ đẹp quá đi cảnh mùa xuân, cảnh trẩy hội xuân trong Truyện Kiều”. Mùa xuân đem đến cho ta bao ước vọng. Sắc xuân, tình xuân như nở hoa, ướp hương trong lòng ta.

Hỡi những nàng Kiều gần xa có nghe thấy tiếng nhạc vàng của chàng Kim Trọng trong ngày xuân đẹp từ xa đang vọng tới?…

Tiếp tục đọc

Văn mẫu 9

Biệt tài vận dụng các biện pháp tu từ của văn học dân tộc, đặc biệt là ẩn dụ trong “Truyện Kiều”

Được phát hành

,

Bởi

Đề bài: Giáo sư Đặng Thanh Lê có viết: “Nguyễn Du có biệt tài vận dụng các biện pháp tu từ của văn học dân tộc, đặc biệt là ẩn dụ”. Hãy phân tích một số câu, một số đoạn trong Truyện Kiều để làm sáng tỏ nhận xét trên.

Bài làm

Truyện Kiều của thi hào dân tộc Nguyễn Du là kiệt tác trong nền văn học cổ Việt Nam. Tuy mượn đề tài, cốt truyện từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân (Trung Quốc) nhưng áng thơ dài 3254 câu thơ lục bát này đậm đà bản sắc đân tộc, chứa chan một tình nhân ái bao la “rung động đất trời” (Tố Hữu).

Về phương diện nghệ thuật, truyện thơ này là mẫu mực và đỉnh cao về ngôn ngữ thi ca và xây dựng nhân vật. Đọc Truyện Kiều, ta cảm nhận một cách sâu sắc. “Nguyễn Du có biệt tài vận dụng các biện pháp tu từ của văn học dân tộc, đặc biệt là ẩn dụ mà giáo sư Đặng Thanh Lê đã nhận xét.

Khi tả cảnh cũng như lúc tả người, tả tình, với cá tính sáng tạo của một thiên tài, Nguyễn Du đã vận dụng nhiều biện pháp tu từ của văn học dân tộc, đặc biệt tả ẩn dụ làm cho câu thơ, đoạn thơ đầy hình tượng và biểu cảm.

Nguyễn Du có biệt tài về vận dụng biện pháp tu từ của văn học dân tộc

Mùa xuân về tưng bừng trong ngày hội “Đạp thanh” của tuổi trẻ. Ba chị em Kiều cũng “sắm sửa bộ hành chơi xuân”. Khắp các ngả đường, dòng người trây hội kéo dài vô tận:

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

Đằng biện pháp tu từ hoán dụ (ngựa xe, áo quần), so sánh (… như nước… như nêm) và đối (2 vế câu 8 đối nhau) nhà thơ đã tái hiện cảnh trẩy hội mùa xuân tấp nập, đông vui, rộn ràng của giai nhân, tài tử.

Đây là hai câu tỏ tình của chàng Kim:

Tiện đây xin một hai điều,

Đài sen soi đến dấu bèo cho chăng?

“Dấu bèo” (ẩn dụ) chỉ kẻ tầm thường, thấp hèn. Kim Trọng khiêm tốn, nhún mình. “Đài sen” (ẩn dụ) chỉ con người cao quý, được trân trọng. “Đài sen soi đến…” (nhân hoá): lời tỏ tình tế nhị. Chàng Kim hào hoa, đa tình biểu lộ một tâm tình say đắm người đẹp, bày tỏ một tấm lòng khao khát yêu đương. Cách tỏ tình vừa hoa mỹ vừa truyền cảm.

“Trước lầu Ngưng Bích” là đoạn thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc trong Truyện Kiều. Tác giả vận dụng tài tình các biên pháp tu từ như điệp ngữ, ẩn dụ, hoán dụ,… để viết nên những vần thơ tuyệt diệu. Điệp ngữ “Buồn trông” đứng ở đầu câu sáu, láy lại bốn lần liên tiếp, khơi gợi nỗi sầu thương nặng trĩu, triển miên, day dứt trong lòng Kiều. Cửa bể chiều hôm hoang vắng, xa lạ, mịt mờ với con thuyền và cánh buồm, ngọn nước mới sa và hoa trôi man mác, nội cỏ dầu dầu và chân mây, mặt đất,… gió cuốn và ầm ầm tiếng sóng – là những hình ảnh ẩn dụ và hoán dụ đặc tả một kiếp người lưu lạc đang lênh đênh, trôi dạt trên dòng đời vô định đầy bão tố, với tâm trạng sợ hãi, cô đơn và tuyệt vọng. Ngoại cảnh hoà hợp với tâm cảnh:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ dầu dầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Nguyễn Du có biệt tài… đặc biệt là ẩn dụ

Ẩn dụ là lối ví ngầm. Xưa nay, đoạn thơ tả tài sắc hai chị em Kiều vẫn được nhiều người tán thưởng. Bức chân dung “hai ả tố nga” vô cùng xinh đẹp, một vẻ đẹp thanh tân, tuyệt mĩ:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Thuý Kiều và Thuý Vân cốt cách, yểu điệu như “mai”, tinh thần trắng trong như “tuyết”; từ dáng vẻ, dung nhan đến tâm hồn đều kiều diễm “mười phân vẹn mười”. Hai hình ảnh ẩn dụ “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” là những nét vẽ tài hoa, có giá trị thẩm mỹ tinh tế.

Bốn câu thơ tiếp theo tả sắc đẹp Thuý Vân. Gương mặt đầy đặn xinh tươi như vầng trăng rằm, lông mày thanh tú xinh xắn như “mày ngài”, miệng cười tươi như “hoa”, tiếng nói trong như “ngọc”, tóc mềm bóng đẹp hơn “mây”, da trắng mịn hơn “tuyết”. Trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết,… tiêu biểu cho vẻ đẹp của thiên nhiên được ví với gương mặt, nụ cười, giọng nói, mái tóc, màu da… của giai nhân. Cách miêu tả ấy tuy mang tính chất ước lệ, nhưng ngòi bút “thần” của Tố Như đã viết nên những cảu thơ có hình ảnh ẩn dụ hấp dẫn lạ thường:

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang.

Mây thua nước tốc, tuyết nhường màu da.

Nếu Vân là một giai nhân thì Kiều là một giai nhân tuyệt thế, mặn mà, sắc sảo tài sắc vẹn toàn. Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp ẩn dụ – nhân hoá gợi tả vẻ đẹp mộng mơ của Thuý Kiều. Mắt nàng trong như nước mùa thu. Lông mày xinh xắn như dáng núi mùa xuân… Sắc đẹp ấy làm cho hoa phải “ghen”, liễu phải “hờn”:

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Những câu thơ, những hình ảnh ẩn dụ – nhân hoá ấy là bông hoa nghệ thuật tươi thắm mãi với thời gian toả hương vào hồn người. Nó còn thể hiện tấm lòng ưu ái của nhà thơ đối với cái đẹp trong nhân gian.

Nguyễn Du không những đã tiếp thu thi liệu, điển tích của văn học Trung Hoa mà còn học tập dân ca, ca dao, học lời ăn tiếng nói của người trồng dâu, trồng gai nơi đồng nội để sáng tạo nên vần thơ đặc sắc.

“Hạt mưa” là hình ảnh so sánh ẩn dụ trong ca dao, dân ca nói về thân phận, số phận của người con gái ngày xưa: “Thân em như hạt mưa sa, Hạt rơi đài các, hạt ra ruộng cày”… Trước cảnh gia biến, nàng Kiều nghĩ và hành động:

Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,

Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.

“Hạt mưa, tấc cỏ, ba xuân” là những hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa tượng trung, nói ít mà gợi nhiều, hàm súc, hình tượng và truyền cảm. Kiều là một thiếu nữ giàu đức hi sinh, hiếu thảo, quyết bán mình chuộc cha khỏi vòng tù tội.

Nghệ thuật của Truyện Kiều là đa dạng, phong phú, đặc sắc độc đáo. Những câu Kiều vừa trích dẫn ở trên đã khẳng định nhận xét”của giáo sư Đặng Thanh Lê là đúng đắn.

Ứớc lệ và tượng trưng là đặc điểm của thi pháp cổ. Lúc tả cảnh, tả người, tả tình… Nguyễn Du cũng sừ dụng bút pháp ước lệ, tượng trưng nhưng với cá tính sáng tạo của một nghệ sĩ thiên tài, câu thơ Kiều đầy nhạc điệu, hình ảnh “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”, rất sống động và tinh tế. Đặc biệt là những câu Kiều mang hình ảnh ẩn dụ đã in sâu vào tâm trí mỗi chúng ta: “Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày…” (Tố Hữu)

Truyện Kiều đã làm rạng rỡ nền văn học cổ Việt Nam. Tên tuổi thi hào dân tộc Nguyễn Du sống mãi trong tâm hồn của nhân dân ta với bao tình cảm kính phục, tự hào.

Tiếp tục đọc

Văn mẫu 9

Bình luận bài thơ “Bếp lửa”

Được phát hành

,

Bởi

Chúng ta đã được đọc nhiều áng thơ hay về tình yêu quê hương, tình cảm gia đình. Có người thích vẻ đẹp thiết tha, nồng nàn của Tế Hanh ở bài Quê hương. Có người yêu sự mộng mơ, lãng mạn của tình mẹ con trong bài Mây và Sóng của Ta-go… Riêng tôi, tôi đồng cảm cùng tình bà cháu nồng đượm, đằm thắm trong bài Bếp lửa của Bằng Việt.

Bếp lửa là một bài thơ của nỗi nhớ về một bếp lửa tuổi thơ, nhớ rành rọt, nhớ ngọn ngành. Không dễ gì mà biết nhớ như vậy. Nhà thơ đã thổi bùng lên một bếp lửa ấp iu nồng đượm trong kí ức để hiện lên mối tình bà cháu đẹp như trong truyện cổ tích.

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa,

Trong thơ văn, còn có mối tình bà cháu nào cảm động hơn? Mối tình bà cháu như một dòng sông, dòng sông êm đềm và trong vắt, một dòng sông chở đầy kỉ niệm: một bếp lửa và một làn sương sớm. Tiếng tu hú và giọng kể chuyện của bà.

Rồi những ngày đói khổ làm nhoà mắt đứa cháu còn bé… Và kỉ niệm này xin để nguyên khôi, không dám lược bớt:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu, nhà thơ nói thế, chúng ta cũng thấy cay sống mũi. Những kỉ niệm trôi theo một nhạc điệu tâm tình âm ỉ, thầm thì, triền miên như nỗi nhớ. Dòng sông êm đềm và trong vắt vẫn âm thầm chảy. Chúng ta được dạo trên chiếc thuyền thơ với một tay lái khoan thai, chúng ta đang say mê với những kỉ niệm thì thấy biển cả hiện ra trước mắt!

Dòng sông của tình bà cháu đã đổ vào biển cả của tình yêu nước. Biển yên sóng lặng thôi, nhưng cũng bát ngát sâu thẳm.

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh

Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen…

Mấy câu thơ chẳng có gì là kĩ xảo, chẳng có gì là gọt tỉa, giản dị như lời nói thường thôi: như được nghe chính lời bà thủ thỉ, như có một thứ gió lạ kì lay động tâm hồn ta mãi. Đứa cháu có nghĩa có tình đã biết đã quý điều bà thường cất giấu kín đáo trong rương trong hòm. Và chính ánh sáng của những thứ của quý đó đã từng rọi vào tâm hồn thơ bé của đứa cháu, nhóm dậy, nhóm dậy, nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ. Nhịp thơ trở nên xốn xao như sự sống sinh đôi, như cây non xoè lá, như chim non chớp cánh.

Rồi đứa cháu lớn vụt lên, bay bổng:

Giờ cháu đã đi xa.

Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Những năm tháng sống ở nước ngoài, giữa ngọn khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả, giữa những hoa mĩ, dễ hấp dẫn lòng người, nhưng nhà thơ tỏ ra không bị choáng ngợp. Có thể nói, tình cảm chủ đạo chi phối tâm não tác giả là những hình ảnh thân yêu quen thuộc của quê hương đất nước, đã từ lâu gắn bó với tuổi thơ. Vì thế nhà thơ đã gửi về bà – người bà rất đỗi kính yêu – như lời tâm tình chân thật, thiết tha: sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Từ tình bà cháu đẹp như trong truyện cổ tích, bài thơ gợi lên những yêu thương đầu tiên, những suy nghĩ đầu tiên về cuộc đời, về đất nước… Cảm xúc tinh tế, chân thật và đượm buồn của nhà thơ trỗi dậy trong kí ức người đọc những kỉ niệm về cuộc sống gia đình, về truyền thống tình nghĩa của dân tộc. Và đó chính là sức hấp dẫn của bài thơ Bếp lửa.

Tiếp tục đọc

Văn mẫu 9

Bình luận bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”

Được phát hành

,

Bởi

Mùa Xuân, ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền xứ Huế…

(Thanh Hải)

Vâng, đã có một Mùa Xuân như thế – một Mùa Xuân âm vang tiếng hát từ trong lòng người để rồi lan toả cả đất trời- một Mùa Xuân trên quê hương xứ Huế giàu chất thơ với bao vẻ đẹp quyến rũ làm say đắm lòng người. Mùa Xuân làm đổi mới, khởi sắc thiên nhiên, tạo vật và bỗng dưng tâm hồn con người tràn trề một niềm yêu đời, vui sống mãnh liệt. Nhà thơ Thanh Hải, một người con của Huế đã nắm bắt và truyền vào lòng người những cảm xúc chan chứa yêu thương ấy bằng một bài thơ có nhan đề rất khiêm tốn: Mùa Xuân nho nhỏ. Thế nhưng bài thơ từ lúc ra đời đã cất cao tiếng hát lạc quan từ trái tim nhà thơ hoà vào bản hoà- tấu- cuộc- đời rộng lớn, âm vang suốt chiều dài thời gian từ bấy đến nay. Bài thơ đã thực sự thành bài hát nổi tiếng được mọi người yêu chuộng.

Mở đầu bài thơ là một bức tranh Mùa Xuân tươi đẹp, không gian bao la, bát ngát mở ra cả ba chiều:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Trên cái nền không gian rộng lớn ấy, nổi bật những hình ảnh, đường nét, màu sắc thật nên thơ và gợi cảm, êm ái, dịu dàng, đáng yêu biết bao. Một màu xanh tươi sáng trải rộng mênh mông làm nền và tôn thêm vẻ đẹp nổi bật của “bông hoa tím biếc”. Một màu “tím biếc” lung linh, lấp lánh giữa “dòng sông xanh” lại càng thơ mộng.Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên được nhà thơ phác hoạ bằng hai hình ảnh với những đường nét mềm mại, thanh sơ, màu sắc hài hoà đã thể hiện cái “hồn” của Mùa Xuân: một sắc Xuân đầy sức sống và quyến rũ

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc.

“Mọc” là vươn lên, trỗi dậy từ lòng đất. Đặt từ “mọc” ngay từ đầu câu thơ, bài thơ đã gây cho người đọc về sức sống mãnh liệt, bất ngờ đến ngạc nhiên của thiên nhiên, tạo vật. Bức tranh Mùa Xuân không chỉ có hình ảnh, màu sắc mà còn có cả âm thanh. Đó là âm thanh tiếng chim chiền chiện hót ngân vang, thánh thót càng làm cho buổi sớm xuân có không khí náo nức lạ thường. Đứng trước vẻ đẹp đầy sức hấp dẫn và quyến rũ của bức tranh Xuân ấy, tâm hồn nhà thơ làm sao ngăn được những xúc động mãnh liệt. Tâm hồn nhạy cảm của thi nhân và những tác động ngoại cảnh đã khơi dậy bao nguồn cảm xúc. Tình yêu thiên nhiên, lòng yêu đời, yêu cuộc sống trào dâng chan chứa, tràn đầy. Tiếng thơ là tiếng lòng tác giả thốt lên từ trái tim rung động dào dạt:

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời.

Hai câu thơ nhằm bộc lộ cảm xúc cao độ. Có cái gì ngọt ngào, rất Huế trong giọng thơ trìu mến, thân thương qua những từ ngữ chân quê, mộc mạc: “ơi… chi mà..”. Phải thực sự là người sống gắn bó với Huế qua bao tháng năm bằng tình yêu tha thiết, mới hiểu được cái giọng Huế ngọt ngào trong lời thơ Thanh Hải. “Hót chi mà vang trời” cứ ngỡ như là một lời trách nhưng là trách yêu đấy thôi; chan chứa yêu thương. Với một tâm hồn nhạy cảm và một tình yêu mãnh liệt như thế, tiếng chim đã tác động vào trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ, tạo nên những ảo giác. Tâm hồn tác giả đang ở trạng thái “tĩnh” chuyển sang trạng thái “say”. Trí tưởng nhà thơ đi từ cõi thực dần vào cõi mộng. Vì thế mà tiếng chim hót, nhà thơ cứ ngỡ như là “từng giọt long lanh rơi” có thể nhìn thấy, có thể đưa tay hứng được:

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Tâm hồn nhà thơ đã bị cuốn hút mãnh liệt bởi tiếng chim. Và cái cử chỉ “Tôi đưa tay tôi hứng” là một biểu hiện cao độ của niềm say mê đó. Có cái gì náo nức, rộn rã, xao xuyến không chỉ thể hiện qua cử chỉ mà còn chứa đựng trong cả lời thơ, giọng thơ. Nhịp thơ dồn dập, âm hưởng ngân vang rất cao như một bản hoà tấu, bắt đầu thong thả, nhỏ nhẹ rồi nhanh dần, vút cao bằng một thanh trắc ở cuối đoạn: “tôi đưa tay tôi hứng”. Tiếng hót của loài chim trong thiên nhiên đã khơi dậy tiếng hát trong lòng tác giả. Dường như, tự trong lòng mình, nhà thơ đã cất cao tiếng hát. Tiếng hát của niềm lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha. Nhà thơ đã hát cùng thế hệ, hát mãi một niềm khát vọng, một lẽ sống tốt đẹp: khát vọng cống hiến phần nhỏ bé của bản thân mình để làm cho cuộc đời chung ngày một tươi đẹp:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Lẽ sống ấy đã trở thành điều tâm niệm và điều tâm niệm ấy được láy đi láy lại như một điệp khúc trong bản hoà tấu ngợi ca Quê hương, Mùa Xuân và Cuộc sống.

(Bài viết của Thuỷ Triều, đăng trên báo Thừa Thiên Huế số 55, 24/1/1999)

Tiếp tục đọc

Xu hướng