Đề bài:
Nêu cảm nghĩ về bài ca dao:
Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng,
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Bài làm:
Bài ca dao này có hai cái đẹp: cái đẹp của cánh đồng và cái đẹp của cô gái thăm đồng. Cả hai cái đẹp đều được miêu tả rất hay. Cái hay ỗ đây là cái hay riêng của bài ca dao này, không thấy có ở bất kì một bài ca dao nào khác.
Phân tích bài ca dao này, nhiều người thường chia ra hai phần: phần trên (hai câu đầu) là hình ảnh cánh đồng; phần dưới (hai câu cuối) là hình ảnh cô gái thăm đồng. Thực ra không hoàn toàn như vậy. Bởi vì, ngay từ hai câu đầu, hình ảnh cô gái thăm đồng đã xuất hiện hết sức rõ nét và sống động. Cụm từ “mênh mông bát ngát” được đặt ở vị trí cuối cùng. Trước đó, trước khi nói đến sự mênh mông bát ngát của cánh đồng, cô gái đã tự miêu tả và giới thiệu rất cụ thể về chỗ đứng cũng như cách quan sát cánh đồng của mình. Hình ảnh cô gái thăm đồng hiện lên với tất cả dáng điệu của một con người năng nổ, tích cực. Đứng “bên ni” rồi lại đứng “bên tê” để ngắm nhìn, quan sát cánh đồng từ nhiều phía, dường như cô muốn thâu tóm, nắm bắt, cảm nhận cho thật rõ tất cả cái mênh mông bát ngát của đồng lúa quê hương.
Cả hai câu đầu đều không có chủ ngữ, khiến cho người nghe, người đọc rất dễ đồng cảm với cô gái, tưởng chừng như đang cùng cô gái đi thăm đồng, đang cùng cô “đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng…” và ngược lại. Nhờ vậy mà cái cảm giác về sự mênh mông, bát ngát của cánh đồng cũng lan truyền sang ta một cách tự nhiên và ta cảm thấy như chính mình đã trực tiếp cảm nhận, rút ra và nói lên điều đó.
Nếu như ở hai câu đầu, cô gái phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ cánh đồng lúa quê hương để chiêm ngưỡng sự “bát ngát mênh mông” của nó, thì ở hai câu cuối, cô gái lại tập trung ngắm nhìn, quan sát và đặc tả riêng một “chẽn lúa đòng đòng” và liên hệ so sánh với bản thân mình một cách rất hồn nhiên:
Em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ giữa ngọn nắng hồng buổi mai.
Từ “em” ở đầu câu trên có người ghi là “thân em”. Trong ca dao truyền thống, nhất là trong ca dao tình yêu, những từ “em” và “thân em” được dùng khá phổ biến. Nói chung đó là những từ có nghĩa khác nhau, nhưng riêng trong bộ phận ca dao than thân, hai từ đó lại được dùng và được coi là đồng nghĩa. Ví dụ:
Thân em như con cá rô thia
Ra sống mắc lưới, vào đìa mắc câu.
Em như con hạc đầu đình
Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay.
Ở bài ca dao này, dùng từ “em” thích hợp hơn cụm từ “thân em”. Vì đây không phải là ca dao than thân. Hơn nữa, hai câu đầu của bài ca dao này đã được làm theo thể thơ tự do (mỗi câu kéo dài trên mười tiếng), nếu câu thứ ba dùng từ “em” thì hai câu cuối sẽ trở về với thể thơ lục bát chính thức, nghiêm chỉnh, như thế hiệu quả thẩm mĩ sẽ cao hơn.
Hình ảnh “chẽn lúa đòng đòng” tượng trưng cho cô gái đang tuổi dậy thì căng đầy sức sống. Hình ảnh “ngọn nắng” thật độc đáo. Có người cho rằng đã có “ngọn nắng” thì cũng phải có “gốc nắng”và “gốc nắng” chính là mặt trời vậy.
Bài ca dao quả là một bức tranh tuyệt đẹp và giàu ý nghĩa.