Internet mở ra khả năng kết nối, đưa con người ở mọi ngóc ngách đến gần nhau hơn. Cũng trên môi trường mạng, người ta làm việc, lập nghiệp, định hình cái tôi… Mạng xã hội đã hình thành nên phương thức giao tiếp, kết nối mới.
Bên cạnh những khả năng tưởng chừng vô hạn mà Internet mang tới, thế hệ trẻ hôm nay còn chịu nhiều tổn thương, đối mặt những vấn đề mà thế giới mạng mang lại.
Nhóm tác giả Nam Lâm (Hoài Nam và Lâm Hân) đã thể hiện bức tranh nhiều mảng màu sáng – tối của tâm lý người trẻ hiện nay qua cuốn sách Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? (Nhã Nam và NXB Hội nhà văn phát hành).
Sách Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? |
Sống trong bầu khí quyển công nghệ
Đối tượng chính trong sách là những người trẻ – được các tác giả gọi là Thế hệ Y – những người sở hữu tuổi trẻ trước khi bước vào thiên niên kỷ mới.
Đó là những người đang ở tầm 17-34 tuổi. “Những người này đang chiếm 30% dân số Việt Nam, xấp xỉ 28 triệu người. Đặc trưng của thế hệ này là chào đời và trưởng thành trong thời đại cách mạng công nghệ”, nhóm tác giả viết.
Cuốn sách Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? phân tích những thay đổi trong đời sống giới trẻ, chỉ ra những khác biệt giữa giới trẻ ngày nay và thế hệ cha ông. Tất cả đổi thay này được nhìn dưới tác động của công nghệ.
Theo các tác giả, giới trẻ ngày nay được lên tiếng, lắng nghe nhiều hơn. Nguyên nhân là cách tiếp nhận và nhận thức về thế giới đã thay đổi rất nhiều từ khi có mạng Internet.
Mạng xã hội khuyến khích người dùng chia sẻ, lên tiếng, thể hiện cái tôi, chính kiến riêng một cách mạnh mẽ. Các ý kiến đó có thể khác biệt hoàn toàn thế hệ trước, tách biệt suy nghĩ của số đông hiện nay. Với tâm thế chủ động, thế hệ trẻ bước ra hòa chung dòng chảy thế giới.
Ở đó, họ quan tâm những vấn đề chung của nhân loại như bảo vệ môi trường, đấu tranh cho bình đẳng giới… Người trẻ cũng quan tâm các giá trị mang tính phổ quát: Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, đề cao sự cân bằng, lối sống lành mạnh, lên tiếng và hành động tích cực.
Các tác giả viết: “Theo cách của người Mỹ, là thế hệ Me (Megeneration – thế hệ Tôi). Mỗi cá nhân tích cực chứng tỏ sự hiện diện của mình với xung quanh. Ý kiến, thái độ của chúng ta được thể hiện bằng phương tiện sống động”.
Ví dụ, khi nấu món ăn ngon, ta quay một chút hình ảnh và “khoe” lên mạng. Khi trồng được một cây hoa đẹp ở balcon, ta cũng nhanh chóng đưa hình ảnh cùng vài dòng cảm xúc lên Facebook. Khi phối được một bộ trang phục đẹp, lập tức hình ảnh ấy xuất hiện trên Instagram…
Cái tôi được thể hiện sinh động. Nhiều khi, người ta định dạng bạn thông qua môi trường mạng xã hội – nơi bộc lộ cá tính, hiểu biết, ước mơ.
Nhiều người trở nên nổi tiếng với cái tôi trên mạng xã hội. Kênh cá nhân của họ trở thành nơi kiếm tiền đầy tiềm năng – nơi các doanh nghiệp trả tiền cho những ai có nhiều lượt theo dõi qua mạng. Lúc này, cái tôi trở thành thước đo giá trị và cũng trở thành món hàng.
Thế hệ “Tôi”. Tranh minh họa: Rahul Das/vervemagazine. |
Cô đơn, rối loạn cảm xúc
Tuy vậy, thế hệ Y cũng chịu nhiều tác động của công nghệ, mạng xã hội. Khả năng kết nối tiện dụng, nhanh chóng, rộng mở khiến thế hệ trẻ có xu hướng giao tiếp qua mạng nhiều hơn tiếp xúc ở thế giới thật.
“Smartphone, máy nghe nhạc, laptop… là thủ phạm khiến chúng ta ngày càng khó giao tiếp với nhau. Đây không phải các chi tiết cường điều, mà là thực trạng có thể thấy ở bất kỳ nơi đâu”, các tác giả viết trong sách.
Họ còn chỉ ra trong thời đại công nghệ, con người phải đối mặt thách thức: Giữ được “cảm xúc người”. Cảm xúc tưởng chừng là chuyện đơn giản, nhưng khi trí tuệ nhân tạo dần chiếm ưu thế, mỗi người lại cố thủ ở các ốc đảo riêng biệt, làm sao để truyền tải yêu thương đến ai đó là một thách thức.
Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? chỉ ra những cơ hội, thách thức, giúp người đọc nhận diện bức tranh tâm lý của thế hệ trẻ. Cuốn sách không cổ vũ người trẻ lao vào, dấn sâu thêm trong thế giới ảo. Tác phẩm cũng không khuyên bạn đọc tránh xa thế giới mạng để trở thành những chú cừu công nghệ.
Thay vào đó, sách khuyến khích bạn trẻ định vị bản thân, nhận diện các vấn đề của mình khi tham gia “siêu cao tốc” của thế giới mạng.
Nhà văn Dương Thụy nhận xét về sách: “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa? là bức tranh toàn cảnh về thời đại Internet. Thấu hiểu người trẻ, nắm bắt tâm lý con người hiện đại, đưa ra gợi ý để mỗi chúng ta xác định lại bản thân giữa thế giới phẳng đầy biến động này”.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai – Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan – nói về cuốn sách: “Như một cốc phê, đủ ngọt để tin, đủ đắng để nhìn ra sự thật và phản biện lại chính những điều mà cuốn sách nêu ra. Và quan trọng nhất, đủ caffeine để một người đọc trẻ tuổi buông sách xuống để lên kế hoạch đổi thay”.
Tác giả Hoài Nam là biên tập viên, sống và làm việc tại TP.HCM. Anh còn là nhà sáng lập và bình luận phim.
Tác giả Lâm Hân là một nhà báo, biên tập viên. Chị cũng viết nhiều truyện ngắn.