Le Bas là lính hải quân, nhiếp ảnh gia nghiệp dư của Pháp. Đầu năm 1865, thuyền La Sémiramis neo lại ở Sài Gòn và Le Bas có dịp xuống thuyền đi chụp hình.
Chúng ta biết ông đã chụp lại tòa Dinh thự cho Sứ giả Hoàng gia (Maison des Messageries Impériales) mới xây khi ấy, và ông cũng là người chụp hình toàn cảnh bờ sông Sài Gòn cho thấy nhiều tòa nhà kiến trúc thuộc địa Pháp.
Những tấm hình này sau đó được in lại dưới dạng bản in khắc gỗ trong số tạp chí Le Monde Illustré ra ngày 1 tháng 7 năm 1865. Le Bas có thể cũng đã chụp hai tấm chân dung của người lính hải quân Touboulic và một chức sắc địa phương (Quam-Bo) […]
August Sachtler (1839-1873) là một điện tín viên và trợ lý nhiếp ảnh gia hải quân người Đức trong đoàn thám hiểm Đông Á nước Phổ đến thăm vùng Viễn Đông năm 1861. Sachtler đã chụp nhiều bức ảnh ở Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian này.
Sau khi giải ngũ, năm 1863, Sachtler mở một hiệu ảnh thương mại ở Singapore (nơi này sau đó hoạt động cho đến khi ông qua đời vào năm 1873). Lần đầu tiên ông đến thăm Việt Nam có lẽ là vào ngày 3 tháng 8 năm 1866.
Trong quảng cáo trên tờ Courrier de Saigon vào ngày 5 tháng 8, Sachtler tuyên bố rằng ông sẽ chỉ lưu lại đây hai tháng và muốn chào đón khách hàng đến hiệu ảnh chân dung của mình trong thời gian đó, nơi ông cũng có thể cho họ xem những tấm hình chụp Borneo, Thái Lan, Penang, và Singapore.
Tuy nhiên, trong số ra ngày 5 tháng 11 của tờ Courrier de Saigon, ông tuyên bố rằng mình sẽ ở lại thêm bốn tuần nữa và sẽ chụp hình tại hiệu ảnh mới của Émile Gsell, người mà ông hẳn có quan hệ thân thiết. Quảng cáo tương tự được lặp lại cho đến ngày 5 tháng 12 và ta không rõ chính xác ông rời Sài Gòn khi nào. Rất ít hình chụp Việt Nam của ông đã được định danh.
John Thomson (1837-1921), nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế kỷ XIX ở châu Á, từng đến thăm và làm việc tại Sài Gòn và Chợ Lớn trong ba tháng từ tháng 12 năm 1867 đến tháng 2 năm 1868 […]
Ảnh chụp Sài Gòn của John Thomson. Ảnh: Wellcome collection. |
Cuối năm 1865, ông du hành tới Thái Lan và năm sau nữa là Cao Miên. Ở thời điểm đến thăm Việt Nam, ông đã sở hữu một hiệu ảnh thương mại bề thế ở Singapore và vừa mới xuất bản một ấn phẩm nổi tiếng về quần thể di tích Angkor Wat. Những tấm hình của ông được xem là tư liệu ảnh đầu tiên về nơi này.
Nhận thấy mối quan tâm của Pháp với Cao Miên, có lẽ Thomson đã hy vọng sẽ tìm được một thị trường ở Sài Gòn sẵn sàng đón nhận những bức hình và cuốn sách về Angkor của ông.
Tuy nhiên, những bức ảnh của ông khi vào đến Sài Gòn thì đã không còn mới lạ, vì chỉ vài tháng sau Thomson, nhiếp ảnh gia thường trú người Pháp Émile Gsell cũng đã chụp hình ở Angkor Wat và các bức ảnh của ông này khi ấy đã được bán rộng rãi ở Sài Gòn cùng với ảnh chụp chân dung hoàng tộc và hình phong cảnh Cao Miên.
Có vẻ như Thomson không du hành ra khỏi Sài Gòn. Không mang quốc tịch Pháp, có thể ông không có giấy phép cũng như mối quan hệ cần thiết để làm việc đó. Dù vậy, Thomson vẫn có cơ hội chụp thêm hình cho bộ ảnh chân dung và phong cảnh Á châu của mình.
Vả lại, ông cũng đã lên kế hoạch chuyển địa bàn làm ăn sang Hong Kong, và Sài Gòn có lẽ chỉ là một kỳ nghỉ định sẵn […] Ông cũng xuất bản một vài tấm hình chụp Việt Nam trên tờ tạp chí địa phương The China Magazine.
Wilhelm Burger (1844-1920), trên đường từ Singapore đến Hồng Kông, đã nán lại Sài Gòn hai ngày, từ ngày 24 đến 26 tháng 5 năm 1869. Ông là một trong những nhiếp ảnh gia thiện nghệ nhất châu Âu thời ấy và đã theo chân phái đoàn Áo – Phổ xuyên suốt Xiêm La (Thái Lan), Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Mỹ, từ 1868 đến 1871.
Thật đáng tiếc rằng ông đã không có cơ hội tác nghiệp ở Việt Nam vì thời gian eo hẹp và điều kiện thời tiết xấu.Thay vào đó, ông đã mua âm bản từ “một người An Nam giàu có” và những tấm hình này sau đó đã bị xuất bản sai dưới tên của Burger.
Nhiều khả năng là Burger đã ghé thăm hiệu ảnh của Émile Gsell, nơi ông mua các âm bản vì những tấm hình còn tồn tại về sau dường như đã được chụp trong hiệu ảnh này.