Có khá nhiều bài ca dao nói về cô gái làng quê ngày xưa. Có bài bắt đầu bằng hai chữ “Em là”: “Em là con gái Kẻ Mơ….”; ” Em là con gái Phủ Từ…”; “Em là cô gái đồng trinh/ Em đi bán rượu qua đinh ông Nghè…”. Còn có những bài bắt đầu bằng hai tiếng rất dễ thương “thân em”. Chữ “thân” được nói đến có nghĩa là thân phận, số phận, duyên số… Có bài là lời tâm sự tỏ bày nỗi niềm. Có bài là lời tự hát với bao mơ ước chứa chan. Tất cả đều làm hiện lên hình ảnh cô thôn nữ đáng yêu và đáng nhớ.
“Hạt mưa sa”, “hạt mưa rào”, “tấm lụa đào”,… là những ẩn dụ về “thân em”. “Đài các” tượng trưng cho giàu sang phú quý. “Vườn hoa”, “ruộng cây” chỉ một mảnh đời lam lũ, vất vả, chân lấm tay bùn. Sống trong xã hội phong kiến, việc hôn nhân của thiếu nữ là do cha mẹ định đoạt. “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Tình duyên hạnh phúc mai sau chỉ biết tin vào số phận như một sự may rủi:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt rơi đài các, hạt ra ruộng cày
hay:
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
Dù là hạt mưa nhỏ bé, hạt mưa sa, hay hạt mưa rào cũng thế thôi. “Đài các” với “ruộng cày”, với “vườn hoa” chỉ sự tương phản của hai cảnh đời. Có yên ấm, hạnh phúc hay lận đận, vất vả chỉ còn biết trông chờ vào số phận, vào sự may rủi. Đó như một tiếng than khẽ thốt lên chứa bao nỗi niềm.
Trong xã hội cũ, việc người con gái đi lấy chồng được coi là một sự “gả bán”. Cô thôn nữ cảm thấy nhan sắc mình, vẻ đẹp duyên dáng của mình, mịn màng, óng mượt như “tấm lụa đào”, nhưng tình duyên, hạnh phúc sẽ “biết vào tay ai”
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Đạo tam tòng của lễ giáo phong kiến vô cùng nghiệt ngã. “Biết vào tay ai” cũng là một nỗi niềm phấp phỏng lo âu. Tác giả dân gian đã cảm thông, đã san sẻ với những nỗi niềm ấy cho bao cô thôn nữ ngày xưa. Vẻ đẹp của thiếu nữ thật muôn màu muôn dáng. Có vẻ đẹp rực rỡ “mặt hoa da phấn”. Có nét đẹp “cổ kiêu ba ngấn, da phấn, má lúm đồng tiền”; lại có cô mang nét duyên thầm, đen giòn củ ấu gai trong bùn kia:
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Anh ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết là em ngọt ngào
“Vỏ ngoài thì đen” đó là đen giòn. Bởi lẽ tâm hồn em trong trắng, trinh nguyên. Phẩm chất em trung hậu, đoan chính, “ngọt bùi”. Lòng dạ em chung thuỷ sắt son. Một chút tâm sự giãi bày, nhưng rất tự tin, tự trọng về cái duyên thầm của “thân em”.
Trên cái nền “bát ngát mênh mông”… “mênh mông bát ngát” của cánh đồng làng, cô thôn nữ rạo rực trước tâm hồn mình, nhan sắc của mình:
Thân em như chẽ lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai
“Chẽn lúa đòng đòng” hứa hẹn một ngày mai hạnh phúc trĩu hạt đầy bông. So sánh “như chẽn lúa đòng đòng” gợi tả một sức sống căng tràn, một cuộc đời phơi phới như đang tung bay trong màu hồng và hơi ấm của ánh bình minh. Thân em vừa trẻ trung xinh đẹp, vừa dạt dào sức sống, hứa hẹn nhiều hạnh phúc tương lai.
Tóm lại, những bài ca dao nói về “thân em” diễn tả sâu sắc bao nỗi niềm, bao tâm lí, bao ước mơ về tình duyên, hạnh phúc của cô thôn nữ sau bờ tre, ruộng lúa. Những ẩn dụ nói về “thân em” thật gợi cảm và hình tượng. Giá trị nhân bản thấm sâu những bài ca dao “thân em” ấy
Dưới ánh sáng cách mạng, vị thế vai trò của người phụ nữ được đề cao, được trọng vọng. Họ đã và đang vươn lên thành những mẹ hiền, vợ đảm đang, cô gái tài sắc đáng kính, đáng yêu. Nhưng có điều rất lạ, những bài ca dao nói về “thân em” vẫn tồn tại đến ngày nay.