Đề bài
Bình giảng bài ca dao sau:
Làng ta phong cảnh hữu tình,
Dân cư giang khúc như hình con long.
Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cây vun trồng tốt tươi.
Vụ năm cho đến vụ mười,
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề.
Trời ra: gắng; trời lặn: về,
Ngày ngày, tháng tháng nghiệp nghề truân chuyên…
Bài làm
Ca dao dân ca nói nhiều đến quê hương đất nước. Hình ảnh làng quê thân thuộc hiện lên thấp thoáng, hữu tình qua những vần thơ dân dã, mộc mạc đáng yêu. Con người Việt Nam, người dân cày cần cù lao động, tự hào và yêu tha thiết làng quê yêu dấu. Suốt một đời người gắn bó với quê hương, họ đã nghĩ và nói về nơi chôn nhau cắt rốn của mình bằng những vần thơ đẹp nhất:
Làng ta phong cảnh hữu tình,
Dân cư giang khúc như hình con long.
Trời ra: gắng; trời lặn: về,
Ngày ngày, tháng tháng nghiệp nghề truân chuyên…
Mở đầu bài ca dao, hai tiếng “làng ta” cất lên sao nghe tha thiết, bồi hồi thế. Phong cảnh “làng ta” hữu tình nên thơ và đáng yêu lắm! Vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn của ta, nơi mà tâm hồn ta gắn liền với mái nhà yên ấm của mẹ cha, được sống trong tình yêu thương của ông bà, cha mẹ, anh chị em… Làng ta có giếng nước, gốc đa, sân đình, mái trường, con đường đi học và tình bạn tuổi thơ. Niềm vui, nỗi buồn, tình thương, nỗi nhớ, cuộc sống và ước mơ… của mỗi chúng ta gắn bó với “làng ta”,… “Phong cảnh hữu tình” vì làng ta có dòng sông nước chảy êm đềm, đẹp tựa con rồng đang uốn lượn. Một hình ảnh tuyệt đẹp được sáng tạo bằng biện pháp tu từ so sánh:
Dân cư giang khúc như hình con long.
Có yêu quê hương tha thiết thì mới cảm nhận “làng ta” đẹp và hữu tình như thế! Luỹ tre, mái nhà vườn tược, cây trái, ruộng đồng… được dòng sông như con rồng chở che, ôm ấp. Chính trên dòng sông thơ ấu ấy, con đò nhỏ đêm trăng, cánh buồm nâu chở nắng xuôi ngược, làn nước trong xanh và con cá bạc… đã mang nặng hồn ta. Chính đôi bờ dòng sông thân thuộc như hình con long ấy bát ngát màu xanh của lúa ngô khoai, ngào ngạt hoa chanh hoa bưởi, thấp thoáng mái rạ và ngọn khói lam chiều, lao xao tiếng gà gáy, con trâu hiền lành và tiếng sáo diều vi vu… đã để thương để nhớ trong lòng ta, “… Đời đang vui đồng quê yêu dấu, bóng cau với khoang thuyền một dòng sông…” (Văn Cao) – Tiếng hát Làng tôi vẫn ngân nga mãi trong lòng ta. Hai câu tiếp theo nói lên ước mơ nghìn đời của người dân “làng ta”, của người nông dân Việt Nam:
Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.
Họ cầu mong mưa thuận gió hoà, “chân cứng đá mềm” để “cày cấy vun trồng”, lúa khoai “tốt tươi”, làm nên những mùa màng bội thu, no ấm. Họ “nhờ trời” với tất cả niềm tin và hi vọng. Lời cầu mong ấy cho thấy tâmhồn người dân quê rất hồn hậu, chất phác. Nhiều câu ca dao có hai tiếng “nhờ trời”, bởi lẽ công việc mùa màng phụ thuộc vào thời tiết:
Nhờ trời mưa thuận gió hoà,
Nào cày, nào cấy trẻ già đua nhau…
Nhờ trời… mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc giàu có:
Tháng năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy,
Năm nong đầy, em xay em giã,
Trấu ủ phân cám bã nuôi heo,
Sang năm lúa tốt tiền nhiều…
Bốn câu cuối giới thiệu về con người và cuộc sống lao động nơi thôn dã của quêta. Chiêm, mùa nôi vụ, cày bừa cấy hái quanh năm:
Vụ năm cho đến vụ mười,
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề…
Câu thơ đăng đối, cân xứng hài hoà: Vụ năm – vụ mười, kẻ gái – người trai, trời ra – trời lặn, gắng – về. Nhịp sống lao động theo nông lịch đã đi vào nề nếp từ bao đời nay. Các động từ: “đua, gắng, về” – diễn tả những phẩm chất tốt đẹp như như tinh thần chịu khó, cần cù, đức tính hay lam hay làm, lạc quan… của bà con nông dân “làng ta”. Lao động là niềm vui sáng tạo của họ:
Trời ra: gắng; trời lặn: về,
Ngày ngày, tháng tháng nghiệp nghề truân chuyên…
“Truân chuyên” nghĩa là vất vả, khó nhọc. Chữ “ngày” và “tháng” được lặp lại hai lần “ngày ngày, tháng tháng”, đó là một lối nói của người dân quê lấy thời gian để ca ngợi đức tính bền bỉ dẻo dai, cần mẫn của họ. Chính người dân cày Việt Nam đã đem mồ hôi tưới xuống luống cày mới làm ra lúa gạo, những bát cơm dẻo thơm nuôi sống xã hội và làm cho làng ta ngày thêm trù phú.
“Kẻ gái người trai đua nghề”, lo làm ăn vì một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Hình ảnh ấy làm ta liên tưởng đến những bức tranh sinh hoạt của đồng quê:
Bao giờ cho đến tháng hai,
Con gái làm cỏ, con trai be bờ…
hoặc:
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Hình ảnh làng ta với con sông xanh mang vẻ đẹp bình dị đáng yêu. Con người làng ta chất phác và cần mẫn được nói đến trong bài ca dao tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam. Có thể nói đây là một trong những bài ca dao mộc mạc, trong sáng nói về làng quê Việt Nam. Yêu màu xanh của bờ tre ruộng lúa, tự hào về người dân cày, ta yêu thêm đất nước và con người Việt Nam.