Nguyễn Lê Bảo Chung (biệt danh Ryan) ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, từng được biết đến có khả năng nói tiếng Anh từ bé. Hiện, nam sinh học lớp 1, có thể đọc, viết, giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh.
Sau màn đối thoại lưu loát với host Phoebe Trần của chương trình IELTS FACE-OFF trên kênh VTV7, Bảo Chung nhận được nhiều lời khen ngợi.
Bảo Chung trong chương trình IELTS FACE-OFF. Ảnh: VTV7. |
Tôn trọng khả năng của con
Xuất hiện với vai trò khách mời trong chương trình IELTS FACE-OFF trên kênh VTV7, Nguyễn Lê Bảo Chung chinh phục khán giả có mặt ở trường quay với màn hỏi đáp, giao lưu thú vị.
Sau ngày con lên sóng truyền hình “bắn” tiếng Anh, bà Lê Thị Liên, 42 tuổi, mẹ của Bảo Chung, kể gia đình vừa vui vừa buồn. Buồn vì có ý kiến của cộng đồng mạng cho rằng con “tiếp xúc nhiều tivi, điện thoại từ nhỏ”, hay “có bố là người nước ngoài”.
“18 tháng tuổi, gia đình không cho con tiếp xúc đồ điện tử. Hơn nữa, câu chữ bé bật ra đều lộn xộn. Tôi tôn trọng khả năng của con, có sao nói vậy”, bà Liên khẳng định.
Mặt khác, nữ phụ huynh cũng vui vì nỗ lực của hai mẹ con bước đầu có kết quả. Mẹ cố gắng học theo con tiếng Anh, con nỗ lực học mẹ tiếng Việt. Hiện nay, Bảo Chung được học trong môi trường tư thục, diện cấp học bổng 100%, nói được cả hai thứ tiếng – Việt và Anh.
Bảo Chung khi còn nhỏ và mẹ Lê Thị Liên. Ảnh: VTC News. |
Từng bất lực vì không thể giao tiếp với con
Bà Liên chia sẻ với Zing rằng hai mẹ con đã phải trải qua một thời gian khó khăn khi phát hiện khả năng của Bảo Chung. 19 tháng tuổi, thay vì nói tiếng Việt, Bảo Chung phát ra câu đầu tiên là “Eleven” – số 11. Sau đó, bé thường nói câu “I love you, mom”.
Lúc đầu, nữ phụ huynh nghĩ con nói linh tinh. Nhưng thấy Chung cứ nói câu đó cả ngày, bà hỏi con gái lớn đang học lớp 11. Con gái bảo em nói tiếng Anh. Người mẹ không tin nên thử con bằng cách đưa quyển lịch và chỉ vào chữ số. Bé đọc một mạch từ số 11 đến 30 bằng tiếng Anh. Hôm sau, bà Liên mua bảng chữ cái, tranh ảnh, con vật…, nhờ cô giáo dạy tiếng Anh ở gần nhà kiểm tra.
“Cô giáo nói bé có năng khiếu ngoại ngữ, phát âm gió tốt. Từ nào cô đưa ra, Chung cũng nói được”, người mẹ kể lại.
Không biết tiếng Anh, những ngày đầu, bà Liên và con gặp khó khăn khi giao tiếp. Thậm chí, có lúc, bà thấy bất lực vì hai mẹ con không hiểu nhau nói gì.
Về sau, người mẹ tự học thêm tiếng Anh, cộng thêm việc giao tiếp với nhau thông qua ngôn ngữ cơ thể. Nếu bé chỉ vào cái cốc và nói “Water” – nước – bà sẽ biết con đang muốn uống nước; nếu chỉ vào đồ ăn là biết đang đói.
Đến khi Chung đi học mẫu giáo, bà Liên lo lắng vì bé không thể giao tiếp với cô và các bạn. Con quấy khóc chỉ bám theo mẹ.
“Chỉ sợ bé trầm cảm vì trên lớp không trò chuyện được với ai. Tôi cố gắng dạy con nói tiếng Việt”, bà Liên tâm sự.
Khi biết nói tiếng Việt, Chung đồng thời đọc và làm được các bài Toán, Văn cơ bản. Hiện tại, bé có thể viết chữ tiếng Anh, tiếng Việt và làm các bài tập nâng cao của lớp 4, 5.
Để con có môi trường phát huy được năng khiếu, hai mẹ con cùng nhau rong ruổi nhiều nơi, tìm chỗ học cho Chung.
Nữ phụ huynh cũng liên hệ rất nhiều nơi để xin học bổng tiếng Anh cho con. Một số cơ sở giáo dục đã cấp học bổng toàn phần cho Bảo Chung, trong đó có trường em theo học. Trước khi nhận Bảo Chung, nhà trường tổ chức kiểm tra năng lực hai môn Toán, Tiếng Anh, em đều đạt điểm giỏi.
Bảo Chung chụp ảnh cùng thầy giáo tiếng Anh. Ảnh: VTC News. |
Ước mơ du học
Ngoài khả năng tiếng Anh, Chung thích tìm tòi, học các chủ đề như vũ trụ, động cơ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… Em có khả năng nhớ nhanh, nhìn các loại ôtô trên đường, gần như biết hết nhãn hiệu.
Nam sinh cũng thường xuyên đọc sách, xem các chương trình truyền hình… bằng tiếng Anh, để cập nhật vốn từ vựng và kiến thức.
Bà Liên cho biết sẽ để con tự do phát triển theo sở thích, nguyện vọng, không để bé chịu áp lực. Chung có khả năng tự học tốt nên mẹ chỉ góp ý, bổ sung khi con cần.
“Con bảo cố gắng học giỏi để sau này du học, khám phá vùng đất mới. Tôi chỉ mong sao con sống mạnh khỏe, vui vẻ, vậy là đủ”, người mẹ nói.