Bí quyết của các tỷ phú tự thân lập nghiệp là công trình mà John Sviokla và Mitch Cohen, hai nhà quản lý, tư vấn của PwC (PricewwaterhouseCoopers), đã dày công khảo cứu qua nhiều cuộc phỏng vấn, nhiều cuốn tự truyện.
Đây được xem là công trình nghiên cứu một cách tập trung, nghiêm túc và có hệ thống, với nhiều nhận định sắc bén, kèm theo phân tích và ví dụ minh họa cụ thể.
Sách Bí quyết của các tỷ phú tự thân lập nghiệp. Ảnh: Minh Anh. |
Thông qua việc vạch ra các phương thức cũng như miêu tả về những thăng trầm trên con đường sự nghiệp của các tỷ phú, cuốn sách cung cấp cho độc giả những bài học bổ ích về kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nhận biết những nhân tài trong tổ chức để bồi dưỡng, phát triển và tạo điều kiện cho họ thực hiện ý tưởng của mình.
Bạn sẽ lần lượt tìm hiểu qua 6 chương sách những vấn đề: Đập tan những quan niệm sai lầm về doanh nhân xuất chúng; Nhận biết về trí tưởng tượng đồng cảm để kiến tạo giá trị đột phá; Tìm hiểu một phần những áp lực mà các tỷ phú chấp nhận, trong sự khẩn trương nhẫn nại và đưa ý tưởng đột phá ra thị trường.
Là người đứng đầu doanh nghiệp, bạn có từng nghĩ cần khuyến khích khả năng đồng cảm và trí tưởng tượng của đồng sự và nhân viên không? Cuốn sách khẳng định, đó là điều quan trọng bạn nên thiết lập đầu tiên trong doanh nghiệp.
Ý tưởng mà những người như Joe Mansueto, Jeff Lurie, Chip Wilson, Glen Taylor, Sara Blakely, Eli Broad cùng những người khác hình dung ra cũng như theo đuổi đến cùng thường kết tinh từ sự hòa hợp giữa năng lực đồng cảm, và trí tưởng tượng, được nuôi dưỡng qua nhiều năm gắn bó với một lĩnh vực nhất định, qua trí tò mò và lòng dũng cảm.
Để tăng khả năng có bên mình chủ nhân của một ý tưởng như thế, bạn cần chắc chắn rằng tất cả nhân lực trong tổ chức của mình luyện tập “trí tưởng tượng đồng cảm”.
Ví dụ, cách mà các nhà sản xuất xe hơi như Toyota và Harley-Davidson vẫn thường dùng đó là yêu cầu nhân viên mua sản phẩm của công ty thông qua hệ thống đại lý mà khách hàng sử dụng.
Các nhà tỷ phú đều khuyên, hãy tạo cơ hồi thuận lợi cho tất cả nhân viên học hỏi về những phương diện khác nhau trong hoạt động kinh doanh, về các dự án khác hay thậm chí các lĩnh vực không có mối liên hệ trực tiếp với chuyên môn của họ.
Doanh nhân Dietrich Mateschitz, nhà sáng lập Red Bull. Ảnh: Autospor. |
Mục đích của việc rèn luyện năng lực đồng cảm, duy trì sự cải tiến và khuyến khích trí tò mò chính là để “nghĩ lớn”, “hành động lớn”.
Bạn cũng có thể học được sự nhạy bén của những nhà sản xuất hàng đầu như Dietrich Mateschitz, Steve Job, Micharl Bloomberg.
Với sự tinh nhạy của mình, Dietrich Mateschitz, khi mới chỉ là một doanh nhân không tên tuổi, thuyết phục được tay đua công thức 1 nổi danh Gerhard Berger cùng ông đi dạo với một lon Red Bull trên tay mà không cần phải mang theo một hợp đồng chính thức nào.
Đồng thời sự xuất sắc ấy cũng giải thích làm thế nào mà Steve Job – người mà mười năm trước đã bị hất cẳng hỏi Apple – có thể thuyết phục được ban lãnh đạo của chính tập đoàn này mua lại NeXT, một công ty mới chớm thành công nhờ công nghệ độc đáo, và sau đó phục hồi vị trí giám đốc điều hành cho ông.
Bằng sự nghiên cứu nghiêm túc, với lối viết khoa học mạch lạc, cuốn sách giúp bạn có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức thực tiễn, có tính ứng dụng cao trong quá trình điều hành doanh nghiệp.
Như lời T. Boone Pickens, Chủ tịch Quỹ đầu tư BP Capital Management từng nói: “Đây là một quyển sách chứa đựng những nghiên cứu hay, những câu chuyện hấp dẫn và những cơ hội tuyệt vời”. Cũng theo ông chia sẻ: “Kiếm được 1 tỷ USD đầu tiên là khó khăn nhất. Tôi biết điều đó qua kinh nghiệm của chính mình. Nếu bạn muốn thử thách bản thân với cột mốc đó, thì việc đọc cuốn Bí quyết của các tỷ phú tự thân lập nghiệp sẽ là một xuất phát điểm tốt”.