Kể từ sau bản dịch tập ghi chép Như Tây nhật ký (Tây hành nhật ký, Nhật ký đi Tây) của Phó sứ Phạm Phú Thứ mà lâu nay các nhà nghiên cứu hay trích dẫn, mãi đến năm 2020 mới có thêm một tài liệu khả tín khác (bằng tiếng Việt): Như Tây ký (Cao Việt Anh dịch, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội) do Bồi sứ Ngụy Khắc Đản ghi lại khi tham gia sứ bộ Đại Nam đi Lang Sa (Pháp) và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) năm 1863-1864.
Bìa sách Như Tây ký. Ảnh: NXB ĐH Sư phạm. |
Với Như Tây nhật ký, Phạm Phú Thứ tiến hành ghi chép về văn hóa, lịch sử, địa lý của các nước Pháp, Tây Ban Nha, Malaysia, Singapore, Ai Cập, Italy… Tức ghi nhật ký về những điều mắt thấy tai nghe trong hành trình thực thi công vụ, cũng là hành trình khám phá mới về trời Tây, thế giới mới trong một nhận thức mới cùng kiến thức mới.
Ngụy Khắc Đản khu biệt hơn, qua những ghi chép bằng ngôn ngữ Hán Nôm, ông tập trung mô tả chủ yếu về tình hình nước Pháp ở các mặt đời sống, lịch sử, chính trị, xã hội.
Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5/6/1862, triều đình Huế giao ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) cho Pháp.
Ngày 26 /6/1863, triều đình Huế cử Sứ bộ Phan Thanh Giản, hay còn gọi là phái đoàn Đại Nam, đi Pháp và Tây Ban Nha với nhiệm vụ ngoại giao làm sao để các đế quốc trả lại đất mà không phải là chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
Phái đoàn, gồm 64 người do triều đình Huế cử đi và 9 người do nhà cầm quyền ở Sài Gòn đài thọ, khởi hành từ Huế đến Paris để diện kiến Pháp hoàng Napoléon III và hoàng hậu, trải qua lộ trình Huế – Sài Gòn – Suer – Alexandrie – Toulon – Marseille – Paris.
Từ Paris, phái đoàn đến Tây Ban Nha để diện kiến nữ hoàng Isabelle II. Ngày 18/3/1864, phái đoàn về tới Nam Kỳ, kết thúc chuyến công vụ kéo dài tám tháng.
Phái đoàn Đại Nam do Chánh sứ Phan Thanh Giản (68 tuổi) dẫn đầu, cùng với hai vị Phó sứ Phạm Phú Thứ (43 tuổi) và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản (47 tuổi).
Ngụy Khắc Đản là nhân vật số ba, so với hai vị cấp trên không nổi tiếng bằng. Phan Thanh Giản, như chúng ta đã biết, một nhân vật gắn liền với nhiều biến cố của nước Đại Nam; Phạm Phú Thứ thì nổi tiếng với cá tính mạnh mẽ; Ngụy Khắc Đản trầm lắng hơn – là một trong những bậc đại khoa triều Nguyễn đầu tiên thực hiện sứ mệnh ở trời Âu.
Phái đoàn Đại Nam đi Pháp. Nguồn ảnh: Phong Vũ blog. |
Như Tây ký của Bồi sứ Ngụy Khắc Đản đang được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm dưới mã số A.764, cho đến nay là bản duy nhất tồn tại theo các nghiên cứu văn bản ghi nhận.
Tác giả có chủ ý tập trung quan sát và ghi chép về các mặt đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nước Pháp qua ba chủ đề: Lịch sử – địa lý – tôn giáo Pháp quốc; Chính thể Pháp quốc; Sinh hoạt thường ngày ở Pháp quốc.
Qua cuốn sách, chúng ta sẽ thấy nước Pháp giữa thế kỷ XIX ở các vấn đề: Địa danh, nhân danh, tước hiệu, cơ quan chính phủ, cơ quan hành chính các cấp, cấp bậc quân đội, câu nói giao tiếp, đồng tiền franc, tẩu hút, phương tiện giao tiếp…
Ngoài các quan sát và ghi chép, tác giả còn tham khảo các tài liệu về văn hóa lịch sử Pháp và phỏng vấn trực tiếp một số nhân vật khi du ngoạn. Những ghi chép này nhằm phục vụ tầng lớp tinh hoa: Vua và quan nhà Nguyễn.
Với việc tổ chức dịch, khảo và giới thiệu Như Tây ký, cùng công việc chú giải công phu các từ tiếng Pháp qua chữ Hán và tiếng Việt của dịch giả Cao Việt Anh, các nhà nghiên cứu có thêm một lựa chọn nguồn dẫn tốt.
Như Tây ký là một đóng góp cho học thuật nước nhà vì tác giả đã cung hiến cho chúng ta những tường thuật quý giá về văn hóa, tôn giáo, chính trị, y tế… về tiến bộ phương Tây một thời.