Mai Uyên cho biết ước mơ du học được nuôi dưỡng từ năm lớp 7, khi đọc những bài chia sẻ của du học sinh trên các trang báo. Ngay từ khi còn học tại trường THPT Phan Bội Châu (Cam Ranh, Khánh Hòa), em luôn cố gắng học tiếng Anh và tham gia các hoạt động ngoại khóa để có thể sớm thực hiện hành trình du học.
Nhưng điều đó đã phải tạm gác lại khi Uyên không được sự ủng hộ của ba mẹ. Uyên là con cả trong gia đình có hai chị em, ba mẹ Uyên lo con gái vất vả khi một mình ở xứ người. Chiều lòng ba mẹ, Uyên quyết định theo học tại ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Ngoài ra, Uyên còn là tình nguyện viên dạy vẽ, tiếng anh và nhà sáng lập dự án xã hội The Cardboard House – tái chế giấy bìa thành các mô hình nhà và đồ chơi từ dành tặng cho trẻ em mắc hội chứng DOWN và trẻ em tại các trung tâm mồ côi.
Uyên và bạn bè làm đồ chơi cho trẻ em. |
Bộ hồ sơ “đặc biệt”
“Mặc dù được học ngành em thích với kết quả học tập tốt, tâm trí em dường như mơ mộng về nơi khác. Em vẫn kiên trì thuyết phục ba mẹ. Ba mẹ từ phản đối, phản đối dần chuyển qua chấp nhận việc đó”, Uyên chia sẻ.
Kết quả SAT của Uyên chỉ đạt 1350 trong lần thi đầu tiên, Uyên quyết định thi lại nhưng lại bị hủy bởi dịch Covid-19. Nhận thấy không có điểm học thuật nổi bật, Uyên quyết định dồn hết tâm sức vào bài luận và hồ sơ cá nhân.
Tháng 4/2020, Uyên quyết định nói chuyện nghiêm túc với ba mẹ để thực hiện hồ sơ đi du học. Thời gian chỉ còn 6 tháng trong khi Uyên vừa cố gắng hoàn thành chương trình đại học trước khi nghỉ, vừa đi dạy và làm bài luận để gửi hồ sơ trong đợt du học sớm cuối năm.
“Thời gian đó mọi thứ cứ như đảo lộn hết lên vì quá nhiều việc chồng chéo do em không sắp xếp hợp lý. Có những ngày, em chỉ ngủ 4 tiếng rồi lại vào guồng làm đồ án, bài luận, đi dạy… Hầu như ngày nào em cũng căng thẳng nhưng em cố giữ tinh thần lạc quan. Điều quan trọng phải gắng làm hết mình dù kết quả như thế nào”.
Uyên cho rằng, hồ sơ của em không nổi bật về điểm số, nhưng có điểm “đặc biệt” khi tập trung thể hiện rõ năng lực cá nhân cùng chủ đề bài luận “lạ”.
Tình cờ trong những lúc gội đầu Uyên thấy tóc rụng rất nhiều. Uyên đã không vứt đi mà giữ lại để “vẽ” những bức tranh trên tường. Trong khi mọi người cho việc dùng lại tóc rụng vẽ tranh là điều hơi bất thường thì cô gái trẻ cho rằng điều đó có thể truyền tải thông điệp rằng cảm hứng nghệ thuật có thể bắt đầu từ bất cứ điều gì, thậm chí từ những thứ tưởng chừng không cần đến nữa.
“Khi nhìn vào những sợi tóc rụng, em thấy chúng không đơn thuần là thứ bỏ đi. Em đối diện với những sợi tóc ấy như đối diện với chính mình, những nỗi buồn và cả quá khứ. Và em quyết định biến chúng thành sức mạnh, biến những đau đớn thành động lực sống, đấu tranh cho đổi thay. Em để chúng lên bức tường trắng, vẽ nên những bức tranh của đời mình,” Uyên nói.
Bên cạnh đó, Uyên nhận định các trường chấp nhận hồ sơ của em vì ấn tượng với 30 “bài luận nhỏ” em gửi kèm – chính là “portfolio” nghệ thuật với các sản phẩm tranh vẽ và thiết kế đồ họa của em.
Một số tác phẩm của Uyên. |
“Đó là sự đa dạng các thể loại nghệ thuật em đã lao mình trải nghiệm. Thực ra là 30 tác phẩm em tạo bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như: tranh chì, tranh sơn dầu, kiến trúc… Mỗi bức đều được em chú thích cẩn thận bằng những đoạn văn nhỏ lồng ghép câu chuyện cuộc đời mình”, Uyên nói.
Nhận học bổng 8 trường đại học sau 10 lần bị từ chối
Hoàng Mai Uyên (2001) – cựu học sinh trường Phan Bội Châu (Cam Ranh – Khánh Hòa). |
Uyên bắt đầu nộp hồ sơ từ rất sớm. Vì không tự tin vào hồ sơ của mình, Uyên đã chuẩn bị hồ sơ cho 20 trường đại học để vừa thách thức mình và vừa tăng cơ hội đỗ.
Tuy nhiên, trong hai tuần Uyên nhận liên tiếp 7 lá thư từ chối của các trường: Tufts, Bates, Connecticut, Dickinson…
Quay về với công việc thường ngày, Uyên vùi đầu vào đi dạy vẽ, đăng ký làm thêm và tham gia hoạt động khác. Một thời gian ngắn sau, Uyên bất ngờ nhận được thư mời học của 7 trường đại học như Rochester Institute of Technology, Miami University, Drexel University, Augustana College… với những mức hỗ trợ từ 72.000-236.000 USD cho 4 năm học. Ngoài ra, Mai Uyên còn được ĐH Hobart and William Smith Colleges (top 72 LAC) tại bang New York cấp học bổng toàn phần học phí và hỗ trợ tài chính một phần ăn ở.
Thông báo của ĐH Cornell đến muộn hơn so với các trường khác nên Uyên không nghĩ rằng mình được chấp nhận. Chỉ khi các bạn thông báo kết quả trúng tuyển và nhắn em tra cứu, Uyên mới hay tin.
“Khi mở ra em không thể tin vào mắt mình, vỡ òa trong hạnh phúc khi chinh phục được ngôi trường mơ ước với gói học bổng toàn phần hơn 7,7 tỷ đồng. Em còn tưởng trường gửi thư cho nhầm người”, Uyên nói.
Hiện tại, Uyên đang hoàn thành một số dự án về thiết kế, dạy tiếng Anh,.. Sau đó em sẽ dành thêm nhiều thời gian cho gia đình trước khi đi du học. Dù có đam mê vẽ tranh và tình yêu dành đối với nghệ thuật nhưng Uyên cho biết chưa quyết định ngành học tại Cornell University.
“Các trường đại học tại Mỹ không bắt buộc sinh viên phải xác định ngành học ngay từ đầu. Đây cũng là một trong những lý do em mong ước được du học Mỹ từ rất lâu rồi. Ở Cornell, em muốn được thử sức với nhiều lĩnh vực khác rồi mới quyết định ngành học mình cảm thấy phù hợp”, Uyên chia sẻ thêm.