Buổi đấu giá ấn bản sách Nơi ánh sáng không bao giờ tắt của bác sĩ trẻ Trần Quốc Khánh kết thúc hôm 23/6 với mức giá cao nhất là 50 triệu đồng. Hiểu được thiện chí của anh, một đơn vị và một cá nhân không tham gia đấu giá nhưng vẫn ủng hộ 110 triệu đồng cho hành động này, chung tay góp sức vào quỹ vaccine phòng, chống Covid-19.
Được mệnh danh là “bác sĩ nghìn like”, nhiều năm nay, anh Khánh chia sẻ kiến thức chăm sóc sức khỏe trên mạng xã hội. Hai cuốn sách mới ra mắt (Nơi ánh sáng không bao giờ tắt và Bác sĩ tốt nhất của nhà mình) nhận được hiệu ứng tốt từ cộng đồng.
Bộ sách mới ra mắt của tác giả, bác sĩ Trần Quốc Khánh. Ảnh: THB. |
Viết sách để lan tỏa điều tử tế
– Ý tưởng viết sách đến với anh như thế nào?
– Tuổi thơ tôi lớn lên nơi miền quê nghèo đói và suốt chặng đường thăm khám, phẫu thuật cứu người, tôi đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh thương tâm. Những câu chuyện ấy, tôi ghi lại và muốn chia sẻ để mọi người thêm nâng niu, trân trọng cuộc sống, sinh mạng của mình.
Tôi tin nó sẽ chạm đến trái tim người đọc. Nhìn vào nhiều mảnh đời ấy, ta sẽ thấy cuộc sống của mình vẫn tốt hơn họ, từ đó, sống chậm lại, yêu thương bản thân và nhân loại nhiều hơn.
Những câu chuyện nghề y trong cuốn Nơi ánh sáng không bao giờ tắt được ghi lại từ khi tôi bước vào nghề (khoảng 10 năm về trước). Còn Bác sĩ tốt nhất của nhà mình là tập hợp những bài viết thường thức hàng ngày tôi chia sẻ cho cộng đồng qua mạng xã hội 5-6 năm qua.
– Chỉ ba ngày sau khi công bố trên Facebook, chưa phát hành chính thức nhưng có tới hơn 1.000 bộ bìa cứng được đặt trước. Vì sao có được hiệu ứng tích cực như vậy?
– Nó là tổng hợp của nhiều yếu tố, tôi nghĩ vậy. Trước khi phát hành vài ngày, tôi có thông báo trên trang cá nhân và rất bất ngờ với số lượng đơn đặt sách. Hiệu ứng này tôi nghĩ, đầu tiên, xuất phát từ tình cảm quý mến của những người luôn theo dõi tôi qua mạng xã hội.
Thứ hai, với cuốn Bác sĩ tốt nhất của nhà mình, chắc hẳn mọi người thấy được sự hữu ích của nó vì những kiến thức chăm sóc sức khoẻ mà chúng ta cần và nên biết.
Thứ ba, trong thời điểm dịch bệnh, những câu chuyện nghề y và sức khỏe có lẽ được quan tâm nhiều hơn. Đó cũng là yếu tố tạo nên hiệu ứng đặt mua sách.
– Cơ duyên, động lực nào khiến anh phối hợp với Thái Hà Books bán đấu giá sách của mình để ủng hộ quỹ vaccine?
Bác sĩ Trần Quốc Khánh và ấn bản đặc biệt của phiên đấu giá. Ảnh: FBNV. |
– Với phiên đấu giá sách này, tôi cùng Thái Hà Books mong muốn chia sẻ khó khăn chung với xã hội thông qua sản phẩm mình làm ra, chung tay cùng cả nước để có nguồn vaccine sớm nhất.
Đây chỉ là hành động nhỏ, nhưng nhiều hành động như thế, tôi tin rằng, sẽ sớm tạo nên mùa xuân.
Nhiều người nghĩ rằng bác sĩ phải ra tuyến đầu mới là chống dịch. Thực tế không phải vậy, mỗi người có một sứ mệnh nhất định. Chiến sĩ biên phòng ở vùng núi cao, đảo xa, ngăn chặn người vượt biên mang mầm bệnh vào Tổ quốc. Cán bộ canh gác khu cách ly. Phóng viên đưa tin chính xác và kịp thời về tình hình dịch bệnh… Họ đều đang chống dịch.
Bác sĩ viết sách truyền cảm hứng, đem đến thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe trong thời điểm này, cũng đang góp phần chống dịch.
“Nếu đủ cảm xúc và trải nghiệm, tôi sẽ viết”
– Anh sắp xếp thời gian như thế nào để vừa đảm nhiệm công việc ở bệnh viện, vừa chia sẻ kiến thức thường xuyên trên mạng xã hội và viết sách?
– Đây mới là một nửa số công việc của tôi. Hết giờ hành chính ở bệnh viện, tôi còn làm thêm ở phòng khám, biên tập, chia sẻ kiến thức sức khoẻ thường thức trên mạng xã hội.
Tôi cũng tham gia hoạt động thiện nguyện hướng đến trẻ em nghèo vùng cao và những bệnh nhân nghèo cần phẫu thuật; chia sẻ sức khoẻ trực tiếp tại các công ty, doanh nghiệp…
Tôi tin rằng khi dành nửa thời gian được nghỉ để làm việc, chỉ sau một thời gian ngắn, chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt. Chẳng hạn, nếu được nghỉ thứ bảy và chủ nhật, tôi chỉ chọn nghỉ một ngày, ngày còn lại tôi vẫn làm việc. Hoặc tôi thường tranh thủ quãng thời gian phố phường đông đúc tắc, kẹt để ngồi viết sách, cũng như chia sẻ kiến thức đến cộng đồng.
– Tại sao ở phần 2 của cuốn “Nơi ánh sáng không bao giờ tắt”, anh đổi đại từ xưng hô “tôi” thành “bác sĩ”? Điều đó liệu có làm mất tính tự truyện trong tác phẩm?
– Muốn viết được sách, tôi nghĩ không chỉ cần có kiến thức, trải nghiệm, mà đòi hỏi phải có vốn từ, khả năng diễn đạt, hồi tưởng, liên kết… Điều đó bắt buộc tôi phải đọc rất nhiều sách, thẩm thấu vốn từ trong đó và tạo ra cách diễn đạt ngôn từ cho riêng mình. Ngoài ra, sự chân thật trong từng câu chuyện cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn.
Phần một, tôi kể về tuổi thơ của mình, khi đó chưa là bác sĩ, nên dùng đại từ nhân xưng “tôi”. Đến phần hai, khi trở thành bác sĩ, tôi kể những câu chuyện nghề y của mình, tôi đổi đại từ xưng hô thành “bác sĩ”. Tôi tin với cách gọi đó, người đọc (đặc biệt là bệnh nhân) sẽ có cảm giác tin tưởng, gần gũi.
Bác sĩ Khánh tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện hướng đến trẻ em nghèo vùng cao. Ảnh: NVCC. |
– Thời buổi xuất bản sách ảm đạm như hiện nay, sách của anh được in lần một với 4.000 bản bìa mềm và 2.000 bản bìa cứng. Con số đó sẽ là tiền đề để anh tiếp tục cầm bút?
– Tương lai là những điều ta chưa biết trước và cũng không nói trước được. Viết một cuốn sách không phải cứ lên kế hoạch là xong, mà cần có cảm xúc cũng như trải nghiệm.
Nếu có đồng thời hai yếu tố đó, tôi tiếp tục viết để lan tỏa thông điệp ý nghĩa tới cộng đồng.
– Thông qua sách, anh có thông điệp gì muốn nhắn nhủ tới sinh viên ngành Y nói riêng và giới trẻ nói chung?
– Bản thân tôi từng trải qua tuổi thơ vượt đường xa để đi học, cha mẹ không ở bên, gia cảnh nghèo khó… Nhìn lại chặng đường ấy, tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ hãy vững tâm nuôi dưỡng giấc mơ, đừng bao giờ từ bỏ.
Trên con đường thực hiện giấc mơ đó, học tập, liên tục đọc sách và gặp gỡ những người có tinh thần lạc quan là điều rất quan trọng.