Cùng Franz Kafka và Karel Čapek, Jaroslav Hašek đã tạo nên bộ ba vĩ đại của văn học Czech đầu thế kỷ XX. Nếu tác giả của Hóa thân luôn đau đáu trước những cái tôi bị đè nén, cố vùng vẫy để tìm tự do, thì “cha đẻ” của Khi loài vật lên ngôi lại dùng trí tưởng tượng vô biên của mình để khắc họa bi kịch của hậu thế. Hai nhà văn này mang tới cho người đọc những sáng tác giàu tính triết luận.
Jaroslav Hašek lại sáng tác với quan điểm khác hẳn hai đồng hương của mình. Dẫu cho cuộc đời này luôn tồn tại đau khổ và oan trái, bi kịch cùng đầy rẫy bất công, ông vẫn nhìn nó với một ánh mắt đầy bao dung. Bộ tiểu thuyết đồ sộ Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới đã thể hiện rõ điều đó.
Tại Việt Nam, Franz Kafka và Karel Čapek được bạn đọc yêu mến qua một số tác phẩm. Tuy nhiên, Jaroslav Hašek lại chưa được biết đến rộng rãi.
Nhân dịp phát hành hai tập đầu bộ tiểu thuyết, NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Cộng hòa Czech tổ chức buổi giới thiệu ra mắt sách Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới của nhà văn Jaroslav Hašek.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, TS sân khấu Trần Minh Thu, TS văn học Quyên Nguyễn.
Hai tập đầu của cuốn tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới của Jaroslav Hašek. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Một câu chuyện hài hước với đầy thăng trầm
Jaroslav Hašek đã sống cuộc đời khá ngắn ngủi. Ông ra đi khi chưa đầy 40 tuổi, sau thời gian dài bị bệnh tật hành hạ. Thế nhưng, nhà văn người Czech đã miệt mài cầm bút 20 năm và có một gia tài sáng tác đáng nể với 1.200 truyện ngắn, nhiều tiểu phẩm, bút ký cùng các bài báo.
Đặc biệt, phải kể đến cuốn tiểu thuyết được liệt vào hàng kinh điển của văn học Czech, đó là Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới.
Phần đầu của tác phẩm này ra mắt bạn đọc năm 1921, tại Praha, toàn bộ chi phí in ấn và xuất bản đều do tác giả tự trang trải. Đến năm 1922, hai phần tiếp theo của cuốn tiểu thuyết được xuất bản. Phần bốn được phát hành vào năm 1923, khi tác giả vừa mới qua đời.
Do tính chất trào phúng cùng văn phong hài hước, tác phẩm này đã được độc giả bình dân đón nhận một cách rất hào hứng ngay từ ngày đầu ra mắt. Thế nhưng, các nhà phê bình dường như không chấp nhận nó.
Sau một thế kỷ, câu chuyện về anh lính Švejk đã chứng minh được sức hấp dẫn khó cưỡng của mình. Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra 60 thứ tiếng và bán được hàng triệu bản ở Czech.
Nhân vật chính của tác phẩm là người lính với vẻ ngoài hiền lành và cục mịch. Có nhiều người cho rằng anh ta là một kẻ khùng. Nhưng chính nhờ vẻ ngoài khùng điên đó, Švejk đã nhiều lần thoát khỏi nguy hiểm. Đến nay, người ta vẫn tranh cãi rằng: Anh lính của văn hào Jaroslav Hašek giả ngốc hay thật sự ngu đần.
Để tạo nên hình tượng Švejk, nhà văn Jaroslav Hašek đã tham khảo rất nhiều các nhân vật văn học dân gian của châu Âu. Theo TS Sân khấu Trần Minh Thu, khi đọc về nhân vật này, chúng ta sẽ tìm thấy những điểm chung với một số nhân vật trong các loạn hình nghệ thuật gian gian của Việt Nam như: Mẹ đốp, lý trưởng trong sân khấu chèo hay chú Tễu trong múa rối nước.
Nhờ tiếng cười sảng khoái, nhưng cũng không kém phần sâu sắc mà Švejk mang lại, nhân vật đã nhiều lần được sống một cuộc đời khác, trên sân khấu kịch múa rối và điện ảnh ở Czech.
Trên chính quê hương của tác giả, anh lính khờ khạo Švejk đã bước ra khỏi khuôn khổ của một nhân vật văn học và dần đi vào đời sống. Ở Czech, có một câu thành ngữ là “Ngốc như Švejk” để chỉ những người ngốc nghếch một cách khó tin.
Tượng nhân vật anh lính Švejk tại quảng trường ở thành phố Kralupy, Cộng hòa Czech. Ảnh: Kamil Hainc/svejkcentral. |
Cảm hứng cho nhiều tác phẩm phản chiến
Ngoài miệng, tuy nói rằng hết lòng ủng hộ quân đội, anh lính ngốc nghếch hay cố tình che giấu sự khôn ngoan, lại mong cho chế độ quân chủ mau chóng sụp đổ.
Hơn ai hết, Švejk là người vô cùng căm ghét chiến tranh, nhưng để tồn tại giữa lòng cuộc chiến, anh không thể quá thật thà và đôi lúc phải dùng đến chút mưu mẹo.
Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới của đại văn hào người Czech Jaroslav Hašek đã ảnh hưởng tới nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về chiến tranh như Phía Tây không có gì lạ của nhà văn người Đức Erich Maria Remarque.
Một số cuốn tiểu thuyết phản chiến nổi tiếng được viết ở giai đoạn sau như Bẫy 22 của Joseph Heller hay Lò sát sinh số 5 của Kurt Vonnegut cũng được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết vĩ đại mà Jaroslav Hašek viết nên.
Nhà văn người Séc Jaroslav Hašek. Ảnh: Wikipedia. |
Văn hào người Czech có cách nhìn về chiến tranh khác hẳn với những người bạn viết đương thời. Trong đau khổ và sự dày vò của bom đạn, ông vẫn cố gắng nuôi dưỡng hy vọng.
Ở Czech, có một câu ngạn ngữ khá nổi tiếng: “Nếu bạn muốn cười, hãy đọc những câu chuyện về Švejk”. Tinh thần lạc quan và đức tính khiêm nhường của người Czech đã được thể hiện rất rõ trong cuốn tiểu thuyết này.
Do Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới là cuốn tiểu thuyết quá nổi tiếng của nền văn học Czech, nhiều người đã lầm tưởng rằng: Mọi đức tính của anh lính Švejk đều thể hiện tính cách của người Czech.
Đến giờ, độc giả vẫn phân ra hai luồng tư tưởng về tác phẩm nổi tiếng này. Có người đọc đi đọc lại tiểu thuyết của Jaroslav Hašek, nhưng cũng có những người thề sẽ không đọc lại nó lần thứ hai, vì cho rằng tác phẩm đang nói xấu người Czech.
Sinh thời, Jaroslav Hašek và Franz Kafka không có duyên gặp gỡ. Thế nhưng, cả hai nhà văn nổi tiếng này đều quen biết Max Brod và được ông dành nhiều tình cảm tốt đẹp. Trong sáng tác, hai cái tên lớn của nền văn học Czech đã tìm thấy nhau.
Dù khác nhau trong văn phong, chủ đề và cả tư tưởng, tác phẩm của Jaroslav Hašek và Franz Kafka giúp độc giả thấy được hai nhà văn lớn đều đang tìm cách chống lại hiện thực tăm tối mà cuộc sống đem đến cho họ.