Mở đầu tác phẩm, Saul Bellow viết: “Tôi là dân Mỹ, quê Chicago-Chicago” đã thêm một lần khẳng định cuốn sách là một ứng viên nặng kí cho biểu tượng của sự tái sinh lý tưởng tự do của giấc mơ Mỹ.
Sách Cuộc phiêu lưu của Augie March do Nguyễn Vân Hà dịch, NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn phát hành. Ảnh: Hạnh Nguyễn. |
Chuyến du hành tìm kiếm lẽ sống
Martin Amis (tác giả của Tiền – Thư tuyệt mệnh), một trong những người bị ảnh hưởng bởi Saul Bellow đã tuyên bố: “Quên Những cuộc phiêu lưu Huckleberry Finn, quên Gatsby vĩ đại hay cả Bắt trẻ đồng xanh đi, Cuộc phiêu lưu của Augie March mới đích thực là áng văn chương đỉnh cao của xứ cờ hoa. Không cần phải tìm kiếm đâu xa nữa”.
Saul Bellow tỏa sáng rực rỡ cùng thời với J.D. Salinger (tác giả Bắt trẻ đồng xanh), Kurt Vonnegut (tác giả Lò sát sinh số 5) cùng một vài nhà văn khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây cũng là lúc bùng nổ rực rỡ tiểu thuyết vĩ đại của Mỹ thời hậu chiến.
Augie March mở màn vào những năm 1920 tại Chicago, trong thời kì Đại suy thoái. March là một người anh hùng du đãng, một picaro (kiểu tiểu thuyết mô tả cuộc phiêu lưu của một ‘anh hùng’ ngông cuồng nhưng hấp dẫn) điển hình. Anh được xem như Odyssey của thời hiện đại, sống với một bà mẹ mang phong cách Machiavellian, một con người tính toán và bài Do Thái cực đoan, cùng ông anh Simon, một thanh niên tài ba mà March luôn bị xếp sau.
Bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ, March dấn thân vào chuyến du hành tìm kiếm lẽ sống của đời mình dưới các ống cống bẩn thỉu đến những khu ổ chuột, từ Chicago đến thời hậu chiến, March không ngừng đi khắp thế giới để kiếm tìm điều mà anh hy vọng sẽ trở thành “một số phận tốt đẹp hơn”.
Cuốn tiểu thuyết vốn không có một cốt truyện rạch ròi, gần giống với hình thức bildungsroman, kể về quá trình trưởng thành của một chàng trai trẻ. Những người xung quanh March luôn hướng anh vào con đường ổn định và mô phạm, thế nhưng đối với anh chàng, đấy là một hệ thống cứng nhắc và áp đặt, càng thúc đẩy anh chàng nổi loạn.
Ngay từ thuở nhỏ, March đã thích một cuộc sống lưu manh, giao du với những đứa trẻ trộm cắp hơn là đi học. Đời sống sóng gió của một tên tội phạm hấp dẫn March và sẽ trở đi trở lại trong suốt cuộc đời anh sau này. Những biến cố nối tiếp nhau như sóng triều dâng, dữ dội đổ lên đầu March nhưng không thể khuất phục anh.
March kể cho chúng ta nghe rất nhiều chuyện về những con người anh chàng gặp trong chuyến đi, nhưng chẳng hề quan tâm đến những gì họ kể, mà điểm tên như một nhân tố trong cuộc sống của anh. Anh ta không xa cách, cũng không gần gũi, có chút tự cao tự đại coi mình là cái rốn của vũ trụ.
Tính cách này đôi khi khiến anh chàng gặp rắc rối với những người khác, điển hình như tam giác tình yêu tréo ngoe giữa March và chị em Thea. Tuy nhiên, bản chất March vẫn đáng mặt đàn ông, dù cho đôi lúc anh chàng làm vài chuyện tồi tệ.
Anh đi hết hành trình này đến hành trình khác không phải để trốn tránh, mà vì anh chưa hài lòng với cuộc sống hiện tại và muốn vươn tới một điều lớn lao hơn.
Do vậy, Cuộc phiêu lưu của Augie March không mang tính giễu nhại hay châm biếm như hai cuốn tiểu thuyết trước đây của Bellow, mà chỉ làm nổi bật những mâu thuẫn vốn luôn tiềm ẩn của giấc mơ Mỹ.
Tất cả Chicago như được gói gọn trong cuốn sách đồng thời sau mỗi chuyến đi, March thấy gắn bó với một nước Mỹ mới lạ mà trước đây chưa từng được miêu tả, kể cả trong truyện viễn tưởng.
Nhà văn Saul Bellow (1915-2005) từng đoạt nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có giải Nobel Văn học. Ảnh: Vanityfair. |
Đậm chất giang hồ và những phân tích tinh tế về văn hóa
Saul Bellow xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình Dangling Man vào năm 1944, tiếp theo là The Victim (1947), hai tác phẩm hư cấu phản ánh thân phận ngoài rìa xã hội của người Do Thái – Canada sống tại Mỹ của ông, nhưng đều không thành công. Mãi đến khi viết cuốn sách Cuộc phiêu lưu của Augie March, Bellow mới tìm được tiếng nói riêng cho nhân vật của mình.
Thế giới bao hàm trong Cuộc phiêu lưu của Augie March quá sống động và đa dạng, ngay cả bản thân của March cũng xử sự bốc đồng, hiếu thắng, đến nỗi độc giả không thể đặt cuốn sách xuống, mà tập trung theo dõi nhất cử nhất động của March.
Điều này đã mang đến không khí mới mẻ và đặc biệt mà hai cuốn trước của ông không làm được. Sau đó Bellow nhớ lại: “Tôi đã bùng nổ như vòi phun cứu hỏa trong một mùa hè hầm hập”. Cuốn sách được chấp bút tại Paris, khi tác giả nhìn thấy cảnh tượng nước tràn xuống đường phố Paris như khơi nguồn cho dòng thác văn xuôi tuôn trào sau câu mở đầu đã trở thành kinh điển: “Tôi là dân Mỹ, quê Chicago-Chicago, cái chốn ảm đạm ấy, và tôi hành xử như vẫn tự răn mình, một cách bản năng, và lưu danh theo cách của riêng mình’.
Cuộc phiêu lưu của Augie March hẳn là tác phẩm mang phong cách phóng khoáng tự do nhất của Bellow. Thứ ngôn ngữ nhịp điệu khác biệt hẳn so với những sáng tác sau này của ông. Người ta không thể không trầm trồ thán phục trước lối diễn đạt triền miên, mang đậm nét ngông cuồng kiêu ngạo của Bellow, mà hẳn ông đã ít nhiều nghĩ đến Cervantes khi nhào nặn một Augie March điển hình.
Cuốn sách đưa tên tuổi của Saul Bellow lên một tầm cao mới, một phần trở thành lí do mà ông được trao giải Nobel Văn học năm 1976 cùng vô vàn giải thưởng danh giá khác như: Giải thưởng Quốc gia Mỹ năm 1954, Giải thưởng Di sản Do Thái năm 1968, Giải Kế thừa nền dân chủ Mỹ năm 1976.
Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đánh giá sự nghiệp của Bellow bằng những từ ngữ vô cùng hoa mỹ: “Văn chương Bellow biểu thị sự pha trộn giữa những tiểu thuyết đậm chất giang hồ và những phân tích tinh tế về văn hóa, về những chuyến phiêu lưu thú vị, vừa táo bạo vừa bi phẫn, đan xen những đối thoại đầy triết lý nhân sinh, thấu hiểu từ ngoại cảnh cho tới nội tâm nhân vật”.