Ăn ít để khỏe là tác phẩm của tác giả Yoshinori Nagumo. Cuốn sách nói về lịch sử loài người đối với thức ăn, cách kiếm ăn và đặc biệt là giới thiệu phương pháp ăn khoa học, dù ít hơn nhiều người hình dung, vẫn có sức khỏe ổn định. Được sự đồng ý của Thái Hà Books, Zing trích đăng một phần cuốn sách.
Thời đại ăn no
Có thể nói bệnh tiểu đường đã tạo nên điều kỳ diệu “ăn bao nhiêu cũng không béo” để thích nghi với môi trường mới – thời đại ăn no. Và nếu thời đại ăn no cứ kéo dài liên tục hàng chục nghìn năm không thay đổi, chắc chắn gen sẽ biến đổi và cơ thể tiến hóa thành hình dạng mới.
Nếu vậy, trong tương lai, có khả năng con người sẽ tiến hóa thành sinh vật sống mang hình dáng như chúng ta vẫn hay thấy trên phim ảnh, không có mắt và chân tay, mà chỉ có mỗi cái miệng để ăn bao nhiêu cũng không béo ngay từ khi được sinh ra.
Nhưng trên thực tế, trước khi xảy ra viễn cảnh đó, “loại người phàm ăn” sẽ bị xóa sổ khỏi hành tinh này, còn Trái Đất sẽ trở thành nhà của “những người đói”.
Vì sao vậy? Như tôi đã đề cập ở trên, khu vực của những người đói ăn có tỷ lệ sinh cao, còn khu vực của những người ăn no có tỷ lệ sinh thấp. Hơn nữa, chúng ta đều biết tiểu đường gây ra bệnh rối loạn cương dương ở nam giới, còn ở nữ giới làm gia tăng tỷ lệ vô sinh.
Thói quen sinh hoạt mà chúng ta duy trì trong suốt nhiều năm, trong đó có việc ăn uống, liên quan sức khỏe. Ảnh minh họa: Dribbble. |
Chúng ta, những con người đang sống ở thế kỷ XXI, trên thực tế, đã và đang phải đối mặt trực tiếp với vấn đề này, hoàn toàn không thể lảng tránh.
Loài người đã bị hủy hoại bao phen do phải đối mặt nhiều mối nguy hại triền miên đến sinh mạng như nạn đói, lạnh giá, dịch bệnh hay thiên tai. Và chỉ những con người đã thay đổi cũng như có khả năng thích nghi mới tồn tại nổi.
Nói chung, khi nhắc tới tiến hóa, chúng ta thường nghĩ về sự thay đổi các cơ quan trong cơ thể con người theo hướng tốt hơn.
Nhưng theo ý nghĩa ban đầu của tiến hóa, sự thay đổi cơ thể theo tình trạng thích nghi với môi trường như bệnh tiểu đường hay cận thị được gọi là “thích ứng”, còn nếu có sự biến đổi về gen mới được gọi là “tiến hóa”.
Vậy nên có rất nhiều người trên thế giới này ghét những sự thay đổi đó và đặt tên cho chúng là “bệnh tật”, đồng thời nguyền rủa luôn cả số phận bệnh tật của họ.
Nhưng nếu nhìn nhận sâu xa hơn, tất cả thói quen sinh hoạt mà chúng ta duy trì trong suốt nhiều năm chính là nguyên nhân gây ra điều này. Tôi hy vọng các bạn sẽ ghi nhớ trong tâm trí điều này, và nhất định sẽ có một ngày các bạn thay đổi cách sống của chính mình.
Khi nguy hiểm gần kề, cơ thể sẽ được kích hoạt đến tận tế bào
Theo các nhà khoa học, mỗi ngày có hàng chục nghìn tế bào thần kinh bị phá vỡ. Với đà này, có lẽ chúng ta đều lo rằng sớm muộn gì các tế bào thần kinh sẽ không còn nữa.
Trên thực tế, mỗi người chúng ta có khoảng 1.000-2.000 tỷ tế bào thần kinh và chỉ sử dụng khoảng 3% trong số đó. Như vậy, dù cho suốt cuộc đời ngày nào cũng mất đi hàng chục nghìn tế bào thần kinh, nhưng xét tổng thể số này chỉ chiếm vài phần trăm ít ỏi.
Song chắc chắn bệnh suy giảm nhận thức sẽ xảy ra nếu các tế bào thần kinh bị phá vỡ với tốc độ nhanh hơn. Tuy nhiên, cơ thể con người là một thực thể có khả năng hồi phục nhanh chóng.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng trong bộ não con người có tồn tại các tế bào gốc ở vùng Hồi Hải Mã (Hippocampus), giúp tái tạo các tế bào thần kinh. Mặc dù vậy, nếu chúng ta vẫn tiếp tục sinh hoạt không điều độ, các tế bào thần kinh sẽ không tăng lên.
Vì điều đáng kinh ngạc chính là tế bào thần kinh hồi phục mãnh liệt hơn khi tiếp xúc với “đói và rét”. Điều này minh chứng cho việc chỉ khi ở bên bờ vực nguy hiểm của sự sống như đói và rét, sức sống của con người mới trỗi dậy mạnh mẽ.
Còn bây giờ, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một chút về Hồi Hải Mã. Theo các nhà khoa học, Hồi Hải Mã là “lãnh địa của kí ức”, nơi ký ức được bộ não chọn lọc và lưu giữ.
Tôi xin giải thích rõ hơn về điều này. Đó là trong thời gian ngủ của chúng ta có một “khoảng thời gian vàng” từ 10h tối hôm trước đến 2h sáng hôm sau. Trong khoảng thời gian này, tại Hồi Hải Mã, các ký ức sẽ trải qua quá trình tinh lọc.
Giấc mơ là sản phẩm từ quá trình cắt ghép ngẫu nhiên các ký ức diễn ra trong bộ não. Vì vậy, chúng hoàn toàn không có liên kết với nhau và cũng không mang ý nghĩa gì, song hoàn toàn không có điều gì mà không phải là trải nghiệm của chính chúng ta.
Theo Freud, cha đẻ của học thuyết Phân tâm học, “giấc mơ là sự kết hợp của hai yếu tố gồm ham muốn bị đàn áp và tư duy tiềm ẩn”.
Ví dụ, để một người không nói tiếng Pháp không bao giờ gặp giấc mơ nói tiếng Pháp, thì trong khi ngủ, Hồi Hải Mã sẽ làm việc bằng cách chọn lọc và giữ lại những thông tin cần thiết, là những ký ức mà bản thân đã trải nghiệm trên thực tế và xóa dần những thông tin không cần thiết.
Tuy nhiên, các bạn không nên quá lo lắng. Mặc dù những ký ức bị xóa bỏ ở đây dần lãng quên theo ý thức nhưng chúng vẫn được giữ lại ở vỏ não và sẽ được trích ra khi có cơ hội cần tới.
Điều này tương tự như việc bạn xóa thông tin trên máy tính, nhưng khi cần vẫn có thể tìm ra nếu khôi phục lại ổ cứng. Cho nên, điều kỳ diệu là cơ thể con người có thể thực hiện được mọi thứ.