Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những bí ẩn xung quanh vụ ám sát Tổng thống Mỹ Jonh Fitzgeralt Kennnedy (JFK), khi ông đi vận động tranh cử tại quảng trường Dealey, Dallas ngày 22/11/1963 vẫn chưa được làm sáng tỏ. Mặc dù, chỉ một tuần sau khi vụ ám sát này diễn ra, chính phủ Mỹ đã mở cuộc điều tra để tìm ra kẻ giết JFK. Cuộc điều tra này được khởi sự bởi chính Tổng thống kế nhiệm Lydon B. Johnson, với chỉ thị hành pháp 11130, sau này được biết đến qua tên gọi Ủy ban Warren.
Tổng thống Kennedy cùng vợ Jacqueline, ngồi phía sau Thống đốc bang Texas John Connally và vợ của ông Nellie, trên đoàn xe hộ tống tổng thống, vài phút trước khi vụ ám sát xảy ra. |
Thủ phạm nhanh chóng được công bố là Lee Harvey Oswald, một tay súng đơn độc và không xuất phát từ một âm mưu nào cả, lý do hắn là một tên điên ủng hộ Cuba. Tuy nhiên, phần đa người Mỹ không tin Oswald hành động một mình mà không có tổ chức đứng đằng sau.
Vô số giả thuyết xung quanh vụ ám sát này đã được đặt ra; lời kết tội giết hại JFK cũng nhắm vào cả một loạt sát thủ và hàng tá nhân vật ở giữa… Kết quả là hàng nghìn cuốn sách, bài báo, chương trình truyền hình, phim ảnh ra đời để hậu thuẫn cho các giả thuyết khác nhau đó, nhưng giả thuyết về bàn tay mafia được nhắc đến nhiều nhất hiện nay. Bradley O’Leary, tác giả của gần 30 cuốn sách về chính trị Mỹ cùng với đồng tác giả của mình là Edward Lee là những người tiên phong cho giả thuyết này.
Trong cuốn Cái chết của những ông vua thời chiến tranh lạnh: Vụ ám sát NgôĐình Diệm và J. F. Kennedy (Phạm Viêm Phương, Mai Sơn dịch, NXB Công an nhân dân, năm 2019), Bradley O’Leary và Edward Lee cho biết, họ đã dành rất nhiều thời gian, công sức để đi tìm lời giải cho những bí ẩn bị bỏ ngỏ trong hơn 50 năm qua.
Thông qua các tài liệu lưu trữ liên quan tới chiến tranh Việt Nam, KBG, mafia Mỹ, mật vụ Pháp và băng đảng ma túy quốc tế đã được bạch hóa; cùng các cuộc phỏng vấn, thực nghiệm tại hiện trường và phân tích, đánh giá các dữ kiện đã được công bố… đồng tác giả sách đã tìm ra được những mối liên hệ giữa tập đoàn buôn bạch phiến Pháp, mafia Mỹ và một nhóm quan chức Việt Nam Cộng hòa liên quan đến vụ ám sát JFK.
Ngô Đình Diệm (bên trái) và Ngô Đình Nhu (bên phải). |
Theo đồng tác giả sách, tập báo cáo chính thức dày 26 tập của Ủy ban Warren trả lời người dân Mỹ thủ phạm giết JFK là Oswald là một sự dối trá. Ủy ban này cũng cố tình bỏ qua các bằng chứng khác với ý kiến của họ, từ chối triệu tập những nhân chứng quan trọng. Phải đến năm 1976, Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát được thành lập đã công bố những điều mà Ủy ban Warren không dám. Ủy ban này khẳng định ý kiến rằng, vụ ám sát hầu như xuất phát từ một “âm mưu”. Tiểu ban cũng nói rõ rằng có 4 phát đạn được bắn chứ không phải 3 như Ủy ban Warren khẳng định và nó ngụ ý tội phạm có tổ chức. Một thành viên trong Tiểu ban này còn thông báo ý kiến, ít nhất có 3 tay bắn tỉa đã nã đạn vào JFK.
Từ các hồ sơ bạch hóa của CIA, FBI, đồng tác giả sách cũng đã bỏ nhiều công sức lần tìm ra danh tính và mối quan hệ của một kẻ tình nghi sát nhân, hắn có mặt tại những địa điểm mà JFK đi qua ở Dalas, nhưng lại được trục xuất khỏi nơi đây 48 giờ sau vụ ám sát. Đồng tác giả sách cho rằng hắn biết thông tin về vụ ám sát và hoặc trực tiếp tham gia vụ ám sát JFK.
Sau các điều tra, đồng tác giả sách cho biết hắn tên là Michel Victor Mertz, người Pháp và trước khi bị trục xuất khỏi Dallas, hắn lấy một cái tên khác là Jean Rene Souetre (nhân vật này từng là thành viên của OAS, đội quân ngầm chống Des Gaulles, cũng thực hiện các hành vi ám sát).
Mertz từng là nhân viên Mật vụ Pháp. Hắn có liên quan trực tiếp đến việc buôn bán ma túy cũng như các lò bạch phiến của Antoine Guerini, người cung cấp ma túy cho thị trường Mỹ. Antoine Guerini cũng có quan hệ với các ông trùm tội phạm có tổ chức ở Mỹ như Carlos Marcello, Giancana và Santos Trafficante và cả Ngô Đình Nhu.
Trùm tội phạm Carlos Marcello năm 1980. Nguồn: Getty Images |
Đồng tác giả sách cũng cho biết, trước khi bị ám sát, Kennedy và Bộ Tư pháp do Robert, em trai của ông ta chỉ đạo đang tiến hành một cuộc chiến toàn diện chống mafia de dọa các ông trùm có tổ chức và thị trường ma túy ở Mỹ, đồng thời đe dọa sự ổn định thị trường bạch phiến Marseille của Antoine Guerini.
JFK còn theo đuổi âm mưu lật đổ và ám sát Fidel Castro trước và sau vụ Vịnh Con Heo. Và tương tự ông đã phê chuẩn cho phép và tiếp tế cho một cuộc đảo chính dẫn đến cái chết của Tổng thống Diệm ở Nam Việt Nam, đồng minh của Mỹ (trước khi bị ám sát 3 tuần). Để thực hiện điều này, JFK đã cử Henry Cabot Lodge, người ủng hộ mạnh mẽ việc lật đổ Ngô Đình Diệm làm Đại sứ.
Tuy nhiên, Diệm và Nhu đã biết trước được cuộc đảo chính này. Lý do đưa ra là các dữ kiện mà ngày nay đã sáng tỏ là Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn bị nghe lén. Mọi cuộc đàm thoại giữa Lodge và CIA đều bị Nhu và những nhân viên phản gián nghe rõ từng lời. Điều này khá hợp lý khi Nhu và Diệm có những biện pháp phòng vệ, chẳng hạn tích trưc vũ khí ở những địa điểm bí mật.
Một lý do nữa là Tướng McCone (một sỹ quan thâm niên tại Nam Việt Nam) đã bí mật tiết lộ âm mưu đảo chính cho Diệm biết. Nói cách khác, Diệm có bằng chứng rằng JFK đang âm mưu lật đổ mình. Trong trường hợp này, đa số người ta sẽ tìm cách ra tay trước. Giết kẻ thù trước khi kẻ thù kịp giết mình. Vì vậy, Diệm Nhu cùng đồng mưu ở Marseille và mafia Mỹ đã có kế hoạch ám sát JFK (chính trùm Carlos Marcello đã thừa nhận có dính líu đến vụ ám sát này). Nhưng Diệm Nhu bị ám sát trước khi kế hoạch được tiến hành.
Sau khi JFK qua đời, Robert Kennedy đã ra sức bảo vệ thanh danh của anh và gia đình mình trong sử sách. Robert biết rằng một cuộc điều tra quy mô liên bang có thể phá hỏng di sản của JFK. Đó là lý do tại sao Mertz lại được Bộ Tư pháp Mỹ nhanh chóng bí mật trục xuất khỏi Dallas.