![]() |
Nguồn: thethaovanhoa. |
Tết Nguyên tiêu diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hàng năm (ngày trăng tròn đầu tiên của một năm mới).
Lễ Thượng nguyên
Trong đạo Phật, Tết Nguyên tiêu là ngày lễ quan trọng, các phật tử tin rằng ngày rằm tháng giêng là ngày mà ánh sáng từ bi của Phật có pháp lực mạnh mẽ, phổ chiếu nhân gian. Còn trong Đạo giáo mà người Việt chịu một phần ảnh hưởng, lễ cúng rằm tháng giêng còn được gọi là lễ Thượng nguyên.
Vào ngày này, người ta thường thả hoa đăng, hay lên chùa khấn Phật. Các gia đình thường làm một mâm cỗ mặn cúng gia tiên và cúng chay trước bàn thờ Phật.
Ông cha ta quan niệm rằng “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng giêng” như một lời khẳng định về giá trị đặc biệt của ngày này.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giải thích quan niệm coi trọng ngày rằm tháng giêng khi xem xét ở hai khía cạnh khung cảnh lễ hội và góc độ tín ngưỡng.
Nhà nghiên cứu cho biết, ở quê ông (Quảng Ngãi) người ta có câu “Rằm tháng giêng ai siêng thì quảy”. Tức là người siêng thì cúng người không siêng thì thôi, chứ không phải tập tục mọi nhà đều cúng.
Tuy nhiên, vào ngày rằm tháng giêng, các cơ sở tín ngưỡng người ta thường làm lễ nguyên tiêu, đặc biệt là các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa (họ rất coi trọng ngày rằm tháng giêng và lễ nguyên tiêu).
Theo nhà nghiên cứu, lễ nguyên tiêu của người Hoa được tổ chức với quy mô lớn, nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra, có múa lân, múa rồng và các hoạt động văn hóa, vui chơi. Vì thế, có thể hiểu rằng, ngày rằm tháng giêng là lễ hội đôngvui, tưng bừng, náo nhiệt và nó hơn hẳn những ngày rằm thông thường khác.
![]() |
Người Việt rất coi trọng ngày rằm tháng giêng. Ảnh: Chí Toàn. |
Ngày cúng Thiên quan
Ở khía cạnh thứ hai, nhìn ở góc độ tín ngưỡng, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết trong năm có 3 ngày rằm lớn người ta gọi là Tam Nguyên (rằm tháng giêng là Thượng nguyên, rằm tháng 7 là Trung nguyên, rằm tháng 10 là Hạ nguyên). Ba ngày lễ này có gốc là tín ngưỡng thờ Tam quan, tức là ba vị thần quan Trời, đất và nước.
Ngày rằm tháng giêng người ta thờ cúng Thiên quan. Vị này có công năng là Thiên quan tứ phước, tức là quan Trời ban phước cho mọi người. Ngày rằm tháng bảy, người ta thờ cúng ông Địa quan. Vị quan này có chức năng là Địa quan xá tội, tức là xá tội cho người cõi âm, hoặc cúng cho người cõi âm thoát khỏi tội lỗi.
Còn ngày rằm tháng 10, người ta thờ cúng Thủy quan giải ách. Vị này có công năng giúp mọi người khỏi bị tai nạn, hạn ách. Trong ba vị quan này, người ta coi trọng ông Thiên quan hơn, nên người ta đề cao ngày rằm tháng Giêng hơn hai ngày rằm kia.
Cùng cách giải thích có phần tương tự, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, trong cuốn Bách khoa thư về làng Việt cổ truyền, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết, Tết Thượng nguyên được coi là một tết nằm trong hệ thống Thượng – Trung – Hạ nguyên (Tết Trung nguyên là rằm tháng bảy và Tết Hạ nguyên là rằm tháng mười).
Ba tết mang các ý nghĩa khác nhau theo quan niệm của Phật giáo: Tết Thượng nguyên là Tết hướng thiện, cầu phúc, cầu an; Tết Trung nguyên là địa quan xá tội; Tết Hạ nguyên là thủy quan giải ách.
Vào ngày này chư tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết pháp; người theo đạo Phật lấy ngày này để tưởng nhớ Đức Phật… Các chùa làm lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, sau đó làm lễ phóng sinh. Nhiều gia đình tổ chức lễ cầu an, “cúng sao giải hạn”.
Trong cuốn Tín ngưỡng Việt Nam thuộc bộ Nếp cũ, bên cạnh việc giải thích ngày rằm tháng giêng ngày lễ Phật, ngày Tết Trạng Nguyên, học giả Toan Ánh cũng cho biết ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía Thiên quan (theo các nhà thuật số).
Nhân ngày này, tại các đền chùa có làm lễ dâng sao, nghĩa là cúng các vị sao để giải trừ tai ách quanh năm. Cúng lễ dâng sao, người ta lập đàn tràng tam cấp, trên cúng Trời Phật, Tiên Thánh, giữa cúng các vị sao thủ mạng, ở dưới cùng cúng bố thí chúng sinh.
You must be logged in to post a comment Login