Một số đứa trẻ chọn cách im lặng, không nói chuyện với cha mẹ khi xảy ra mâu thuẫn. Ảnh: M&C. |
Đôi khi, cha mẹ bận rộn tới nỗi quên mất việc hiểu trẻ là ai và cần gì ở mỗi thời kỳ, và tại sao việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người khác có thể có ảnh hưởng rất lớn. Trong khi ở những thời điểm khác, cha mẹ lại nhìn tình huống quá gần, khiến ta khó nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và nhớ ra những gì cần phải làm. Điều này đặc biệt đúng trong những thời khắc nhiều cảm xúc.
Chị Tammy đã kể với tôi về cô con gái Katie của mình: “Con bé luôn ích kỷ và đầy tiêu cực. Hôm nay, khi cháu cảm thấy khó ở, anh trai cháu đã hỏi tôi con bé bị làm sao vậy, thằng bé thật sự là một đứa rất chu đáo. Nhưng ngay khi Katie từ nhà tắm bước ra, con bé đã hét vào mặt anh nó: “Đó không phải việc của anh!” và đi vào phòng, đóng sầm cửa lại. Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ về cách Katie đối xử với mọi người”.
Chị Tammy đã rất mệt mỏi và điều này hoàn toàn hợp lý. Bé Katie đã phản ứng cực kỳ tiêu cực trong mọi tình huống, dù là lúc cháu trở nên ích kỷ với anh trai hay từ chối làm bài tập chính tả. Mới sắp lên 6 nhưng Katie đã hình thành các phản ứng vội vàng và tiêu cực – cháu chưa hề có các kỹ năng cư xử tích cực trong việc thể hiện các cảm xúc khó chịu của mình.
Tuy thế, hiện tại chị Tammy không nhìn thấy điều này. Chị chỉ thốt lên: “Tôi không thể chịu được cái tính xấu của con bé thêm nữa!”. Tất nhiên, tôi hiểu việc làm cha mẹ đòi hỏi rất nhiều thứ, đồng nghĩa với việc nhìn mọi thứ từ góc nhìn của trẻ không hề dễ dàng chút nào.
Việc giúp đỡ chị Tammy nhìn nhận con gái mình theo cách khác đi và thấu cảm với cháu nhiều hơn trở thành phi vụ đầu tiên của tôi. Ngay khi Tammy xem con gái mình không phải là một “đứa trẻ có vấn đề” mà đơn giản là một đứa trẻ thiếu hụt các kỹ năng cảm xúc, chị có thể kiên nhẫn hơn và giúp được con. Đây mới chính là những gì bé Katie thật sự cần.
Katie là một ví dụ tuyệt vời về việc trẻ phản kháng đầy cảm tính, những đứa trẻ này không dễ dạy bảo, nhưng cũng không hề hiếm gặp. Thành thực, tôi cũng từng là một đứa trẻ hay phản kháng đầy cảm tính, điều này giải thích tại sao tôi có thể hiểu trẻ từ trong ra đến ngoài.
Một số trẻ dễ trở nên nóng nảy khi cảm thấy buồn phiền, tức là trẻ dễ trở nên khó chịu, nản chí và điên tiết. Trẻ nhanh chóng nổi khùng và có các phản ứng tức thời trước sự khó chịu mà mình gặp phải. Trẻ có trạng thái nóng có thể thốt ra những câu nói rất khó nghe như: “Con ghét mẹ!” và “Bố chỉ muốn con phải khổ sở!”. Trẻ nói lúc tức giận và có thể sau đó lại xin lỗi.
Tuy nhiên, sự tức giận của trẻ vào thời điểm đó là thật và tràn ngập trong lòng đến nỗi trẻ tìm mọi cách thể hiện ra bên ngoài, chỉ khi làm như thế trẻ mới cảm thấy khuây khỏa. Những cách giải phóng sự tức giận “không được thông minh” khác bao gồm la hét, đóng sầm cửa, dậm chân, đấm đá, cắn xé hay ném đồ đạc.
Tức giận là bình thường và lành mạnh, nhưng cách chúng ta phản hồi sự tức giận mới là vấn đề và cách chúng ta dạy trẻ điều đó mới là thứ quan trọng. Tất cả trẻ em, đặc biệt là những trẻ có trạng thái nóng khi tức giận, cần các phương thức tích cực để giải tỏa cảm xúc của mình.
Tất nhiên, ai cũng có lúc tức giận, nhưng một số trẻ, với bản chất và tính cách của mình, có khuynh hướng nóng nảy hơn những người khác, cho chúng ta các thách thức nhất định trong việc làm cha mẹ.
Một số trẻ khác lại có khuynh hướng “lạnh lùng” khi cảm thấy buồn phiền, đồng nghĩa với việc trẻ trở nên buồn, trầm uất và cô đơn. Trẻ có khuynh hướng che giấu các cảm xúc của mình và rút lui khỏi thế giới bên ngoài. Trẻ có trạng thái lạnh có thể nói “Hãy để con yên” và muốn được ở một mình trong phòng ngủ để khóc. Trẻ có thể cảm thấy buồn và cho rằng không có ai hiểu mình, từ đó rời xa những hoạt động bình thường mà trước đây vốn mang lại cho trẻ sự vui thích.
Buồn bã là bình thường và rõ ràng là một phản ứng lành mạnh, nhưng một đứa trẻ lặp đi lặp lại trạng thái lạnh cần học cách tìm lại sự cân bằng. Tất nhiên, có những thời điểm trong đời thật sự quá thách thức với trẻ, như bố mẹ ly dị, có người thân qua đời hay bị ai đó bắt nạt, nhưng đó cũng chỉ là những khoảnh khắc mang tính thời điểm và không nhất thiết phải trở thành bản tin dự báo thời tiết kéo dài vĩnh viễn.
Dù trẻ hầu như có trạng thái nóng, nhanh cháy nhanh tàn hay trạng thái lạnh, với khuynh hướng chìm đắm trong sự sợ hãi, trẻ đều đang mất cân bằng và cần phải học các phương pháp giúp cân bằng trở lại. Tôi thật sự muốn trình bày rõ ở đây rằng trẻ có vấn đề phức tạp có thể cần thêm sự hỗ trợ, chẳng hạn như một bác sĩ tâm thần hay chuyên viên trị liệu.
You must be logged in to post a comment Login