Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử càng khiến lời nhắc nhở từ cuốn sách trở nên cấp thiết hơn. Ảnh: The Economist. |
Thật cô đơn khi ở trên đỉnh cao thành công. Và đối với các tổng thống Mỹ hay những ông trùm công nghiệp, dường như họ chỉ có thể tìm đến những người có tầm vóc tương tự để dựa vào: đó chính là dựa vào nhau.
Trong gần hai thế kỷ, họ đã cùng nhau chơi golf, tận hưởng những buổi tối xem phim và kể chuyện cười cho nhau nghe. Một số đã phát triển thành tình bạn chân thành trong khi một số người khác công khai ghét nhau. Trong khi các CEO có xu hướng giữ cương vị của mình lâu hơn các tổng thống, thì không nghi ngờ gì về việc ai là người có thứ bậc cao hơn trong mối quan hệ này.
Tuy nhiên, hiếm có mối quan hệ nào giữa những người này, cả trong quá khứ, hiện tại và có thể là tương lai, lại khó hiểu như mối quan hệ của Elon Musk, người từng được hưởng sự hào phóng của Barack Obama và nay là người ủng hộ nhiệt thành cho ông Donald Trump.
Trong cuộc phỏng vấn không hề có kịch bản ngày 12/8 giữa Musk và ông Trump trên X, sự mất cân bằng về mặt quyền lực giữa người đàn ông giàu nhất nước Mỹ và một cựu tổng thống đang tái tranh cử là điều rất rõ ràng. Ông Trump đã nắm toàn quyền kiểm soát.
Dù một số lần Musk cố gắng chen lời, ông hầu như đều thất bại. Điều mà Musk hy vọng đạt được khi đặt cược quá nhiều vào ông Trump là điều khó hiểu, đặc biệt là khi xét đến việc Tesla, công ty sản xuất xe điện mà ông điều hành, và SpaceX, doanh nghiệp tên lửa của ông, vẫn phụ thuộc nhiều vào những ưu đãi và hợp đồng của chính quyền hiện hành.
Do đó, cuốn The Power and the Money (Quyền lực và Tiền bạc) có thể là lời nhắc nhở kịp thời, cho thấy canh bạc lớn của Musk có thể dễ dàng đi chệch hướng như thế nào.
Sự khó lường của chính trường
Cuốn sách mở đầu bằng một bài học cho thấy sự khó đoán của chính trường, đặc biệt là với vị trí tổng thống. Nhà tài phiệt John D. Rockefeller đã phớt lờ giới chính trị khi ông xây dựng Standard Oil thành một công ty năng lượng khổng lồ vào cuối những năm 1800.
Nhưng khi cơn sốt chống độc quyền nổi lên vào những năm 1890, Rockefeller đã tìm cách dập tắt nó bằng cách ủng hộ William McKinley, một tổng thống mà ông ta nghĩ rằng mình nắm được trong tay. Không may, McKinley đã bị ám sát vào năm 1901. Người thay thế McKinley là Theodore Roosevelt, Phó tổng thống của McKinley.
Cuốn sách ra mắt ngày 20/8. Ảnh: Amazon. |
Từ đó, Kỷ nguyên Tiến bộ bắt đầu và cuối cùng là sự sụp đổ của đế chế độc quyền Rockefeller. Musk có thể phải lưu ý điều này. Các phó tổng thống, cho dù là Kamala Harris, hiện là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, hay J.D. Vance, người mới gia nhập cùng ông Trump, đều nguy hiểm hơn vẻ bề ngoài của họ.
Một bài học nữa là những rủi ro khi đế chế kinh doanh của họ phát triển quá lớn so với khả năng kiểm soát. Về điểm này, Musk có nhiều điểm chung với Henry Ford. Giống như Musk, Ford cũng mang đến một cuộc cách mạng trong giới ô tô. Ford cũng có lượng người quan tâm đông đảo và không ngại ngần thể hiện lập trường thù ghét cánh tả.
Trong khi nhiều tổng thống thích xe hơi của ông, một số lại tức giận với ông. Woodrow Wilson đã đuổi Ford khỏi Nhà Trắng vào năm 1915 sau khi Ford đề xuất gửi một con tàu hòa bình đến châu Âu để ngăn chặn Thế chiến thứ nhất. Franklin Roosevelt chỉ trích Ford vì phản đối một số nội dung của Chính sách kinh tế mới. Như tác giả Troy bày tỏ, các doanh nghiệp của Ford phần lớn không bị ảnh hưởng từ bê bối của ông chủ do quy mô quản lý của nhà nước với doanh nghiệp khi đó hẹp hơn hiện tại.
Ông Musk thì không may mắn như vậy. Mối quan hệ thân thiết của Musk với ông Trump đã khiến phe cánh tả xa lánh. Ông Joe Biden đã bỏ qua Musk khi kết nối với các ông chủ hãng xe. Các cơ quan quản lý liên bang đang điều tra công nghệ tự lái của Tesla. Có thể thấy Musk phải trả giá đắt hơn nhiều so với thời của Ford.
Một lưu ý cuối là cẩn trọng với những thay đổi bất ngờ về lập trường chính trị. Một ví dụ là cách Walter Chrysler, một trong những ông lớn về xe hơi của Mỹ, dù khéo léo trong quan hệ với Nhà Trắng nhưng cũng không thể đoán trước được mọi thứ. Chrysler đã tham gia thuyết phục Richard Nixon bảo vệ ngành công nghiệp ôtô khỏi cuộc tấn công về mặt an toàn của nhà hoạt động bảo vệ người tiêu dùng Ralph Nader.
Ông đã giành được các khoản bảo lãnh cho vay cho hãng xe Chrysler của mình từ Jimmy Carter vào những năm 1970. Tuy nhiên, trong khi ông ưa thích Ronald Reagan về mặt tình cảm cá nhân, Chrysler đã từ chối ủng hộ xu hướng phát triển thị trường tự do của Reagan và sau đó đã thất bại trong việc tìm kiếm thêm sự ủng hộ của chính phủ cho doanh nghiệp của mình.
Musk hiện bày tỏ sự ủng hộ ông Trump vào một thời điểm bất thường, khi cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều ngày càng phản đối các doanh nghiệp lớn. Và những người theo chủ nghĩa dân túy cũng có thể quay lưng lại với Musk.
Elon Musk đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho ông Trump. Ảnh: The Mint. |
Cách lách thế khó
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên không phải lúc nào cũng khó khăn. Một số CEO đã xây dựng được sự tôn trọng bằng cách giúp đỡ chính phủ trong thời điểm căng thẳng. John Pierpoint Morgan đã làm như vậy vào năm 1907. Jamie Dimon, ông chủ của JPMorgan Chase, cũng chung tay giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thế kỷ sau đó.
Có lẽ cách hiệu quả nhất để xử lý mối quan hệ này là một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng. Một trong những nhân vật hấp dẫn nhất trong cuốn sách của Troy là Lew Wasserman, một ông trùm Hollywood có biệt tài biết nên kết thân với tổng thống nào và nên tránh tổng thống nào.
Tim Cook, ông chủ của Apple, cũng đã hòa thuận với cả ông Obama và ông Trump, để khéo léo thúc đẩy lợi ích của công ty mình. Như ông Trump đã từng nói về Tim Cook: “Đó là lý do ông ấy là một giám đốc điều hành tuyệt vời, bởi vì ông ấy gọi cho tôi còn những người khác thì không”.
Nguồn: https://znews.vn/dinh-cao-quan-he-tai-phiet-tong-thong-loi-canh-bao-cho-elon-musk-post1509291.html
You must be logged in to post a comment Login