Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành gồm mười truyện ngắn lấy bối cảnh khu chợ Trung Hoa ở Đài Bắc vào thập niên 1970 – thời kỳ chuyển mình của Đài Loan, Trung Quốc. Khu chợ này gồm tám tòa nhà, lần lượt mang tên Trung, Hiếu, Nhân, Ái, Tín, Nghĩa, Hòa, Bình, tạo thành một thế giới nhỏ đại diện cho một thế hệ tuy cuộc sống còn nghèo khó nhưng lại đầy ắp tình người.
Trong thế giới đó, lũ trẻ đã lớn lên, đi học, đi chơi cùng nhau, đặc biệt là ngoài giờ đến lớp, hầu hết đều phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình. Ấy là những cô cậu bé thuộc gia đình chủ hiệu kính, hiệu âu phục hay hàng sủi cảo, tiệm chìa khóa, tiệm bán giày, tiệm kim khí hay con gái thầy bói… với những nét tính cách điển hình của trẻ con song cũng lấp lánh cá tính và nhất là, tình yêu thương, sự dịu dàng, bao dung rất đỗi ngây thơ chưa bị bào mòn bởi va chạm cuộc đời.
Hình ảnh trong phim truyền hình chuyển thể từ tập truyện Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành. Ảnh: Đoàn làm phim. |
Ký ức tập thể về một tuổi thơ trong quá vãng
Mười truyện kể từ điểm nhìn của các nhân vật khác nhau, khi thì là lời tự thuật của những “tôi” lần lượt thay đổi, khi lại là dòng thư tâm tình gửi cho một người bạn. Tên truyện ngắn đầu tiên được đặt cho cả tuyển tập, giới thiệu nhân vật nhà ảo thuật qua con mắt của một cậu bé bán giày. Nhà ảo thuật với đôi mắt có thể cùng lúc nhìn về hai hướng khác nhau và đôi chân mang ghệt lính dù được miêu tả ở đây sẽ xuất hiện lặp lại xuyên suốt cả tuyển tập, là mạch kết nối những câu chuyện tưởng chừng rời rạc lại với nhau.
Trong số đó, cậu bé bán giày là người quan sát nhà ảo thuật nhiều nhất. Suốt mùa hè trên cầu bộ hành nối giữa tòa Ái và Tín, cậu mê mẩn những trò ảo thuật, đến mức dốc toàn bộ số tiền dành dụm được, cả phần “thó” thêm từ mẹ để tậu cho mình những đạo cụ đắt đỏ. Đến lúc ngâm nước, phơi khô tờ giấy trắng hướng dẫn sử dụng và cảm giác “nắm được điều huyền bí của ảo thuật” thì cậu bé mới biết hóa ra chỉ giống như “mười một tuổi thầm thích bạn học cùng lớp ngỡ mình đã tỏ tường tình yêu”, vỡ lẽ rằng “chẳng có phép thuật nào”.
Khép lại truyện ngắn đầu tiên này, Ngô Minh Ích đã kịp dẫn độc giả vào thế giới tuổi thơ tươi sáng đầy màu sắc, dễ khiến ta ngộ nhận đây đích thực là một tập truyện thiếu nhi. Nhưng ở những truyện ngắn về sau, những gam màu tối hơn len lỏi vào: nỗi đau mất đi người thân yêu, chia xa con vật thương quý, mối tình dang dở tuổi thanh xuân…
Một số truyện được thuật lại trong bối cảnh người kể hội ngộ người bạn năm xưa, cùng ăn một bữa để ký ức tràn về, hay gặp lại mối tình đầu – cũng là mối tình thực sự duy nhất mà “tôi” vẫn ấp ủ trong lòng đến nhiều năm sau dù trái tim tưởng chừng chai sạn. Lại có cả khi, “tôi” cùng bạn đời của người bạn đã khuất ôn lại kỷ niệm họ cùng có về một con người – dù ở những thời đoạn khác nhau.
Rất nhiều cô, cậu bé năm xưa về sau này đã trở thành những thanh niên cô độc, hoài nhớ về những năm tháng tuổi thơ sinh động, ngọt ngào giữa cuộc sống mưu sinh vất vả và tẻ nhạt của hiện tại. Họ giống những người “di dân tại chỗ” – lạc lõng và xa lạ trên chính mảnh đất quê hương nơi mình đã sinh ra và trưởng thành.
Càng về sau, “phép màu” của nhà ảo thuật dường như ngày một phai nhạt, thậm chí đến truyện thứ tám, người kể quên mất ông, mãi đến cuối mới nhớ ra. Nhà ảo thuật đã đi đâu mất rồi?
Sang đến truyện thứ chín, nhà ảo thuật tái xuất, có một câu thoại như lời giải thích cho mọi phép màu trên cuộc đời: “Ánh sáng có màu sắc, chỉ là bình thường chúng ta không nhìn ra được, nhưng thông qua một số thứ, hoặc vào những lúc đặc biệt, màu sắc của ánh sáng sẽ xuất hiện. Chúng ta chỉ coi khoảnh khắc xuất hiện ấy là thật, nhưng màu sắc vốn dĩ ẩn náu bên trong ánh sáng trong suốt. Dù là một chuyện đơn giản vậy thôi, con người cũng phải tốn rất nhiều thời gian mới xác định được đấy”.
Nhân vật chính trong câu chuyện này là một nghệ sĩ chế tạo mô hình thu nhỏ (miniature). Anh qua đời khi dự án tái hiện khu phố Trung Hoa của mình vẫn còn dang dở. Tuy vậy, bốn tòa nhà mà anh đã tỉ mẩm làm hàng năm trời đến từng chi tiết nhỏ nhất như bát mì trong hàng quán, đã khiến người bạn ấu thơ không khỏi xúc động khi nhìn vào. Phải chăng giờ đây, những đứa trẻ năm ấy đã đủ trưởng thành để tạo ra phép thuật từ chính sức sáng tạo của mình?
Ở truyện cuối cùng, Ngô Minh Ích đặt mình vào vai nhân vật tôi, khẳng định sự tồn tại của nhà ảo thuật chính là “sự tồn tại của cây cầu bộ hành trên phương diện ý thức nào đó”. Nhưng nhân vật “tôi” này, khi bắt gặp một nhà ảo thuật có chú hắc nhân tí hon ở một chốn xa xứ và có thể dùng tiền để mua lấy bí ẩn đằng sau đó, đã chọn thôi không biết nữa.
Là vì nhà ảo thuật đó thì không thể là nhà ảo thuật trong ký ức tuổi thơ năm xưa? Là vì anh muốn giữ mãi cho mình phép màu kỳ diệu ấy? Hay là vì chuyện ấy đã chẳng còn quan trọng với một người trưởng thành nữa rồi?
Rốt cuộc thì nhà ảo thuật thật đến mức nào? Hay như nhân vật trong truyện thứ tư thì “thứ chúng ta có thể chạm vào một cách rõ rệt chỉ là ảo giác… những ký ức được chúng ta ghi chép lại, rồi bốc cháy mới là chân thực”? Dựng lên một thế giới của ký ức sinh động và xúc chạm đến vậy, để rồi chính tác giả lại nói rằng “Câu chuyện không hẳn hoàn toàn là ký ức, ký ức tương đối giống một món đồ dễ vỡ hoặc một thứ nên được quyến luyến, nhưng câu chuyện thì không” ở những trang cuối cùng.
Hai tác phẩm của Ngô Minh Ích đã xuất bản tại Việt Nam: Chiếc xe đạp mất cắp và Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành. Ảnh: T.A. |
Tiếng nói tiêu biểu của văn học Đài Loan
Văn học Đài Loan đương đại là một dòng chảy đặc biệt trên văn đàn châu Á, phản ánh rõ nét các chuyển động văn hóa, chính trị và xã hội của hòn đảo này. Tuy xuất hiện khá muộn màng, nhưng văn học Đài Loan ngay từ lúc bắt đầu đã nổi lên với nhiều chủ đề đa dạng, từ cuộc đấu tranh bản sắc đến những tác động của hiện đại hóa và môi trường tự nhiên, tạo nên tiếng nói độc lập và đầy bản sắc.
Ngô Minh Ích (Wu Ming-Yi) được xem là nhà văn xuất sắc trong thế hệ của anh. Anh là một nghệ sĩ đa tài với vai trò nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, nhà sưu tập bướm, nhà hoạt động môi trường và hiện là giáo sư khoa Văn học Hoa ngữ tại Đại học Quốc lập Đông Hoa, Đài Loan.
Ngô Minh Ích sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước có nhiều biến chuyển, anh nổi tiếng nhờ lối viết giàu chất thơ mà cũng đầy ám ảnh. Các tác phẩm của anh không chỉ đề cao giá trị môi trường, mà còn đưa người đọc về lại những vùng ký ức tập thể của Đài Loan – một Đài Loan thân thuộc nhưng cũng đầy bí ẩn và hoài niệm.
Lấy bối cảnh trưởng thành trong những khu phố cổ Đài Bắc, nơi ngập tràn văn hóa và truyền thống dân gian, Ngô Minh Ích đã nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và con người qua những trang viết, biến những điều bình dị nhất trở thành phép màu trong thế giới văn chương.
Với phong cách văn chương độc đáo kết hợp giữa hiện thực và kỳ ảo, Ngô Minh Ích đã đưa những tác phẩm của mình vượt khỏi biên giới Đài Loan. Anh là nhà văn Đài Loan đầu tiên lọt vào vòng sơ khảo giải Booker quốc tế năm 2018 với tác phẩm Chiếc xe đạp mất cắp, đánh dấu một bước tiến lớn cho văn học Đài Loan trên trường quốc tế, trở thành biểu tượng văn chương của xứ Đài trong thời kỳ mới.
Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành là một minh chứng rõ nét cho phong cách của Ngô Minh Ích. Cuốn sách phản ánh những suy tư và khám phá của anh về sự cô đơn, nỗi trăn trở của con người trong xã hội hiện đại và hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời giữa nhịp sống đô thị. Năm 2021, Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành được chuyển thể thành phim truyền hình 10 tập do đạo diễn Dương Nhã Triết thực hiện.
Nguồn: https://znews.vn/ai-con-giu-cho-minh-mot-nha-ao-thuat-tuoi-tho-post1508562.html
You must be logged in to post a comment Login