Bìa cuốn sách Cõi sống của những con ma đói bản tiếng Việt. Ảnh: San Hô Books. |
Theo nghiên cứu của bác sĩ Gabor Mate trong cuốn Cõi sống của những con ma đói, hành vi nghiện nên được nhìn dưới góc độ một căn bệnh tâm lý phức tạp thay vì một sự lựa chọn hay hành vi thiếu ý thức.
Để đào sâu hơn vào chứng nghiện, bác sĩ Mate bắt đầu thực hiện hàng loạt cuộc phỏng vấn với nhiều người nghiện. Các câu hỏi được đặt ra hướng về chủ đề chính là người nghiện có cảm giác như nào khi sử dụng chất cấm. Đáp lại câu hỏi của bác sĩ Gabor Mate, họ cho biết: “Nó giúp tôi thoát khỏi nỗi đau, giúp tôi đối mặt với áp lực, đem lại cho tôi sự bình an trong tâm hồn, cảm giác gắn kết với người khác, cảm giác kiểm soát”.
Từ đó, bác sĩ Mate nhận định rằng hành vi rằng nghiện ngập bắt nguồn từ một nỗ lực tuyệt vọng nhằm giải quyết vấn đề. Khó khăn này có thể liên quan tới nỗi đau tinh thần, căng thẳng quá mức, sự cô lập, mất kiểm soát và sự bất an với chính mình.
Quan điểm này của bác sĩ Mate đi ngược lại với định kiến thường gặp trong xã hội rằng người nghiện là những người ích kỷ, yếu đuối và ham mê khoái lạc. Cái nhìn tiêu cực này hình thành từ sự hiểu lầm rằng các loại thuốc gây nghiện có khả năng tự động biến người dùng thành kẻ nghiện.
“Người ta cho rằng ai cũng nghiện chỉ vì dùng thử một vài lần – điều này hoàn toàn sai lầm”, bác sĩ Mate nhấn mạnh. Ông minh chứng qua trải nghiệm cá nhân khi kê thuốc giảm đau cho bệnh nhân với liều cao morphine, loại thuốc tương tự heroin về mặt hóa học. Khi cơn đau đã được giải quyết, các bệnh nhân ngưng dùng morphine mà không gặp phải những phản ứng cai nghiện dữ dội. Điều này cho thấy bản thân chất gây nghiện không phải là yếu tố quyết định.
Trong cuốn sách của mình, bác sĩ Mate cũng đề cập tới nghiên cứu Rat Park (Công viên chuột) của nhà tâm lý học người Canada, Bruce Alexander để chứng minh rằng khi có môi trường sống thoải mái và mối quan hệ xã hội, các con chuột ít phụ thuộc vào chất gây nghiện. Thí nghiệm này lí giải cho trường hợp phần lớn các binh sĩ Mỹ trở về quê hương sau chiến tranh đã từ bỏ thói quen sử dụng thuốc phiện.
Với bác sĩ Gabor Mate, nghiện ngập không đơn thuần là hậu quả của việc tiếp xúc với chất gây nghiện mà là một phản ứng trước những hoàn cảnh bất lợi, sự thiếu kết nối xã hội, và tổn thương tâm lý từ thời thơ ấu. Ông lý giải rằng trẻ em thiếu thốn sự gắn kết yêu thương và chăm sóc sẽ dễ phát triển những hành vi tiêu cực nhằm xoa dịu cảm xúc và tìm lại cảm giác an toàn.
“Các chất gây nghiện như morphine hay heroin can thiệp vào hệ thống phần thưởng opioid – hệ thống chịu trách nhiệm cho động lực gắn kết giữa trẻ và cha mẹ”, bác sĩ Mate viết. Khi thiếu đi sự chăm sóc từ gia đình, nhiều cá nhân trưởng thành trong trạng thái tâm lý dễ tổn thương và dễ rơi vào tình trạng căng thẳng cao độ, từ đó dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của các chất gây nghiện.
Theo đó, tác giả Mate cho rằng cần nhìn nhận nghiện ngập qua lăng kính sinh lý, tâm lý và xã hội, thay vì đánh đồng nó với một sự suy đồi đạo đức hoặc hành vi tự ý. “Các loại thuốc, tự chúng, không biến ai thành kẻ nghiện – cũng như thức ăn không tự biến ai thành người ăn uống vô độ”, tác giả Gabor Mate nhấn mạnh trong tác phẩm Cõi sống của những con ma đói. Ông cũng chỉ ra rằng có những yếu tố dễ tổn thương sẵn có trong tâm lý mỗi cá nhân mới là nguồn cơn sâu xa của tình trạng này.
Cuốn sách Cõi sống của những con ma đói được xuất bản lần đầu năm 2008 hiện đã được San Hô Books và Nhà xuất bản Phụ Nữ ra mắt tại Việt Nam. Tác phẩm này đã đạt Giải thưởng Hubert Evans cho sách phi hư cấu năm 2010. Tờ The Record đã mô tả rằng đây là cuốn sách “đẹp đẽ” về những con người tuyệt vọng nhất trong xã hội chúng ta.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login