Sự cải thiện bắt đầu xuất hiện vào nửa sau năm lớp ba, khi gia đình bà chuyển từ khu trung tâm Hilo tới khu dân cư mới với những căn nhà giống nhau trên một phần sườn núi cao nhiều cây cối của núi lửa Mauna Loa. Bà chuyển từ một ngôi trường lớn, với 60 học sinh một khối, tới một ngôi trường nhỏ hơn với chỉ 20 học sinh.
Lịch sử Mỹ là môn học mang lại cho bà cảm giác được gắn kết hơn. Khi nhớ lại, bà nói: “Đó chính là bước ngoặt”. Bà tiến bộ tới mức khi học đến lớp năm, giáo viên toán và khoa học đã thúc giục bà nhảy lớp. Do đó cha mẹ đã chuyển bà lên lớp sáu. […]
Tuy việc học hành dần tiến bộ hơn, bà không cảm thấy ngôi trường nhỏ của mình tồn tại chút kỳ vọng nào cao xa. “Tôi không cảm thấy các giáo viên thực sự kỳ vọng nhiều ở mình”, bà nói. Phản ứng của bà đối với việc đó khá thú vị: Việc không gặp nhiều thử thách khiến bà tự do hơn trong việc mạo hiểm. “Tôi đã quyết định cứ làm đi, lo gì chứ”, bà nhớ lại. “Điều đó khiến tôi sẵn sàng đối mặt với các rủi ro, điều mà tôi đã làm sau này trong khoa học khi lựa chọn các dự án để theo đuổi”.
Cha của Doudna là một người ham đọc sách, ông thường mượn một chồng sách từ thư viện địa phương vào mỗi thứ bảy và đọc xong vào cuối tuần tiếp theo. Các tác giả ưa thích của ông là Emerson và Thoreau, nhưng khi Jennifer lớn lên, ông nhận thấy rằng những cuốn sách ông chỉ định cho lớp học của mình phần lớn có tác giả là nam. Do vậy ông đã thêm Doris Lessing, Anne Tyler và Joan Didion.
Ông thường mang về nhà một cuốn sách, từ thư viện hoặc từ cửa hàng sách cũ ở địa phương, để bà đọc. Và đó là cách mà ấn bản bìa cứng của cuốn sách Hành trình khám phá cấu trúc chuỗi xoắn kép của James Watson xuất hiện trên giường của bà hồi lớp sáu, chờ đợi bà đi học về.
Bà cất cuốn sách đi vì nghĩ nó là truyện trinh thám. Đến khi có thời gian đọc nó vào một chiều mưa thứ bảy, bà phát hiện ra mình đã đúng, theo cách nào đó. Với mỗi trang sách được lật mở, bà bị mê hoặc bởi câu chuyện trinh thám cá nhân kịch tính, chứa đầy những nhân vật được khắc họa rõ nét, về tham vọng và sự cạnh tranh trong việc theo đuổi những sự thật tiềm ẩn của thiên nhiên.
“Khi đọc xong, cha đã cùng tôi thảo luận về nó”, bà nhớ lại. “Ông thích câu chuyện và đặc biệt là khía cạnh cá nhân của nó – hay khía cạnh con người của việc thực hiện kiểu nghiên cứu đó”. Trong cuốn sách, Watson đã kịch tính hóa (và rõ ràng có phần cường điệu) câu chuyện về một sinh viên ngành sinh học tuổi 24, có phần kiêu ngạo đến từ vùng Trung Tây nước Mỹ đặt chân đến Đại học Cambridge của Anh, làm thân với nhà hóa sinh Francis Crick và cùng nhau chiến thắng trong cuộc đua khám phá cấu trúc DNA vào năm 1953.
Được viết với lối dẫn độc thoại sinh động của một thanh niên Mỹ táo bạo, thuần thục, nghệ thuật tự giễu mà vẫn khoe khoang bản thân của người Anh, cuốn sách đã lồng ghép vào một lượng kiến thức khoa học lớn qua lời tán gẫu về những nhược điểm của các giáo sư nổi tiếng, cùng với sự thú vị của việc tán tỉnh, đánh tennis, các thí nghiệm và tiệc trà chiều.
Nhà hóa sinh Jennifer Doudna. Nguồn: sciencenews. |
Đi cùng với hình tượng kẻ ngây thơ may mắn mà ông xây dựng cho bản thân trong cuốn sách, nhân vật thú vị nhất còn lại của Watson là Rosalind Franklin, một nhà sinh học cấu trúc và tinh thể học mà ông đã sử dụng dữ liệu của bà khi chưa được cho phép.
Với định kiến giới phổ biến vào những năm 1950, Watson gọi bà một cách trịch thượng với cái tên “Rosy”, cái tên bà không bao giờ dùng, và chế giễu ngoại hình xấu xí và tính cách lạnh lùng của bà. Tuy nhiên, ông lại hào phóng thể hiện sự tôn trọng dành cho sự thông tuệ của bà về môn khoa học phức tạp nhưng cũng tinh tế đầy nghệ thuật của việc sử dụng sự nhiễu xạ tia X để khám phá cấu trúc của phân tử.
“Chắc hẳn tôi đã nhận thấy cách mọi người đối xử với bà có phần trịch thượng, nhưng điều khiến tôi thực sự ấn tượng là việc một người phụ nữ có thể trở thành một nhà khoa học vĩ đại”, Doudna nói. “Chuyện đó nghe có vẻ hơi điên rồ. Tôi nghĩ chắc hẳn mình đã từng nghe về Marie Curie. Nhưng cuốn sách này là lần đầu tiên tôi nghĩ về điều đó, và nó thực sự khiến tôi mở mang tầm mắt. Phụ nữ có thể trở thành nhà khoa học”.
Cuốn sách cũng giúp Doudna nhận ra điều gì đó về tự nhiên vừa hợp lý vừa đáng kinh ngạc. Có những cơ chế sinh học chi phối các sinh vật sống, bao gồm cả những hiện tượng kỳ diệu đập vào mắt bà khi đi bộ xuyên qua khu rừng nhiệt đới. Bà kể lại: “Lớn lên ở Hawaii, tôi luôn thích cùng cha đi săn tìm những điều thú vị trong tự nhiên, chẳng hạn như ‘cỏ ngủ’ cuộn tròn khi bạn chạm vào nó. Cuốn sách khiến tôi nhận ra rằng bạn cũng có thể tìm kiếm những lý do tại sao thiên nhiên hoạt động theo cách mà nó đã làm”.
Sự nghiệp của Doudna được định hình bởi cái nhìn sâu sắc cốt lõi của Hành trình khám phá cấu trúc chuỗi xoắn kép: hình dạng và cấu trúc của một phân tử hóa học quyết định vai trò sinh học của nó. Đó là một tiết lộ đáng kinh ngạc cho những ai quan tâm đến việc khám phá những bí mật cơ bản của sự sống. Đó là cách mà hóa học – nghiên cứu về cách các nguyên tử liên kết để tạo ra phân tử – trở thành sinh học.
Theo nghĩa rộng hơn, sự nghiệp của bà cũng được định hình khi nhận ra rằng bà đã đúng khi lần đầu tiên nhìn thấy cuốn sách Hành trình khám phá cấu trúc chuỗi xoắn kép trên giường của mình và nghĩ rằng đó là một trong những bí ẩn trinh thám mà bà yêu thích. “Tôi luôn yêu thích những câu chuyện bí ẩn”, bà nhắc lại nhiều năm sau đó.
“Có lẽ điều đó giải thích niềm đam mê của tôi với khoa học, đó là nỗ lực của nhân loại nhằm tìm hiểu bí ẩn lâu đời nhất mà chúng ta biết: nguồn gốc và chức năng của thế giới tự nhiên và vị trí của chúng ta trong đó”.
Mặc dù trường học của bà không khuyến khích nữ sinh trở thành các nhà khoa học, bà đã quyết định đó là những gì mình muốn làm. Được thôi thúc bởi niềm đam mê tìm hiểu cách tự nhiên vận hành, cũng như khao khát cạnh tranh để biến các khám phá trở thành phát minh, bà đã góp phần vào việc tạo ra thứ mà sau này Watson, với kiểu phóng đại ẩn giấu sau sự khiêm tốn giả vờ điển hình của mình, gọi là “bước tiến quan trọng nhất trong ngành sinh học kể từ sau chuỗi xoắn kép”.
You must be logged in to post a comment Login