Đó là tên một bài thơ trong tập mới phát hành Ngoài mây trời đầy trống vắng (NXB Hội Nhà văn 2023) của thi sĩ quê Nam Định.
Người thơ tự nhận mình sống chậm, trong thời buổi mà mọi thứ đều đi nhanh. Thơ Đoàn Văn Mật như được ứa ra từ im lặng, từ chầm chậm suy nghiệm, từ sự rời bỏ tự nhiên những leng keng vội vàng đời thường.
Tôi luôn tin chắc chắn một điều, thơ là tấm gương soi tâm hồn người cầm bút. Trừ khi ai đó cố tình viết một bài thơ theo kiểu ngụy trang. Thực sự trong việc làm thơ, mọi thứ vẫn có thể là vô vọng ngay cả khi nhà thơ dốc cạn mình trên trang giấy. Thơ tự sinh ra khi cánh cửa nơi tâm hồn nhà thơ khai mở, nó mang một thân phận riêng. Nhà thơ chẳng có quyền quyết định, anh ta sau trang viết là vô tích sự. Thơ không có mục đích, nó đơn giản như Đoàn Văn Mật đã viết: “Tình yêu sẽ tự mình bốc cháy” (“Sau lưng”).
“Đã dạt về cuối trời / Vẫn đổ bóng sang vòm trời khác / Những đám mây kia ơi / Bay nhẹ thế làm ta kinh ngạc / Bay như chưa biết mình từ nước / Chưa từng hóa cơn mưa / Chưa từng có phút giây cuồng nộ / Vô ưu bay, chẳng để ai ngờ / Những đám mây kia ơi / Chân trời ấy làm sao chứa được / Đã có lúc ghì mình sát đất / Rồi bay theo mộng mị kiếp người / Hòa tất thảy vào đời sống khác/ Lại làm mây di tán lưng trời / Bay nhẹ thế làm sao ta hiểu nổi / Ngươi từng mang gương mặt con người” (“Những đám mây cuối trời”).
Tôi đã dừng lại rất lâu trước bài thơ này, dừng lại để nhìn thấy nơi chiếc gương hiện hình những con chữ kia bóng của người cầm bút. Trong tinh thần Phật giáo, đời sống của Mây có một sự tuần hoàn vô tận, giống như vòng tròn luân hồi của vạn vật trong vũ trụ.
Tôi chẳng thể phân tích rành mạch về “đám mây thơ” này của Đoàn Văn Mật, nhưng tôi có thể cảm được những chiều không gian mênh mông của hiện hữu, và thoáng được phút “đốn ngộ” nào đấy về kiếp người… Nhà thơ đã chiêm nghiệm trong sâu sắc, đã lặng im viết ra và rồi người đọc sau câu chữ cũng cần một im lặng để thấy được một sự bừng nở nào đó.
Thơ Đoàn Văn Mật ở tập Ngoài mây trời đầy trống vắng mang tính hàm chứa lớn. Ở đó, nhà thơ đã thoát ra khỏi cái cũ mòn của kể, của tả, mà lặn ngụp sâu trong tư duy lập thể, phơi bày suy nghiệm của mình. Có thể thấy rõ một sự chắt chiu trong ý, trong tứ, trong lời. “Chim hót, kìa chim hót / Trí tưởng vang trong lồng / Tự lắng nghe, tự nhốt mình / Ngoài mây trời đầy trống vắng” (“Những tàn rơi”).
“Sinh ra từ trắc ẩn” hay là sinh ra từ tình yêu đời sống, sự xót thương đời sống với những khó khăn và hân hoan của nó, thơ đúng nghĩa là để nâng đỡ con người lên một nấc thang cao hơn trong tinh thần. Ngày hôm nay mọi sự chú ý của chúng ta đều hướng ra ngoài, mà quên mất rằng sâu trong ta, có điều gì đang chết.
Đoàn Văn Mật đã nhắc về điều đó: “Từ lúc nào / Ngươi khu trú trong tâm hồn ta / Và ăn ruỗng từng phần ký ức…/ Cao hơn tên trộm sách / Ngươi ăn từng phần / Ăn hiện tại và ăn ký ức / Ăn ruỗng tâm hồn ta” (“Những con mối”). Thơ Đoàn Văn Mật như tiếng gọi, để những kẻ đi lạc quay về, sống đẫm trong trắc ẩn, thấu hiểu đời sống này và từ đó có thể tự cứu rỗi mình.
Đoàn Văn Mật sinh năm 1980 nhưng sớm già dặn trong ngòi bút. Anh đang là Trưởng ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh viết chậm, không sốt ruột với những vần vũ văn đàn, và dường như luôn nuôi dưỡng một sự tĩnh tại tự nhiên. Ngoài mây trời đầy trống vắng là tập thơ thứ 4 của nhà thơ mặc áo lính thể hiện sự nỗ lực mới rất đáng ghi nhận về phong cách thể hiện. Với một kết cấu lạ gồm nhiều phần, tập thơ có nhiều bài gây bất ngờ cho bạn đọc… Ở một số bài, mặc dù rất yêu thích ý tứ, thông điệp mà thi sĩ gửi gắm, tôi vẫn mong muốn ở Đoàn Văn Mật có một sự nhuần nhuyễn hơn trong ngôn ngữ thể hiện.
Nhưng thơ là trên đường, người thơ Đoàn Văn Mật chắc chắn sẽ còn những cuộc đi (trong im lặng – như anh vốn thế) đáng để chúng ta chờ đợi. Như câu thơ anh viết: “Thu vẫn còn một lối để đi/ Hoa vàng quá làm buổi chiều sa ngã”.
You must be logged in to post a comment Login