Bên trong nhà máy ảnh film Kodak. Nguồn: Kodak Factory. |
Chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để phát triển và nắm giữ lợi thế trong thời đại công nghệ 4.0. Hãng phim Kodak vì không chuyển đổi số kịp nên đã phải phá sản trong khi từ điển Britannica chuyển đổi số nhanh có thể sẵn sàng cạnh tranh với cái tên lớn như Wikipedia. Vậy chuyển đổi số có vai trò như nào và con người phải bắt đầu từ đâu là những câu hỏi được đặt ra bởi hai tác giả Hồ Tú Bảo và Nguyễn Nhật Quang trong cuốn sách Chuyển đổi số thế nào?
Bài học từ sự chậm chuyển đổi của công ty máy ảnh film
Hãng phim Kodak, một thương hiệu lâu đời và nổi tiếng trong lĩnh vực nhiếp ảnh, đã phải tuyên bố phá sản, đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ vàng son trong lịch sử công nghiệp nhiếp ảnh. Có nhiều yếu tố đa dạng đóng góp vào sự sụp đổ của Kodak.
Thứ nhất, sự chậm trễ trong việc chuyển đổi sang công nghệ số là một trong những lý do quan trọng. Trong khi các đối thủ cạnh tranh chuyển hướng ngay từ khi công nghệ số bắt đầu nổi lên, Kodak tập trung quá mạnh vào phân khúc thị trường truyền thống của mình, chủ yếu là phim và máy ảnh film. Việc này khiến họ mất lợi thế cạnh tranh trong thế giới ngày càng số hóa.
Những cuộn phim khổng lồ bên trong kho nhà máy ảnh film Kodak. Nguồn: Kodak Factory. |
Thứ hai, sự độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh cũng là một vấn đề. Kodak quá tự tin và dựa vào mô hình kinh doanh cũ, không tập trung đủ vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng sự thay đổi của thị trường.
Cuối cùng, sự xuất hiện của điện thoại di động có khả năng chụp ảnh chất lượng cao đã làm suy giảm nhu cầu sử dụng máy ảnh truyền thống và phim. Kodak không thể nắm bắt kịp thời cơ thể thay đổi này, làm giảm doanh số bán và doanh thu của họ.
Sự phá sản của hãng phim Kodak năm 2012 đã được tác giả Hồ Tú Bảo và Nguyễn Nhật Quang nhắc tới trong cuốn sách Chuyển đổi số thế nào? như một ví dụ về tốc độ phát triển trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Theo phân tích của các tác giả, chuyển đổi số thành công có thể biến một doanh nghiệp trở thành “kỳ lân”, dẫn đẫu xu thế thương mại cũng như nắm giữ lợi thế cạnh tranh chỉ bằng việc tận dụng những tài nguyên mà trước nay được khai thác thủ công, chẳng hạn như thông tin khảo sát khách hàng.
Để không mắc phải sai lầm nghiêm trọng như hãng phim Kodak, hai tác giả đồng thời chỉ ra một quy trình chuyển đổi số với điều quan trọng là năng lực số của mỗi cá nhân tham gia vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng. Đầu tiên, các doanh nghiệp cần phải xác định mục tiêu và các điều kiện hiện có, sau đó xây dựng phương án, triển khai và cuối cùng là đánh giá hiệu quả. Phải thực hiện từng bước một thật quyết liệt và nhanh chóng bởi công nghệ thay đổi theo từng ngày, từng giờ, chậm một phút là đi một dặm.
Chuyển đổi số để không bị bỏ lại
Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về tiềm năng của chuyển đổi số, hai tác giả còn đề cập tới trường hợp của từ điển Britannica.
Encyclopaedia Britannica, tựa từ điển bách khoa toàn thư nổi tiếng, ra đời lần đầu vào năm 1768 và trải qua hơn hai thế kỷ phát triển. Với 32 tập sách dày, nó đã là nguồn tài liệu chất lượng cao về mọi khía cạnh của tri thức. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Wikipedia, một dự án đa ngôn ngữ, cập nhật liên tục và miễn phí, đã tạo ra thách thức lớn cho Britannica.
Để đối mặt với sự cạnh tranh này, Britannica đã tiến hành một quá trình chuyển đổi đáng kể trong hai thập kỷ gần đây. Ngày 12/3/2012, sau 244 năm xuất bản sách in trên giấy, họ công bố ngừng sản xuất bản in để tập trung hoàn toàn vào sản phẩm số, bao gồm bách khoa toàn thư trên CD-ROM từ năm 2003 và các sản phẩm trực tuyến trong môi trường thực số như Internet.
Quan trọng nhất, thành công của các phiên bản số của Britannica xuất phát từ sự kiên trì duy trì giá trị cốt lõi về chất lượng biên tập nội dung và dịch vụ giáo dục. Câu chuyện của Britannica phản ánh một thực tế không thể phủ nhận trong thời đại số: công nghệ số đang thay đổi cách mà người dùng tìm kiếm thông tin và các mô hình kinh doanh cũ đang phải thích nghi để không mất giá trị. Hơn nữa, môi trường thực số mà Britannica xây dựng dữ liệu đang dần chiếm lĩnh không gian sống và con người cần phải hiểu về nó.
Cuốn sách Chuyển đổi số thế nào của tác giả Hồ Tú Bảo và Nguyễn Nhật Quang. Ảnh: NXB Thông tin và Truyền thông. |
Theo hai tác giả Hồ Tú Bảo và Nguyễn Nhật Quang, môi trường thực số là môi trường truyền thống nay được nối với không gian mạng, ở đó các thực thể được số hóa tạo thành các phiên bản số (dữ liệu) và chúng có thể kết nối với nhau.
Trước đó, mọi người vẫn nghĩ con người thực hiện một cuộc “di dân” sang môi trường này, nhưng thực tế chúng ta vẫn đang ở môi trường đó, chỉ làm phong phú nó hơn thôi. Mỗi sự vật trong đời sống này bên cạnh phần thực sẽ còn có thêm phần số, như một dữ liệu được ghi trên từ điển Britannica.
Với hai trường hợp trên, cuốn sách Chuyển đổi số thế nào? đã nêu ra một bức tranh đối lập giữa việc chuyển đổi số nhanh và chậm sẽ có lợi, hại ra sao. Đấy là bước đường sống còn trong thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Con người, doanh nghiệp, quốc gia trong thời đại hiện nay cần phải tiến hành chuyển đổi số một cách quyết liệt và sáng tạo hơn.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login