Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Hồng Quang. |
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, qua 4 nhiệm kỳ, Hội Xuất bản Việt Nam hướng đến kỳ đại hội khóa V với nhiều kỳ vọng, xây dựng ngành xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa.
Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 (Đại hội khóa V) sẽ được tiến hành vào ngày 12/7 tại Hà Nội. Những thông tin về Đại hội khóa V được trao đổi trong buổi họp báo chiều 5/7.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nhận định thời gian qua, Hội Xuất bản đã có nhiều đóng góp thúc đẩy ngành xuất bản, phát triển văn hóa đọc. Ông mong rằng ở nhiệm kỳ tới, Hội sẽ tiếp tục phát huy những gì đã làm tốt, đồng thời, với nguồn nhân lực trẻ, có thêm những sáng kiến đóng góp, đưa ngành xuất bản Việt Nam phát triển hơn nữa.
Đổi mới, hội nhập, phát triển
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết Đại hội khóa V sẽ tập trung vào ba nội dung chính: Đánh giá kết quả hoạt động Hội Xuất bản Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2023 và đề ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2023-2028; Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028; Họp phiên họp lần thứ nhất Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 bầu Ban Thường vụ, chủ tịch và các phó chủ tịch.
Theo ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – chủ đề chính của kỳ đại hội xuất bản lần này là đổi mới, hội nhập và phát triển.
Ông Nguyễn Nguyên nói: “Đến năm 2020, đã có văn bản xác định Hội Xuất bản Việt Nam là một trong 30 hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, Hội đã có nhiều bước phát triển trên nhiều phương diện, đóng góp tích cực cho nền xuất bản nước nhà”.
Để phát huy kết quả, khắc phục những hạn chế, phương hướng hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 trình Đại hội sẽ tập trung quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng; đồng thời quán triệt nội dung Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/11/2021.
Ông Nguyễn Nguyên khẳng định trong nhiệm kỳ tới, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ tập trung đổi mới nội dung hoạt động, sao cho phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; tăng cường công tác động viên, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội V Hội Xuất bản Việt Nam.
Hội cũng sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các ban chuyên môn của Hội đáp ứng với yêu cầu về mô hình và quy trình của xuất bản, phát hành sách trong quá trình chuyển đổi số và cách mạng công nghệ 4.0; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, tích cực đóng góp xây dựng ngành Xuất bản Việt Nam theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam từ trái sang phải: Ông Nguyễn Nguyên, ông Hoàng Vĩnh Bảo, ông Hoàng Phong Hà, ông Nguyễn An Tiêm. Ảnh: Hồng Quang. |
Trẻ hóa ban chấp hành Hội
Đại hội khóa V cũng sẽ bầu ra Ban chấp hành, Ban thanh tra khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028, đồng thời họp bầu Ban Thường vụ, chủ tịch, các phó chủ tịch.
Ông Nguyễn Nguyên cho biết ban chấp hành Hội trong kỳ Đại hội V được bầu theo tiêu chí trẻ hóa, chuyên môn sâu, đa dạng hóa để ngành xuất bản ngày càng phát triển hơn nữa, để lại dấu ấn hơn nữa.
Đại hội dự kiến bầu 37 ủy viên Ban Chấp hành đại diện cho 4 khối: Khối các cơ quan chỉ đạo quản lý; khối nhà xuất bản, khối cơ sở phát hành xuất bản phẩm và khối các cơ quan, trường đại học, đơn vị, doanh nghiệp có vai trò đào tạo nhân lực và hỗ trợ thúc đẩy phát triển xuất bản và văn hóa đọc. Đại hội cũng bầu Ban Kiểm tra gồm 3 người.
Lượng ủy viên mới dự kiến chiếm đến 70% (26/37 ủy viên Ban Chấp hành). Trong đó, nhóm ủy viên trong độ tuổi 40-50 là nhóm đông nhất.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết Hội Xuất bản Việt Nam thu hút vào Hội không chỉ các nhà xuất bản như trước đây, mà có cả các doanh nghiệp công nghệ, với nhiều đại diện trẻ. Tới đây, Hội sẽ tập hợp cả các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, phát hành.
Hội Xuất bản Việt Nam được thành lập vào năm 2001, là hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong ngành Xuất bản, phát hành sách và các lĩnh vực liên quan đến xuất bản trên phạm vi cả nước; hoạt động theo nguyên tắc: tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.
Hội Xuất bản Việt Nam do Bộ Nội vụ thực hiện quản lý nhà nước; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chuyên ngành; Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo định hướng hoạt động.
Năm 2014, theo Kết luận của Bộ Chính trị về hội quần chúng số 102-KL/TW đã nêu rõ “Hội Xuất bản Việt Nam được hưởng chế độ như các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp”. Đến năm 2020, theo Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư khóa XII Về việc tiếp tục thực hiện kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới, theo đó Hội Xuất bản Việt Nam được đưa vào danh sách 30 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Tính đến hết tháng 5, Hội có 187 hội viên, trong đó có 167 hội viên tổ chức là nhà xuất bản, các cơ sở phát hành trên cả nước với số lượng người tham gia sinh hoạt thực tế trên 11.000 người và 20 hội viên cá nhân.
Nguồn: https://znews.vn/dai-hoi-dai-bieu-hoi-xuat-ban-viet-nam-khoa-v-dien-ra-ngay-127-post1445315.html
You must be logged in to post a comment Login