Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Duy Anh. |
Ngay trước năm diễn ra đại dịch Covid-19, năm 2019, tôi mới có dịp đến Hội sách Frankfurt, nơi được coi là Thánh địa của những người làm sách trên toàn thế giới.
Năm ngày ở Hội sách Frankfurt, tôi giống như nhân vật Alice ở xứ sở thần tiên, lạc vào thế giới sách, hưởng trọn niềm vui vô tận của một người đã trót mang nghiệp với sách. Tôi thầm nghĩ sẽ phải trở lại đây, tìm hiểu cho được vì đâu Hội sách Frankfurt giữ được vai trò là hội sách lớn nhất trong suốt chiều dài lịch sử đầy thăm trầm của nước Đức và cả châu Âu.
Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã ngăn trở chúng tôi đến với Hội sách trong một vài năm qua. Để rồi, thật tình cờ, như một định mệnh, Omega Plus mời tôi đọc và viết lời giới thiệu cho ấn bản tiếng Việt của cuốn Lịch sử Hội sách Frankfurt của Peter Weidhaas, người đã đảm nhiệm cương vị giám đốc của Hội sách Frankfurt trong khoảng một phần tư thế kỷ, từ năm 1975 đến năm 2000.
Cuốn sách này mang đến nhiều điều hơn tôi mong đợi. Trước hết, bằng cách kể chuyện rất khác biệt, Peter Weidhaas đã tái hiện lịch sử 600 năm của Hội sách với những câu chuyện giản dị và thú vị.
Câu chuyện đó có khi xoay quanh những nhân vật lịch sử vốn quen thuộc như Johannes Gutenberg, Martin Luther, Giordano Bruno, François Rabelais, Albert Camus…; có khi chỉ là câu chuyện của một tác giả hay một nhà buôn sách bất kỳ và cùng đó là những nhận xét rất cô đọng, sắc sảo của tác giả.
Để rồi gấp cuốn sách lại, ai cũng có thể nhận thấy trong hành trình dài, từ thịnh vượng đến suy tàn và tái sinh, Frankfurt đã giữ vị thế trung tâm sách vở, tri thức không chỉ của châu Âu mà của cả thế giới.
Hình ảnh tại Hội sách Frankfurt 2021. Ảnh: Anett Weirauch/BBF. |
Ngày nay, trên cơ sở hội tụ đầy đủ các yếu tố về địa lý, kinh tế, văn hóa, chính trị, với đầu óc tổ chức tuyệt vời của những người Đức, vượt qua vai trò và không gian của một hội sách truyền thống, Hội sách Frankfurt đã trở thành sự kiện văn hóa-chính trị và kinh tế nổi bật của Cộng hòa Liên bang Đức, đưa Frankfurt trở thành cầu nối tri thức cho cả châu Âu và toàn thế giới.
Nhưng không chỉ có câu chuyện của Hội sách Frankfurt, với một lượng thông tin lớn, bạn đọc còn được tiếp cận một phần khá quan trọng trong lịch sử phát triển của châu Âu. Đồng thời hiểu được vì sao sách gắn liền với sự phát triển tri thức, là cầu nối đưa châu Âu vượt qua đêm dài Trung cổ để sớm đến với thế giới văn minh hôm nay.
Từ những câu chuyện được Peter Weidhaas kể lại, không cường điệu khi nói rằng chính những cuốn sách cùng những người tạo ra nó đã khiến cho diện mạo châu Âu và cả thế giới phương Tây tái định hình ở thời kỳ Phục hưng và kỷ nguyên Khai sáng.
Sách trở thành phương tiện để nền triết học và tư tưởng tự do được nảy mầm; là cội nguồn của thử nghiệm, phát minh trong mọi lĩnh vực từ khoa học, kỹ thuật tới kinh tế, thương mại, và là điều kiện cho sự phát triển của các định chế chính trị hiện đại hôm nay.
Nhìn vào bức tranh lịch sử của Hội sách Frankfurt – điểm hội tụ, giao lưu của nhiều “bộ óc” làm nên thời đại, người ta có thể lý giải vì sao châu Âu đã và đang là một phần quan trọng của trung tâm tri thức thế giới.
Ấu học ngũ ngôn thi có viết: “Di tử nhất quỹ ngọc, bất như nhất quỹ thư, thư trung tự hữu ngọc”, nghĩa là “Để lại cho con một hòm ngọc không bằng để lại một hòm sách vì trong sách có ngọc”. Ấy là cái quý của sách, bởi mỗi cuốn sách chính là đứa con tinh thần, cũng là tinh hoa của người sáng tạo ra nó.
Thế nhưng, như cổ nhân có nói: “Ngọc bất trác bất thành khí”. Sách mà chỉ của một người, cho một người thì giá trị của nó chẳng khác gì ngọc mà chưa được mài giũa, đẽo gọt. Những giá trị trong mỗi cuốn sách cần được nhân lên, lan tỏa, chuyển giao qua các thế hệ. Sứ mệnh đó là của những người làm sách.
Mong rằng, từ câu chuyện lịch sử Hội sách Frankfurt, những người làm sách sẽ thêm tự hào và nhiệt huyết để làm được nhiều điều hơn cho sự nghiệp mình đang theo đuổi. Và bạn đọc, chắc hẳn cũng từ đó mà trân quý hơn những cuốn sách có trong tay, bởi đó là những viên ngọc quý mà tác giả và những người làm sách muốn trao gửi đến bạn.
You must be logged in to post a comment Login