Có những cuốn xuất bản từ thập niên 1950 và không tái bản, giấy rất xấu, nhiều trang bị rách, mối mọt gặm sâu vào tận trong, nhưng lại là sách văn học dịch rất quý. Mua xong, về nhà dùng giấy bóng kính dán lại những trang rách để đọc, rồi nâng niu đặt lên giá…
1. Vào một ngày đầu thu, tôi ghé thăm một người bạn văn chương. Chẳng là để xem anh còn giữ cuốn sách Một anh hùng thời đại của Lermontov không. Lâu rồi tủ sách của tôi vắng bóng cuốn này do có người bạn mượn mà “quên” không trả. Cũng phải đến gần chục năm không gặp lại anh vì đôi bên cùng bận cả. Loanh quanh một hồi tôi mới nhận ra ngôi nhà lâu không đến nằm trong con ngõ nhỏ của phố Hai Bà Trưng. Con trai anh dẫn tôi lên gác qua cầu thang hẹp. Ngay lúc đó tôi không thể nhận ra anh, nhà văn Trần Xuân đang ở trước mặt tôi, người gầy, má hóp, tóc rụng gần hết vì tai biến. Tôi hỏi anh có nhận ra tôi không, anh đáp lại giọng không rõ tiếng: Duy Ngọc phải không?
Hiệu sách Quốc văn tổng hợp ở Hà Nội xưa. |
Nhà văn Trần Xuân từng nhiều năm giữ chuyên mục “Dọn vườn” cho Báo Văn nghệ. Là một cây bút sắc sảo nên từ lúc nghỉ hưu anh vẫn được mời cộng tác cho nhiều tờ báo từ Trung ương đến cấp địa phương. Những năm tôi còn làm biên tập viên cho một tờ tạp chí, anh cũng gửi bài thường xuyên. Rồi một ngày nọ, anh mời tôi qua nhà chơi và tôi không thể quên được tủ sách của anh, bởi nó là báu vật của những người cầm bút. Có cả nghìn cuốn trên tủ sách đồ sộ chiếm diện tích gần hết căn phòng. Đủ loại Đông Tây kim cổ.
Tôi nhận ra mấy quyển bìa gáy dày là Le Larousse du XX siècle bộ 6 cuốn. Cuốn đầu xuất bản năm 1928, còn cuốn thứ 6 năm 1948. Còn nhiều cuốn sách quý hiếm dịch từ tiếng Trung được Nhà xuất bản Trí Đức ấn hành từ năm 1953 như Thơ Mạnh Tử hay Trang Tử Nam Hoa Kinh được in năm 1945. Sau gần chục năm tôi mới lại có dịp thăm tủ sách cũ của anh. Nó vẫn nguyên vị không thay đổi. Cơ bản toàn bộ giá sách là những tác phẩm đã được xuất bản từ rất lâu, giấy in đều ngả màu, phần lớn là loại giấy đen phổ thông của những thập niên 1960-1970 trở về trước.
2. Hồi ấy khan hiếm sách vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do thiếu giấy in. Đa số các nhà in phải dùng giấy Việt Trì vừa đen vừa dày. Sách nào được in giấy trắng ngoại nhập thì đều là dòng sách chính trị hay tài liệu của Nhà xuất bản Sự thật. Còn các chủng loại sách văn học dịch thì muôn năm là dùng giấy nhà máy Việt Trì. Nhiều đận khan hàng, người ta còn phải dùng cả giấy sản xuất thủ công của hợp tác xã làng Bưởi để in. Nhiều cuốn tiểu thuyết kinh điển như Anna Karenina hay Những người khốn khổ đang đọc say mê lại tìm thấy cả… cọng rơm trên trang sách. Có chỗ mực còn in mờ tịt, lắm khi phải vừa đọc vừa luận vì bị mất dấu, mất chữ.
Những hiệu cho thuê sách của một thời gian khó. |
Do thiếu giấy in nên cố gắng lắm các nhà xuất bản mới có thể ra mắt được một số đầu sách điển hình nên đương nhiên đã cầm sách trên tay thì phải là sách hay. Dòng sách trong nước thì phải là các tác giả Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Bùi Huy Phồn… Còn văn học dịch nước ngoài ngày ấy chủ yếu là sách Nga và đa phần dịch giả chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt chứ không trực tiếp từ tiếng Nga. Những cuốn sách ngoại mà thanh niên luôn “gối đầu giường” là Bông hồng vàng (Pauxtopxki), Một anh hùng thời đại (Lermontov) , Phục sinh (Levtolstoi), Jane Eyre (Charlotte Bronte)…
Tôi vốn mê đọc sách từ nhỏ do ảnh hưởng từ tủ sách của anh trai. Ông sưu tầm rất nhiều tiểu thuyết của nhóm Tự lực Văn đoàn như Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa, Lạnh lùng do Nhà xuất bản Minh Đức ấn hành từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Vớ được cuốn nào là tôi ngấu nghiến cuốn ấy. Sau này trưởng thành tôi mới chuyển dần sang văn học Pháp, rồi văn học Nga. Những tác phẩm như Lão Goriot, Miếng da lừa, Một cuộc đời, Chiến tranh và hòa bình, Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm, Bông hồng vàng, Bình minh mưa… thời ấy các nhà xuất bản in ấn có giới hạn.
Các đầu sách phát hành ra tiệm quốc văn rất ít, nhất là dòng tiểu thuyết dịch của những nhà văn nổi tiếng như Victor Hugo, Balzac, Levtolstoi… thì khó mua vô cùng. Lắm khi phải nhờ người quen bán hàng ở quầy sách quốc văn đăng ký mua hộ từ trước. Vì thế những cuốn sách cũ được bán trên vỉa hè hay các cửa hàng mua bán sách truyện cũ luôn được các “mọt sách” tìm đến.
3. Sau năm 1975 có một cửa hàng sách cũ rất nổi tiếng Hà Nội vì sở hữu nhiều đầu sách quý, từ văn học dịch nước ngoài của các nhà văn tên tuổi trên thế giới cho đến sách Trung Quốc như thơ Đường, tiểu thuyết của Lỗ Tấn đủ cả. Đây cũng là điểm hay lui tới của các cây bút tên tuổi trên văn đàn Việt Nam như Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm… Chủ tiệm sách ở số nhà 5 phố Bát Đàn là nhà văn Trần Thiếu Bảo.
Cũng vì đam mê sách, nhất là sách dịch nước ngoài mà vào những ngày chủ nhật tôi có thói quen đạp xe dạo phố để tìm kiếm các cửa hàng sách cũ. Thi thoảng ăn may thì sẽ bắt gặp một vài điểm bày ra vỉa hè miếng vải bạt, trên đặt vài cuốn truyện nhàu nát, nhiều cuốn mất bìa được đóng lại bằng giấy xi măng. Thường thì mua ở những chỗ này rất rẻ. Nếu tìm được cuốn quý hiếm mà người bán không biết giá trị thì sẽ như bắt được vàng.
Những cuốn sách ấy mà rơi vào tay chủ sách số 5 Bát Đàn thì giá phải gấp 5 – 6 lần. Có những cuốn xuất bản từ thập niên 1950 và không tái bản, giấy rất xấu, nhiều trang bị rách, mối mọt gặm sâu vào tận trong, nhưng lại là sách văn học dịch rất quý. Mua xong, về nhà dùng giấy bóng kính dán lại những trang rách để đọc, rồi nâng niu đặt lên giá.
Tích sách từ hồi ấy, tủ sách của tôi cũng lên đến trên dưới 1.000 cuốn với đủ thể loại. Là người cẩn thận, quý sách, tôi hiếm khi cho mượn, ấy vậy mà vẫn bị sự cố ngoài ý muốn. Chuyện là thế này. Một ngày có anh bạn đến chơi, sau chầu trà nước, anh nhìn tủ sách của tôi và rút một cuốn, là cuốn Một anh hùng thời đại. Anh thản nhiên cắp vào nách và bảo “cho mình mượn đọc vài ngày”. Tôi từ chối như thường lệ, nhưng anh vẫn nằn nì. Đây là cuốn sách quý hiếm in từ thập niên 1960 và không tái bản nữa. Quá hẹn 5 ngày không thấy anh mang trả, tôi phải đạp xe đến tận nhà nhưng không gặp.
Gặp ngoài đường, tôi nhắc đến cuốn sách thì anh vui vẻ bảo: “Cứ yên tâm, chủ nhật mình mang qua trả”. Đã không biết bao nhiêu chủ nhật qua đi, bạn tôi cũng mất tích với “Một anh hùng thời đại”. Nhìn thấy cuốn sách đã mất hiện diện trên tủ sách của nhà văn Trần Xuân, tôi thèm lắm mà chỉ dám rút xuống vuốt ve vài cái rồi lại đặt lên. Chứ chẳng lẽ mượn về vài ngày cho bõ thèm rồi mang trả? Mà tôi biết rõ, có mượn thì với một người yêu sách như anh Trần Xuân cũng không bao giờ muốn rời sách của mình.
Bây giờ cuốn sách ấy có mặt trên khắp các trang e-book, ai tải xuống cũng được, nhưng vĩnh viễn sẽ không có được cảm giác cầm cuốn sách giấy trên tay nữa. Mà ví thử nếu có tái bản, thì những cuốn Một anh hùng thời đại giấy trắng phau phau cũng đâu gây cảm xúc xưa cũ và quý giá như cuốn sách in bằng giấy đen sần sùi, bên trong thi thoảng tìm thấy một cọng rơm khô.
You must be logged in to post a comment Login