Các nhà khảo cứu nước ta cũng đã dành bao tâm huyết để nghiên cứu về hình tượng rồng, từ thời Hùng Vương cho tới thời Nguyễn. Họ khá thống nhất với nhau trong những nhận xét về con rồng trong mỹ thuật các thời Lý, Trần, Lê, Mạc… nhưng với con rồng trong mỹ thuật thời Nguyễn thì mỗi tác giả, ở vào mỗi thời điểm cụ thể lại có những nhận xét khác nhau. Người thì cho rằng “rồng thời Nguyễn chịu ảnh hưởng nặng của rồng đời Thanh bên Tàu, uy nghi, dữ tợn và mang tính áp chế”.
Kẻ thì chứng minh “rồng Huế trước sự ảnh hưởng ồ ạt của nghệ thuật Minh Thanh vẫn đứng vững và bay lên từ con rồng truyền thống. Tính công thức có làm cho chất oai nghiêm lộ rõ, nhưng nhìn chung chúng vẫn khá dung dị, gần gũi”. Tựu trung, những nhận xét đó thường mang tính khái lược, hay phần nào bị chi phối bởi những định kiến chính trị do thời thế mà nên.
Theo thiển ý, hình ảnh con rồng là sự thể hiện thành công nhất trong nền mỹ thuật thời Nguyễn. Nghệ nhân thuở ấy tạo nên hình ảnh con rồng không chỉ vì phụng sự mục đích nghệ thuật mà còn phải tuân thủ những định chế xã hội, những thiết chế văn hóa đương thời. Vì những lý do này mà cách thể hiện hình tượng con rồng dưới thời Nguyễn rất đa dạng và phong phú.
Chỉ xét riêng ở Huế, trung tâm văn hóa, chính trị và nghệ thuật lớn nhất bấy giờ, sự phong phú đó được biểu hiện trên nhiều mặt: không gian, chất liệu, nghệ thuật thể hiện và đề tài trang trí.
Về không gian, rồng có mặt trên các đền đài, cung điện, miếu vũ, đình chùa ở trong và ngoài hoàng cung Huế.
Rồng xuất hiện ở bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm, đầu hồi, máng xối, bình phong, bậc cấp, vì kèo, khung cửa, nghi môn… của các công trình kiến trúc. Rồng trang trí trên Cửu đỉnh, ngai vàng, bửu tán, án thờ vua quan thời Nguyễn. Rồng làm thành tay núm các con triện, ấn tín, đồ văn phòng tứ bảo…
Rồng là họa tiết trang trí trên áo quần, mũ mão, giày dép của các bậc đế hậu, hay có khi là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt trong các sân chầu, đình viên như hai tượng rồng trước sân Duyệt Thị Đường. Rồng còn xuất hiện trên Cửu vị thần công hay là những hoa văn trên các khẩu súng điểu thương của vua Thiệu Trị, hiện vẫn lưu giữ nơi Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế…
Ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4/2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Nguồn: MILLON. |
Về chất liệu, con rồng thời Nguyễn có thể được đúc bằng đồng, chạm trổ trên đá, điêu khắc trên gỗ, xương, ngà và các loại vàng bạc đá quý. Rồng xuất hiện trên vải, lụa trong y phục, mũ mão của vua quan, phi tần. Rồng làm bằng đất nung trong trong Ngưng Hy Điện ở lăng Đồng Khánh, đắp bằng vôi vữa ở lăng Gia Long hay Thế Tổ Miếu, ghép bằng sành sứ và thủy tinh trong lăng Khải Định, làm bằng pháp lam trên mái Hòa Khiêm Điện trong lăng Tự Đức. Rồng là họa tiết trang trí trên đồ sứ ký kiểu, trên tranh treo tường bằng giấy trong Thái Bình Lâu hay trên tranh gương trong Biểu Đức Điện ở lăng Thiệu Trị…
Nghệ thuật thể hiện con rồng thời Nguyễn ở Huế thực là đa dạng: chạm lộng, chạm nổi, đúc đồng, gia công bằng vàng bạc, đá quý, khảm cẩn bằng trai, sành sứ, dệt thêu trên vải, vẽ bằng bột màu trên giấy, trên đồ sứ… Khi thì tạo thành hình khối, lúc lại thể hiện trên bề mặt phẳng, lúc khác lại vẽ chìm dưới lớp men phủ. thực là thiên hình vạn trạng.
Đề tài thể hiện cũng là một nét đặc sắc khi nói về rồng thời Nguyễn. Các motif: lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, long hý thủy, hồi long, viên long, long truy, long phụng, long lân, long thọ, long vân khánh hội, trúc hóa long, cúc hóa long… xuất hiện ở hầu khắp các di tích kiến trúc, các tác phẩm trang trí, nghệ thuật thời Nguyễn.
Trước thời phong kiến, con rồng được coi là biểu tượng của nước, vốn là điều ám ảnh trong tâm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam. Sang thời phong kiến, con rồng trở thành biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy.
Nhận định này đúng với vai trò của hình ảnh con rồng trong nghệ thuật Nguyễn. Đúng nhưng chưa đủ, bởi lẽ, trong nền nghệ thuật và kiến trúc thời Nguyễn, con rồng không phải là vật sở hữu của riêng nhà vua hay hoàng gia. Con rồng thời này đã vượt khỏi chốn cung cấm mà góp mặt ở hầu khắp các đình chùa, miếu vũ nơi thôn dã.
Tuy nhiên, những thiết chế xã hội thời Nguyễn đâu dễ dàng cho phép thiên hạ sử dụng biểu tượng của đế vương một cách thoải mái như thế. Họ biết noi theo các thiết chế có từ thời Minh bên Tàu, vốn đã được vua chúa nhà Lê – Trịnh tuân thủ, để quy định rằng rồng năm móng là biểu tượng của vua, còn quan lại, thường dân chỉ được sử dụng hình ảnh rồng có bốn hoặc ba móng.
Họ cũng biết biến chuyển hình ảnh con rồng thành các con giao, con cù, một cách “dân dã hóa” con rồng truyền thống, để chia sẻ hình tượng con rồng với thần dân của mình.
Con rồng Nguyễn trong cung đình Huế và con rồng Nguyễn trong những kiến trúc dân gian ở xứ này không phải là phiên bản của nhau. Điều này có thể nhìn thấy khi so sánh các chi tiết như đầu, sừng, vảy, móng và đuôi. Và điều thú vị là chính các con rồng đã được “dân dã hóa” này đôi lúc lại sống động hơn, giàu tính biểu cảm hơn những con rồng uy nghi ở chốn cung đình.
Điều này phản ánh một thực tế là không có những quy định nghiêm ngặt theo kiểu độc chiếm hình tượng con rồng trong mỹ thuật cung đình Huế. Mặt khác, các nhà nghiên cứu khi bàn về con rồng thời Nguyễn thường tập trung vào các con rồng được thể hiện theo lối tả chân, mà ít chú ý đến những cách điệu của con rồng Huế như cúc hóa long, trúc hóa long… vốn là những hóa thân của con rồng Huế theo xu thế đơn giản hóa, nhưng khiến cho hình ảnh con rồng trở nên uyển chuyển hơn, sống động hơn.
You must be logged in to post a comment Login