Trong cuốn Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử (GS Văn Tạo, GS Furuta Moto chủ biên), bằng các chứng cứ thuyết phục là hơn 300 tư liệu thành văn và lời của kể nhân chứng, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã dựng lại bức tranh về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam; làm rõ sự thật khủng khiếp và tính tàn khốc của nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người Việt Nam; chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến nạn đói; đồng thời kể những câu chuyện bi thương xảy ra trong nạn đói.
Sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam do NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Omega Plus phát hành. Ảnh: O.P. |
“Nghĩ mà đau xót cho thân phận người dân nước mình”
Viện Sử học Việt Nam hiện vẫn còn lưu bức thư của một tác giả nước ngoài là Vespy, viết tháng 4/1945, nói về cảnh chết đói mà ông ta được chứng kiến: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương, ngay cả những thiếu nữ đến tuổi dậy thì đáng lẽ e thẹn cũng thế”.
“Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người”.
Còn trong bài Những lời chí thiết đăng trên Báo Bình Minh số 18, ngày 9/4/1945, tác giả Phạm Tư (Nam Định) thì kể điều mắt thấy, tai nghe về những cảnh tượng thê thảm của những người nông dân nạn đói: “Đói quá, túng quá, bố chết hôm trước, mẹ chết hôm sau, hôm thứ ba hai đứa con chết nốt, chết không có chiếu mà bó, chết không có kẻ đưa, vì ai cũng đói, cũng túng. Ôi, mạng người còn kém mạng con vật…”.
Cũng đề cập đến những câu chuyện bi thương của nạn đói, sách ghi lại lời của ông Phạm Văn Khả, thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng: “Ông bà bên ngoại tôi, nhà 6 người thì 4 người chết đói. Bấy giờ chết đói quá nhiều, lý dịch trong thôn, xã phải thuê xe ngựa đi nhặt xác ở các ngõ, ở ven đê biển mang ra bãi vùi lấp qua loa cho quạ khỏi rỉa. Họ dùng dây thép, thừng lôi xác từ các nhà xe ra. Bấy giờ đói quá rồi, chẳng nghĩ gì, nhưng sau nạn đói còn sống sót, nghĩ lại mà rùng rợn, nghĩ mà đau xót cho thân phận người dân nước mình…”.
Ông Trinh, Thôn Hạ, xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh thì cho biết: “Vì đói, chúng tôi chạy đi kiếm ăn khắp nơi. Tha phương cầu thực […]. Trên đường đi, không biết bao nhiêu người chết. Không có ai chôn, hôi thối khủng khiếp, thật là rùng rợn. Phải nhịn thở để bước cho qua”.
Ông Đào Văn Sửu thôn Nhũ Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương kể: “Thê thảm nhất là bà Uy, mẹ tôi vì đói quá đi vào bếp ăn trộm cháo, ngã đâm đầu vào bếp có lửa, cháy nổ cả hai mắt, không ai biết, đến sáng hôm sau thì mèo, chó đã ăn hết thịt hai bắp chân, thật là chua xót…”.
Bên cạnh những câu chuyện bi thương, các nhân chứng còn cho biết cả những chuyện rất đau xót, đó là các trường hợp còn thở thoi thóp, nhưng buộc phải đưa lên xe đem đi chôn.
Ông Phạm Văn Cẩm, thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, nguyên là Chủ tịch xã, kể: “Người ta lả đi mà chết, héo đi mà chết, gục xuống mà chết. Những em bé ngắc ngoải mắt nhắm nghiền lại, nằm trên tấm xác gầy guộc của người mẹ đã chết, rồi cũng xỉu dần mà chết. Có đứa trẻ còn cố tì núm vú đã teo đét của người mẹ mà ngậm, mong được giọt sữa, nhưng khốn nỗi, có sữa đâu mà bú. Có đứa trẻ còn thoi thóp đã bị vứt lên xe ngựa cùng với người mẹ đã chết để hắt ra bãi tha ma. Trong nạn đói, trẻ em phải chịu những cái chết thê thảm nhất, đã gây cho tôi những ấn tượng đau đớn nhất…”.
Ông Ngô Quang Phong, thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, nguyên đại úy công an nghỉ hưu cho biết: “Ngày ấy tôi làm nghề chở xe ngựa thuê cho chủ. Người chết đói nhiều quá. Những nhà chết hết hoặc những người chết không còn người thân, hoặc những xác chết ngoài đường ngoài chợ… lý dịch phải thuê xe, thuê người nhặt xác mang ra bãi tha ma. Thật thương tâm, có người còn chưa chết hẳn, nhưng không nói được, không cử động được nữa cũng vứt lên xe mang ra đẩy cả xuống hố”.
Trên vỉa hè Nhà thờ Tin Lành phố Hà Trung, Hà Nội, một xác thiếu phụ đêm trước còn thoi thóp. Ảnh: Võ An Ninh. |
Những nỗ lực cứu đói của lực lượng Việt Minh
Trong tình hình nạn đói diễn ra trầm trọng ở khắp nơi, lực lượng cách mạng Việt Nam đã có những nỗ lực cứu đói đồng bào. Những tư liệu thành văn là báo chí công khai và báo chí cách mạng bí mật tập hợp trong cuốn sách cho biết phần nào những hoạt động lực lượng Việt Minh: kêu gọi đồng bào không nộp thóc cho Nhật, giữ lúa mà ăn, tìm đường sống, vùng lên phá kho thóc. Bài viết Còn giặc Nhật còn chết đói đăng trên báo Cứu Quốc số 20 ngày 5/5/1945 là một ví dụ.
Trong bài viết này, tác giả Ngô Chu đã nêu thảm trạng chết đói của dân ta: “Đói! Đói! Càng ngày nạn đói càng lan tràn dữ dội. Tại Thái Bình, Nam Định, người ta đã ăn từ củ chuối, vỏ cây… Số người chết đã lên đến 30 vạn. Có làng chết hết không còn người nào. Ngoài những người chết ở quê nhà, một phần người kéo nhau lên chết ở vỉa hè Hà Nội, ở dọc đường các tỉnh miền thượng du Bắc kỳ. Nơi nào cũng nhan nhản thi thể người chết đói. Thật không bao giờ dân ta sầu thảm như lúc này”.
Từ thảm trạng trên, tác giả nêu nguyên nhân vì đâu dân ta chết đói: “Chính vì mấy năm nay giặc Nhật, giặc Pháp hùa nhau cướp thóc của dân ta đó. Trước đây, những thóc thu được của dân ta một phần giặc Pháp tích trữ, một phần nộp cho giặc Nhật không những để nuôi quân Nhật ở Đông Dương mà nuôi quân Nhật ở các mặt trận Tàu, Miến Điện, Thái Bình Dương và bên nước Nhật nữa”.
“Trong khi dân ta chết đói đầy đường thì giặc Pháp có hàng trăm kho thóc gạo khóa chặt và để mục. Giờ đây, những kho thóc ấy lại về tay Nhật, nguyên số gạo đã có 8 triệu 25 vạn tấn, hợp với những gạo cướp được của nhân dân ta từ trước, giặc Nhật tha hồ phè phỡn. Thế mà quân tham tàn vẫn chưa toại nguyện, vẫn chưa hài lòng về con số chết đói của dân ta”.
Từ đó, tác giả kêu gọi đồng bào tìm cái sống trong cái chết:
“Hỡi đồng bào!
Chịu để quân giặc đẽo xương nạo tủy hay sao? Chịu khoanh tay chờ chết để quân giặc béo bở hay sao?
Các bạn chủ ruộng còn thóc bảo nhau đừng nộp cho giặc. Dân thành phố bảo nhau kéo đến đốc lý, dân quê rủ nhau kéo đến phủ, huyện đòi phát gạo cho đủ ăn, bắt buộc giặc Nhật sẻ bớt thóc gạo đầy ních của chúng ra.
Những ai còn thóc không đủ ăn! Những ai kiếm tiền không đủ đong gạo! Những ai sống vất vưởng chờ ngày chết đói! Đừng rụt rè, đừng sợ giặc đàn áp. Phải tìm cái sống trong cái chết”.
Khi nạn đói lên đến đỉnh điểm vào đầu mùa hè năm 1945, người chết la liệt, không phân biệt được nam nữ, già trẻ, các tình nguyện viên nhặt xác đến một chỗ để chờ xe mang đi chôn. |
Bên cạnh những tư liệu thành văn, lời kể của các nhân chứng trong cuốn sách cho thấy phần những nỗ lực của lực lượng Việt Minh trong việc cứu đói đồng bào.
Sách ghi lại lời của ông Lương Văn Cặn, bản Đon, xã Nhượng Bạn (nay là Bế Triều), huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng: “Hồi ấy dân làng rất đói vì trước đó chúng thu thuế bằng tiền, từ năm 1944 chúng thu bằng thóc. Nhật – Pháp bắt dân đưa thóc đến Vò Đáo nộp. Trong làng nhiều nhà không đủ thóc nộp, Nhật – Pháp thường vào làng cướp lợn gà, thóc lúa của dân làng […].
Năm 1945, lũ sông Cao Bằng lên cao, nước ngập 10 ngày, dân làng không có gì ăn, phải ăn ngô thối […]. Trong lúc đói, cán bộ Việt Minh có vận động dân làng giúp đỡ nhau qua ngày…”.
Ông Tạ Bá Lẫm, thôn Khả Lý, tổng Mật Ninh, huyện Việt Yên, Bắc Giang kể: “Chúng bắt phá lúa trồng đay – đời sống nhân dân nói chung, trừ nhà có năm, ba mẫu trở lên, còn cơ cực. Người chỉ còn xác, da thịt nhăn nheo. Diện tích có hơn 100 mẫu, chúng bắt nhổ 6 mẫu ở đồng Ngang, 16, 17 mẫu ở đồng Sau, như vậy lương thực bị thiếu hụt…”
“Cuối năm 1944, bọn tay sai Nhật như tên Ngôn về thu thuế, ngoài thuế chúng còn thu và để lại 4 tạ gạo xay, 3 cót thóc tẻ gửi các gia đình mà chúng bỏ quên, lúc đảo chính, Việt Minh vào lấy thóc để cứu đói”, lời ông Lẫm ghi trong sách.