Sự gắn kết giữa con người qua trang sách đã được đưa vào kịch bản một số bộ phim truyền hình ăn khách. Nếu Thương ngày nắng về mang đến những phút giây thư giãn, lắng đọng bên chuyện tình của chàng họa sĩ có tiếng trong giới xuất bản và cô nàng đam mê vẽ truyện tranh; thì Trở về giữa yêu thương lại phần nào khắc họa quá trình đọc thẩm định bản thảo trước khi cho ra đời một cuốn sách.
Một phân cảnh trong phim Thương ngày nắng về. Ảnh: VTV. |
Sự gắn kết tình cảm
Nhờ có “mẫu số chung” là tình yêu với sách, cụ thể là truyện tranh, ở bộ phim Thương ngày nắng về, Đông Phong (Doãn Quốc Đam đóng) và Vân Vân (Ngọc Huyền đóng) từ niềm đam mê chung mà bắt đầu nhen nhóm mối tình “chú – cháu”.
Đông Phong bề ngoài là chủ quán cafe nhưng thực ra còn có thân phận khác là một họa sĩ ẩn danh nổi tiếng. Còn Vân Vân vốn thừa hưởng năng khiếu vẽ từ bố. Cô luôn ấp ủ trở thành họa sĩ truyện tranh và ra mắt bộ truyện kể về mẹ cùng gia đình của mình.
Theo dõi bộ phim dài tập này, ta dễ dàng bắt gặp những câu thoại nói về quá trình sáng tác truyện tranh. Trong một phân đoạn ở tập 40 (phần 2), Đông Phong nói với Vân Vân: “Đã là truyện tranh, thì phải gồm hai yếu tố, truyện và tranh. Truyện là nội dung, còn tranh là hình thức để thể hiện nội dung đó. Chúng ta cần có kỹ năng để tổ chức và sắp xếp chúng thành một câu chuyện, có kịch tính, có cao trào và đương nhiên phải có yếu tố bất ngờ”; “Cốt lõi cuối cùng, mình vẫn phải kể làm sao cho câu chuyện thật hấp dẫn”…
Từ ngày biết Đông Phong là họa sĩ 2-Wind nổi tiếng, người cô hâm mộ bấy lâu, Vân Vân cảm thấy thích thú vì giờ đây thần tượng đã ở ngay bên mình.
Nhờ Đông Phong chỉ bảo cho từng nét vẽ, chỉnh sửa nội dung câu chuyện nên Vân Vân càng có thêm sự tự tin để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê.
Lấy cảm hứng chính từ mẹ Nga béo (NSƯT Thanh Quý), Vân Vân cuối cùng cũng đã có được thành công khi ra mắt bộ truyện tranh Có mẹ đây rồi! dựa trên những câu chuyện có thật xảy ra hàng ngày trong gia đình. Sự ra đời của bộ truyện tranh này thêm một lần nữa khẳng định sức mạnh gắn kết của các thành viên trong gia đình nhân vật.
Bước chân vào cộng đồng sáng tác truyện tranh Việt Nam từ 20 năm trước, ông Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập Công ty truyện tranh Comicola, cho rằng để có thể theo đuổi được lĩnh vực này, chắc chắn niềm đam mê và tình yêu với sáng tác đóng vai trò rất lớn.
“Hướng khai thác hai nhân vật Vân Vân và Đông Phong của Thương ngày nắng về khá thú vị và cũng có những chi tiết hợp lý với cộng đồng sáng tác truyện tranh tại Việt Nam ở hiện tại. Việc gắn kết tình cảm giữa những người làm truyện tranh với nhau sẽ giúp họ có thêm động lực theo đuổi công việc này”, ông Dương nói.
So sánh những câu thoại trong bộ phim khi nhắc tới truyện tranh, ông Dương cho hay dù là chủ đề nào, điều quyết định cho một tác phẩm truyện tranh ăn khách vẫn là yếu tố hấp dẫn.
Vai ông Phương trong Trở về giữa yêu thương do NSND Hoàng Dũng đảm nhận. Ảnh: VTV. |
Góp phần phản ánh ngành xuất bản
Lên sóng cuối năm 2020, bộ phim truyền hình dài tập Trở về giữa yêu thương do Trịnh Lê Phong làm đạo diễn xoay quanh câu chuyện về gia đình ông Phương (cố NSND Hoàng Dũng đóng) – giám đốc của một nhà xuất bản sau khi nghỉ hưu quay trở về dành thời gian cho gia đình.
Trong kịch bản, ông Phương làm việc tại một nhà xuất bản nhà nước, tính tình nghiêm túc, cẩn trọng trong công việc. Ông sống bằng niềm vui khi đọc những trang bản thảo gửi về. Trong những phân cảnh ông gặp gỡ bạn bè, câu chuyện thẩm định bản thảo, biên tập, xuất bản luôn được đề cập.
Đến tuổi nghỉ hưu, cơ quan chuyển đổi cơ chế, với kinh nghiệm thẩm định bản thảo nhiều năm, ông vẫn được giữ lại làm cố vấn. Nhưng do sự khác biệt về cơ chế lẫn tuổi tác, quan niệm thị hiếu, nhiều mâu thuẫn đã nảy sinh trong quá trình làm việc với các biên tập viên trẻ tuổi.
Trong khi những nhân viên trong nhà xuất bản mong muốn đi theo con đường làm sách phục vụ đông đảo bạn đọc và đem lại lợi nhuận kinh doanh, ông Phương vẫn kiên quyết trân trọng những tác phẩm có giá trị dù chúng khó tiếp cận số đông độc giả, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Phạm Trần Long – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới – cho rằng một số tình tiết trong bộ phim này đã phần nào phản ánh thực trạng của các đơn vị xuất bản Việt Nam khi phải đáp ứng song song cả hai mục tiêu: Vừa làm sách có giá trị, phục vụ cộng đồng; vừa hướng tới hiệu quả kinh tế, đưa ngành xuất bản phát triển.
“Những bộ phim lấy bối cảnh ngành sách như thế này sẽ góp phần nhỏ truyền thông điệp đến độc giả về công việc của người làm công tác xuất bản, giúp họ hiểu hơn về nghề thầm lặng mà chúng tôi đang làm”, ông Long chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Dương, đại diện Comicola, nhận xét rằng những bộ phim như thế này còn tạo được hiệu ứng vì có nhiều chi tiết khá sát với thực tế. Chẳng hạn, kịch bản Thương ngày nắng về đã nói lên ảnh hưởng của cộng đồng mạng đến việc sáng tác truyện tranh, sự nổi tiếng trên các kênh mạng xã hội sẽ dẫn tới cơ hội xuất bản từ các đơn vị làm sách trong nước….
Người đứng đầu công ty Comicola cũng cho rằng đưa câu chuyện xuất bản vào phim truyền hình là một hướng đi có nhiều tiềm năng. Ở Hàn Quốc, khá nhiều series truyền hình đã lấy công ty sản xuất webtoon làm trung tâm của câu chuyện.
Hay như bộ phim Xuất bản tình yêu (Romance is A Bonus Book) lên sóng đầu năm 2019, không chỉ là phim lãng mạn về tình yêu mà còn khắc họa chân thực giới xuất bản – những người coi sách như sinh mạng. Bộ phim nói về những con người ở Nhà xuất bản Gyeoru nỗ lực từng ngày để làm ra những cuốn sách giá trị, từ đó mang đến thông điệp cho người yêu sách: “Dù chuyện gì xảy ra, sách cũng không thể biến mất”.
“Tôi rất hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có các tác phẩm truyền hình hướng tới công việc sáng tác, biên tập, và sản xuất truyện tranh nói riêng và công việc trong ngành xuất bản nói chung”, ông Dương bày tỏ.