Ngày 30/6, UNESCO đã trao Nghị quyết công nhận vinh danh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Nhân dịp này, nhiều sách về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu, tác phẩm của ông đã được xuất bản.
Tác phẩm nghiên cứu Thế giới của truyện Nôm của Maurice Durand. Ảnh: Quỳnh My. |
Sách của Maurice Durand nghiên cứu tác phẩm cụ Đồ Chiểu
Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành tác phẩm Thế giới của truyện Nôm của Maurice Durand (1914-1966). Tác giả chọn khảo cứu 18 tác phẩm của văn học Việt Nam thời trung đại. “Các truyện thơ Nôm như Kim Vân Kiều, Hoa tiên, Phan Trần, Nhị độ mai đều được giới trí thức Việt Nam nhìn nhận như những kiệt tác”, Maurice Durand chia sẻ trong phần viết về Kim Vân Kiều truyện.
Theo tìm hiểu của nhà Việt Nam học người Pháp này, ông thấy “chắc chắn rằng sự ưa chuộng dành cho các truyện thơ tiếng Việt này được viết theo thể lục bát đặc thù của Việt Nam xuất phát từ tinh thần dân tộc, được sáng tác trong niềm tự hào vô bờ bến, đã mong muốn kiến tạo một di sản văn hóa đặc thù mang hình ảnh nhân vật chính trị của dân tộc Việt Nam”.
Trong số 18 tác phẩm được thực hiện nghiên cứu ở công trình, hai tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được chọn là Lục Vân Tiên và Ngư Tiều y thuật vấn đáp.
Đối với Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Maurice Durand điểm qua nội dung sơ lược của tác phẩm gồm 1.825 câu thơ lục bát kèm một số bài thơ, phú chữ Hán. Ông đánh giá tác phẩm này của cụ Đồ Chiểu là “một bài thuyết trình về y học truyền thống của Trung Hoa và nó càng hấp dẫn hơn qua cách sử dụng hình thức đối thoại và những bài thơ dễ nhớ, dễ thuộc”.
Tác phẩm Lục Vân Tiên được nhà nghiên cứu dành dung lượng lớn để phân tích, luận giải. Giá trị của Lục Vân Tiên được người Pháp lưu ý ngay khi tác giả còn sống khi nhiều lần cho xuất bản tác phẩm này. Năm 1864 xuất bản Lục Vân Tiên, poème populaire annamite (Lục Vân Tiên, thơ dân gian An Nam); Lục Vân Tiên ca diễn năm 1883; Histoire du grand lettré: Louc VianTé-ien (Truyện về một danh Nho: Lục Vân Tiên) năm 1887…
Lục Vân Tiên ca diễn do Abel des Michels biên soạn, xuất bản năm 1883 tại Paris. Ảnh: TL. |
Lý giải cho việc Lục Vân Tiên được lưu hành rộng rãi từ Bắc chí Nam dưới chế độ cai trị của Pháp, Maurice Durand giải thích nguyên do: “Tác phẩm mang tính giáo hóa cao độ […] các nhà yêu nước của Việt Nam rất thích đọc và trích dẫn những bài thơ và văn tế bằng chữ Nôm của ông, vì những áng văn bừng cháy lòng yêu nước kiên định, trong đó thể hiện thái độ khinh miệt đối với những người hợp tác với Pháp”.
Không chỉ nghiên cứu về hai tác phẩm gắn liền với tên tuổi của vị danh nhân văn hóa đất Bến Tre, Thế giới của truyện Nôm còn tổng thuật chi tiết bước đường đời, sự nghiệp văn chương cùng lòng yêu nước nhiệt thành của Nguyễn Đình Chiểu. Những chi tiết cụ thể được đề cập cho thấy sự am tường, nghiên cứu kỹ lưỡng của Maurice Durand đối với tác giả của Lục Vân Tiên.
“Ông là một nhà Nho yêu nước nồng nàn, theo đuổi các giá trị truyền thống, gắn bó với phong tục Việt Nam”.
Ngay cả việc Chánh tham biện Bến Tre Michel Ponchon cấp ruộng và tiền cho Nguyễn Đình Chiểu để tranh thủ ảnh hưởng của nhà yêu nước nhưng bị ông từ chối, cũng được đề cập tới trong sách này để chứng minh cho lòng cao khiết, yêu nước của con người nguyện cả đời “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Tập sách ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ Đồ Chiểu. Ảnh: NXB Trẻ. |
Bản Lục Vân Tiên gần với nguyên tác nhất
Tập sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu do Nhà xuất bản Trẻ thực hiện.
Ở ấn bản này, độc giả phổ thông có thể thưởng thức truyện thơ Lục Vân Tiên dưới diện mạo chỉn chu, đẹp mắt. Còn những nhà nghiên cứu cũng có thể tìm thấy ở đây nhiều chú thích dị bản về từ ngữ trong các câu thơ; từ đó, mở rộng vốn từ và có thêm nhiều cách hiểu thú vị về nền văn hóa một thời.
Lục Vân Tiên là truyện thơ Nôm có đời sống gắn liền không chỉ với lời ăn, tiếng nói của người dân Nam Bộ, mà các khái niệm về trung hiếu, nhân nghĩa, thủy chung, hiếu học… thông qua tình tiết truyện và các nhân vật cũng đã trở thành một phần cốt cách của cư dân xứ này.
Giá trị nghệ thuật và nội dung qua nhiều tầng ý nghĩa đã khiến truyện Lục Vân Tiên tồn tại qua gần 200 năm, trở thành một trong những sáng tác có vị trí cao của văn học miền Nam Việt Nam.
Trong tập sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu ra mắt bạn đọc lần này, ở phần 1 – Lục Vân Tiên ca diễn – chứa bản hiệu đính Lục Vân Tiên, gồm cả phần quốc ngữ và ảnh ấn chữ Nôm.
Bản in này được in lại nguyên văn từ bản Lục Vân Tiên thuộc tủ sách Văn học của Phủ Quốc vụ khanh, ấn hành năm 1973 và chỉ chỉnh sửa một số lỗi chính tả cho phù hợp với quy tắc hiện hành.
Xuất phát từ thực tế trong dân gian đang lưu hành rất nhiều phiên bản truyện Lục Vân Tiên khác nhau, Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã hiệu đính quyển Lục Vân Tiên với ý tưởng “tái bản một quyển Lục Vân Tiên thật gần với nguyên tác”.
Trong sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu có giải thích nguồn gốc đặc biệt của tập sách Lục Vân Tiên: “Trên hành trình truyền bản của truyện Nôm Lục Vân Tiên (ra đời khoảng năm 1854 khi Nguyễn Đình Chiểu 32 tuổi, bản Nôm khắc in sớm nhất hiện ghi nhận được in ở Quảng Đông năm 1865), việc thành lập Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu năm 1971 và hiệu đính cho ra đời bản sách Lục Vân Tiên – bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm năm 1973 là sự kiện đáng kể”.
Phần hai của tập sách – Luận đề về Nguyễn Đình Chiểu – bao gồm các công trình nghiên cứu và bài viết của 5 tác giả: Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuần Phong, Vũ Bằng, Bùi Giáng.
Mỗi bài viết mang một góc nhìn khác nhau nhưng đều cung cấp giá trị độc đáo về tác phẩm và cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu; từ đó, góp phần giúp bạn đọc ngày nay có thêm tư liệu tham khảo về vị danh nhân này.
Tác giả Bùi Giáng có bài viết Lục Vân Tiên hay tấm lòng của cụ Đồ Chiểu. Tác giả dẫn dắt: “Thường chúng ta muốn nói rằng đem văn chương mà phụng sự đạo lý thì dễ không đạt được mục đích lắm. Và văn chương dễ bị chết khô. Tác giả khi thai nghén một tác phẩm văn chương với cái dụng ý đó thì ta dám lo ngại trước rằng tác phẩm văn chương sẽ dễ mất giá trị văn chương và tâm lý”.
Nhưng ông cho rằng, văn chương của cụ Đồ Chiểu lại không thế. Bởi trong tác phẩm của cụ, quan điểm luân lý hoàn toàn lấn át quan điểm nghệ thuật. Tư cách ấy được nung nấu trong vòng đạo lý của lớp người trước, cộng thêm lòng sôi nổi, tin tưởng của mình.
“Có thể nói nếu không có luân lý thì không có Lục Vân Tiên, thế mà tại sao tác phẩm của cụ lại là một tác phẩm văn chương có một sức rung cảm rất mạnh… Nói đạo lý rất nhiều, vẫn không làm tổn hại cho văn chương. Mà trái lại, tác phẩm đã rung động, cảm kích tâm hồn chúng ta nhiều nhất”, tác giả Bùi Giáng viết.
Theo ông, tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu còn là giọng nói đầm ấm sẻ chia, tâm sự với chúng ta, nhất là với lớp người trẻ trung giữ nguyên vẹn tấm lòng, tâm hồn thiết tha vì lý tưởng.