Kể từ khi đại dịch bùng phát, sách nói có tốc độ tăng trưởng mạnh. Nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Trung Quốc có doanh thu sách nói đạt mức ấn tượng. Tại Việt Nam, sách nói cũng dần khẳng định được vị thế của mình đối với người dùng.
Doanh số sách nói tại Mỹ đạt 1,6 tỷ USD năm 2021
Ngày 7/6, Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh (Audio Publishers Association) công bố 2021 là năm thứ mười tăng trưởng hai con số đối với sách nói tại thị trường Mỹ. Cụ thể, doanh thu sách nói của Mỹ tăng 25% trong năm qua, theo Publishing Perspectives.
Để hoàn thành báo cáo này, 28 nhà xuất bản đã tham gia cung cấp dữ liệu, bao gồm những tên tuổi lớn như Audible, Blackstone, Brilliance Audio, Hachette Audio, HarperCollins, Macmillan, Penguin Random House, Recorded Books và Simon & Schuster…
Sách nói là lựa chọn của nhiều người trẻ ở Mỹ. Ảnh: Amroestudiantes. |
Michele Cobb – Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh – chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi có một thập kỷ tăng trưởng cũng như việc mở rộng thị trường sách nói tiếp tục vượt quá mong đợi. Các thành viên của chúng tôi gây ấn tượng với người tiêu dùng bằng sự sáng tạo qua các ấn phẩm sách nói và họ đã ‘thưởng’ cho chúng tôi bằng số giờ nghe nhiều hơn”.
Cũng theo báo cáo, số lượng đầu sách được chuyển sang định dạng sách nói trong năm qua là gần 74.000 cuốn, tăng 6% so với năm 2020. Thể loại lãng mạn tăng trưởng mạnh nhất với doanh thu tăng 75%, tiếp theo là sách kỹ năng với 34% và khoa học viễn tưởng là 32%.
Trước đó, cuộc khảo sát người tiêu dùng của Edison Research cho thấy trong năm qua, số người Mỹ trên 18 tuổi nghe sách nói tăng 45% so với năm 2020. Thành viên của các ứng dụng sách nói cũng tăng lên, với 41% người nghe cho biết họ đã đăng ký ít nhất một ứng dụng như vậy.
Khoảng 54% người nghe sách nói cho biết họ dưới 45 tuổi. 70% người tiêu dùng phản hồi rằng sách nói là một lựa chọn tốt để thư giãn. 61% phụ huynh cũng thông tin con cái họ nghe sách nói nhiều hơn trong giai đoạn dịch bệnh và chịu sự gián đoạn của việc học.
Đó cũng là một trong những lý do khiến sách nói có tốc độc tăng trưởng khả quan không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác.
Theo báo cáo vào cuối tháng 4 của Hiệp hội xuất bản Anh, số lượt sách nói được tải về tăng 14%, đạt 197 triệu USD trong năm qua.
Tây Ban Nha cũng là một trong những thị trường sách nói có sức tăng trưởng mạnh. Theo một nghiên cứu do Bookwire và Dosdoce thực hiện, nền tảng Audible ghi nhận số lượt nghe sách nói tăng không ngừng. Ước tính, doanh thu sách nói ở Tây Ban Nha vượt quá 10 triệu euro và mức tăng trưởng hàng năm là 30%.
Diễn viên điện ảnh Tây Ban Nha Aitana Sánchez Gijón đang thu âm cho một ấn bản sách nói. Ảnh: Audible. |
Chiến lược cho sách nói
Các chuyên gia trong ngành ước tính sách nói có khả năng đạt mức tăng trưởng hơn 25% cho đến năm 2027, theo Straive.
Định dạng này đã trở nên phổ biến trong 3 năm qua và có lẽ các lệnh giãn cách xã hội do đại dịch đã làm tăng thêm “sự thèm muốn của mọi người đối với sách nói”. Nó đã giúp họ có được trải nghiệm âm thanh mọi lúc, mọi nơi.
Tại Pháp, tháng 5 vừa qua đã diễn ra “Tháng sách nói”, nhằm tập trung vào việc phát triển sách nói tại quốc gia này.
Tại Tây Ban Nha, dùng giọng nói của người nổi tiếng để thu âm cho ấn bản sách nói vẫn là chiến lược ghi nhận được hiệu quả cao.
Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia có mức tăng trưởng hàng đầu về sách nói, chiếm khoảng một phần ba thị trường. Các quốc gia còn lại chiếm hai phần ba thị phần kinh doanh sách nói.
Theo một báo cáo trên Publishers Weekly, một số nhà xuất bản lớn trên thế giới đã đầu tư hàng triệu USD để thành lập các phòng thu âm sách nói và có chiến lược dùng diễn viên lồng tiếng để đọc sách nói. Điều này đã dẫn đến số lượng đầu sách sách nói mới được phát hành tăng.
Đại dịch đã dẫn đến việc các hiệu sách đóng cửa hơn 3 tháng ở nhiều quốc gia, vì vậy mọi người chuyển sang sử dụng sách nói để duy trì sở thích đọc của mình. Trong bối cảnh đó, nhiều đơn vị đã cung cấp nội dung sách nói miễn phí để thu hút nhiều người hơn nữa trải nghiệm định dạng kỹ thuật số này.
Cùng Mỹ, Trung Quốc được coi là “ông lớn” trên thị trường sách nói. Theo báo cáo của trang People’s Daily, 32,7% người trưởng thành Trung Quốc có thói quen nghe sách nói vào năm 2021. Nhiều nhà xuất bản đã tung ra bản in sách giấy, sách nói và sách điện tử cùng lúc để phục vụ nhu cầu đa dạng của người yêu sách.
Zhao Chen – Gám đốc bộ phận xuất bản kỹ thuật số và công nghệ, Nhà xuất bản People’s Literature – cho biết: “Giờ đây, chúng tôi thường tung ra các phiên bản sách giấy, sách điện tử và sách nói cùng một lúc. Cho dù bạn là người tiếp nhận thông tin tốt bằng thị giác hay thính giác, cũng sẽ luôn có sự lựa chọn phù hợp nhất với bạn”.
Zhao Chen cho hay với sách tái bản (cuốn sách ở lần in đầu chưa có phiên bản sách nói), đơn vị ông in thêm một trang có mã QR nhằm cung cấp cho bạn đọc quyền truy cập vào phiên bản âm thanh của cuốn sách đó.
Tại Trung Quốc, sách nói của nhà văn, học giả nổi tiếng Yu Qiuyu có số lượt nghe lên tới hơn 100 triệu trên ứng dụng Ximalaya FM.
AI (trí tuệ nhân tạo) đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi nội dung sách giấy sang sản phẩm âm thanh, từ đó đáp ứng nhu cầu nghe sách ngày càng tăng.
“Công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói có thể cải thiện một cách hiệu quả nội dung âm thanh. Cho đến nay, nội dung âm thanh của chúng tôi được tạo ra bằng công nghệ mới nhất khó có thể phân biệt được với giọng nói của con người”, Lu Heng – Gám đốc phòng thí nghiệm giọng nói AI của Ximalaya FM – chia sẻ.