Ngành công nghiệp thời trang phải chịu trách nhiệm cho hơn 10% lượng khí thải carbon và vẫn luôn là kẻ gây ô nhiễm lớn thứ hai chỉ sau ngành dầu khí.
Dù đúng là có những tranh cãi về độ chính xác của các con số thống kê khổng lồ, nếu tính ra thì ngày nào chúng ta cũng ăn và mặc. Thế nên cũng giống đồ ăn, thời trang là ngành công nghiệp thiết yếu đối với mỗi con người và việc mua sắm là một quyết định cảm tính.
Ngay từ đầu, ngành công nghiệp thời trang đã không bị nhiều luật lệ kiểm soát. Các nhà sản xuất và thương hiệu thời trang trong toàn bộ chuỗi cung ứng từng có quãng thời gian dài vi phạm các quyền con người và làm tổn hại hành tinh này.
Để làm rõ hơn, ngành thời trang đã hủy hoại nhiều con sông và các nguồn nước sạch. 85% lượng rác thải nhựa trong đại dương là các loại sợi microfiber từ vải tổng hợp và chúng đang bóp nghẹt sự sống trên biển.
Thời trang là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động quy mô lớn, với khoảng 60 triệu người. […]
Thay đổi cách vận hành của ngành thời trang
Niềm vui mua sắm, sự cám dỗ khi bước chân trên đường phố, những chuỗi quảng cáo vô tận trên các mạng xã hội và những người nổi tiếng tự biến mình thành biển quảng cáo di động, tất cả đi vào tiềm thức, khuyến khích lòng tham của chúng ta cứ tăng lên, tăng lên mãi.
Người Anh mua quần áo mới nhiều hơn bất cứ cư dân châu Âu nào khác, quần áo giá rẻ thì lại nhiều vô kể. Rất nhiều người trong chúng ta là nô lệ của các xu hướng thời trang. Chúng ta mua đồ mới nhanh chóng thế nào thì cũng vứt bỏ đồ cũ với tốc độ như thế.
Việc sản xuất đồ may mặc và vải vóc trên toàn cầu tính tới hiện nay, đã tạo ra hàng triệu triệu tấn chất độc hại và nếu tính ở cấp độ toàn bộ chuỗi cung ứng, thì chúng ta mới làm rất ít để xử lý vấn đề rác thải do ngành thời trang tạo ra.
Trong thế giới coi lợi nhuận là động lực, thì thời trang và tính bền vững có phải là hai thứ mâu thuẫn? Tương lai của ngành thời trang sẽ như thế nào? Đây là chủ đề đã xuất hiện trong rất nhiều cuộc thảo luận. Ngành thời trang cũng dành nhiều hội nghị thảo luận về hướng đi và cách phát triển của ngành.
Từ “tiêu thụ” mang trong nó đầy sự mâu thuẫn. Ngành thời trang có thể làm gì để tăng trưởng khi hiện tại con người đã quá dư thừa quần áo? Các thương hiệu có quyết tâm và sẵn sàng tới mức nào để thời trang trở nên thân thiện với con người và hành tinh này? Chúng ta, những người tiêu dùng, sẵn sàng chứng minh mong muốn sát cánh cùng thời trang bền vững với các thương hiệu đến mức nào?
Con người hiện nay có thói quen mua đồ mới nhanh chóng và cũng vứt bỏ đồ cũ với tốc độ như thế. Ảnh: Fabrice Monteiro/Elleman. |
Lãng quên niềm tin khi mua sắm
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới những tác động mà lựa chọn mua đồ may mặc của họ gây ra. Nhưng các dữ liệu cũng cho thấy thế hệ Millennial (những người sinh ra vào giai đoạn 1980-2000) xếp độ bền xuống dưới cùng so với những thứ khác, chẳng hạn như độ dễ mua, giá cả, sự độc đáo và thương hiệu.
Những thứ mà người tiêu dùng muốn có chẳng hề liên quan tới thứ họ mua. Trang Entry Level Activist đã áp dụng thuyết tâm lý về “bất hòa nhận thức” vào lĩnh vực thời trang.
Khái niệm bất hòa nhận thức là cảm giác khó chịu khi một người có ít nhất hai cách nghĩ, lý tưởng và giá trị xung đột với nhau.
[…]
Hệ thống thời trang sau cùng là sản phẩm của hệ thống kinh tế toàn cầu, trên nền tảng của sự tăng trưởng nhất quán. Việc tiêu dùng nằm ở phần cốt lõi. Ý tưởng đề nghị người tiêu dùng can thiệp vào hệ thống là một thứ rất khó hiểu.
Ngành công nghiệp nói chung cần sự thay đổi mang tính hệ thống, còn ngành công nghiệp thời trang nói riêng cần phải có trách nhiệm, vì đã khiến người tiêu dùng ám ảnh với thời trang nhanh.
Qua khám phá về ngành thời trang, ta nhận thấy có nhiều sự chồng chéo giữa công bằng về kinh tế, môi trường và xã hội.