Chiều 21/5, trong khuôn khổ tọa đàm ra mắt cuốn sách Quán Thánh – Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long – Hà Nội được tổ chức tại Không gian văn hóa Đông Tây (Hà Nội), các diễn giả là nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử, kiến trúc sư cùng chia sẻ những câu chuyện thú vị xoay quanh nghi lễ thờ thần Chân Vũ (Trấn Vũ).
Vị thần có ảnh hưởng lâu dài
Phát triển từ luận văn cử nhân của tác giả Nguyễn Đức Dũng (hiện là chuyên viên chính Cục Di sản – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cuốn sách Quán Thánh – Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long – Hà Nội được TS Tô Lan (Viện nghiên cứu Hán Nôm) tổ chức bản thảo.
Bên cạnh đó, công trình này còn có sự thể hiện của kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia Trần Trung Hiếu với hàng trăm hình ảnh chụp tư liệu hiện vật tại đền Quán Thánh.
Thông qua việc khảo sát 25 bài thơ, 15 hoành phi, 31 câu đối, 6 bia đá, một khánh đồng, một biển đồng của đền Quán Thánh, ấn phẩm đem đến cho người đọc đương đại tri thức về một trong những danh thắng nổi tiếng đất Thăng Long – Hà Nội.
Tượng thần Chân Vũ tại đền Quán Thánh. Nguồn: Sách “Quán Thánh”. |
Đặc biệt, qua những văn bản trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới Chân Vũ quán (đền Quán Thánh), độc giả còn hiểu rõ hình tượng Huyền Thiên Chân Vũ – một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long xưa (Thăng Long tứ trấn gồm bốn ngôi đền: Đền Bạch Mã trấn phía Đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại vương; đền Kim Liên trấn phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại vương; đền Quán Thánh trấn phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Chân Vũ).
Chân Vũ, Trấn Vũ hay Huyền Vũ (dân gian thường gọi là Trấn Vũ Đại đế, Đãng Ma Thiên Tôn) là một trong những vị đại thần được Đạo giáo tôn thờ, có tầm ảnh hưởng rất lớn trong tín ngưỡng dân gian.
Huyền Thiên Chân Vũ là một vị thần có ảnh hưởng lâu dài. Theo truyền thuyết và nhiều tài liệu ghi chép lại, bên cạnh việc giúp chống ngoại xâm, vị thần này còn trừ tà ma, yêu quái. Đền thờ vị thần đã được dựng ở Thăng Long từ thời Lý, sự hiển ứng của thần được truyền tụng lại còn sớm hơn so với mốc dựng đền hàng nghìn năm.
Bên cạnh những truyền thuyết dân gian có xu hướng chứng thực việc hiển thánh của Huyền Thiên tại Việt Nam, có nhiều văn bản trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới đền Quán Thánh (Hà Nội) cũng cung cấp tiểu sử của vị thần này.
Sách Quán Thánh. Ảnh: Minh Châu. |
Di sản văn bản khắc Hán – Nôm
Cùng việc giúp độc giả hiểu rõ hơn hình tượng Huyền Thiên Chân Vũ ở Việt Nam, nhóm thực hiện sách còn giúp độc giả có được cái nhìn một cách hệ thống về di sản văn bản khắc Hán – Nôm tại đây thông qua nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, về số lượng, đây là một di tích hiện còn bảo lưu khá nhiều văn bản khắc Hán – Nôm với các thể loại phong phú, khắc trên chất liệu đá, đồng và gỗ. Bên cạnh đó là các hiện vật được chế tác công phu, tinh xảo, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ tiêu biểu cho di tích.
Thứ hai, hệ thống văn bản khắc Hán – Nôm tại đền tập trung được một số lượng lớn tác giả là những nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa… Hầu hết họ đều giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền phong kiến triều Nguyễn và cả chính quyền thuộc địa Pháp tại Bắc Kỳ. Số lượng tác giả lên tới 88. Hệ thống tác phẩm gồm nhiều phong cách khác nhau, với trình độ sáng tác cao.
Thứ ba là về mặt niên đại. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, tấm bia sớm nhất là San Thánh kinh ký tiên nhân khuyến thiện bi có niên đại từ năm Đức Long thứ năm (năm 1633). Ngoài tấm bia đó, đa số văn bản khắc tại đây có niên hiệu Thành Thái thứ năm (năm 1893), gắn liền với việc trùng tu đền năm đó.
Thứ tư, xét về mặt nội dung, các văn bản này cung cấp thông tin quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển của bản thân di tích, cũng như các giá trị về văn học, địa lý, lịch sử… của Thăng Long xưa nói chung và vùng Tây Hồ nói riêng.
Chia sẻ tại tọa đàm, tác giả Nguyễn Đức Dũng cho biết ngay từ khi làm luận văn cử nhân tốt nghiệp đại học (năm 2002), anh đã ấp ủ ý định thực hiện một cuốn sách để dâng lên Thánh Trấn Vũ.
Trong quá trình thực tập và giảng dạy ở đền Quán Thánh, TS Nguyễn Tô Lan cho biết khi đó chưa có một công trình nào bằng chữ Hán – Nôm về ngôi đền này.
“Khi biết đến bản thảo luận văn của tác giả Nguyễn Đức Dũng, tôi đã khuyến khích, gợi ý anh thực hiện thành một cuốn sách. Ban đầu, nhóm chúng tôi dự định xuất bản nguyên vẹn bản thảo đó như một công trình tư liệu, nhưng sau khi xem bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Trung Hiếu, sự chi tiết và ấn tượng của từng bức ảnh khiến chúng tôi quyết định thực hiện tác phẩm dưới hình thức sách ảnh”, TS Tô Lan nói.
Tác giả Nguyễn Đức Dũng (thứ 3 từ phải sang) và ekip thực hiện cuốn sách. Ảnh: Minh Châu. |
Thạc sĩ Nguyễn Đình Hưng, nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo, thành viên nhóm tổ chức bản thảo, cũng tiết lộ có những chữ trên bia khắc hoặc gỗ ở đền Quán Thánh do thời gian nên đã bị mất nét.
“Với mong muốn tái hiện sự chân thật đó, khi thực hiện cuốn sách này, chúng tôi cũng mô tả đúng theo những nét vẽ bị mất đó. Nói cách khác, phần hình ảnh trong sách chính là sự đối chứng chân thật, trực quan của nhóm tác giả”, thạc sĩ Đình Hưng cho hay.
Lần đầu tiên tham gia vào một dự án sách, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia Trần Trung Hiếu, nhận thấy đây là một trải nghiệm mới và thú vị. Khi thực hiện cuốn sách này, anh mới phát hiện ra những bí ẩn thú vị của đền Quán Thánh. Chẳng hạn như hình tượng con nghê, bức Thái Bình Lâu mô tả cảnh diễn tuồng, múa hát của người xưa với hình ảnh ca nương cầm đàn, quạt để hầu cho quan ngồi uống rượu…
Nhận định về cuốn sách, PGS.TS Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu lịch sử và các biểu tượng văn hóa cổ, thành viên Viện Hán Nôm, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng cần nhiều hơn những cuốn sách nghiên cứu về đạo giáo, đền chùa ở trong nước.
“Cuốn sách này sẽ mở ra nguồn tư liệu mới, làm phong phú hơn nữa về lịch sử đạo giáo và tín ngưỡng thờ các vị thần ở Việt Nam”, PGS.TS Trần Trọng Dương bày tỏ.