Năm 1966, trước khi xuất ngoại, thầy Nhất Hạnh trở về tổ đình Từ Hiếu để lạy bổn sư Thanh Quý – Chân Thật.
Sư ông đã làm lễ phú pháp và ban cho đệ tử mình bài kệ truyền đăng với câu mở đầu: “Nhất hướng phùng xuân đắc kiện hành” (Đi gặp mùa xuân, bước kiện hành).
Với bước chân tráng kiện đó, chàng tu sĩ trẻ Phùng Xuân lên đường tìm gặp mùa xuân, và mải miết đến hơn 50 năm sau mới về lại tổ đình khi đã là sư ông Làng Mai, hoàn thành sứ mệnh hoằng dương đạo pháp và xiển dương văn hóa Việt với thế giới.
Xóa bỏ chiến tranh tận gốc rễ
Khi chàng tu sĩ trẻ Nhất Hạnh lên đường “đi tìm mùa xuân”, chiến tranh vẫn diễn ra ác liệt trên khắp nước Việt. Vì vậy, suốt cả tuổi thanh xuân kéo dài đến năm tháng trung niên của nhà sư là một cuộc tìm kiếm hòa bình trong gian nan và hành trì miên mật.
Đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu rõ hơn tư tưởng của thiền sư về chiến tranh và hòa bình qua câu chuyện ông tham gia đoàn biểu tình cho hòa bình, chống chiến tranh hạt nhân, ở nước Mỹ vào năm 1982.
Ông dẫn đầu một phái đoàn, đi một cách chậm rãi, bình an. Đám đông biểu tình đi sau tìm cách vượt qua với thái độ tức giận. Ông nhận ra không thể có hòa bình bằng thái độ phẫn nộ như thế. “Hoạt động hòa bình không chỉ là tháo gỡ bom.
Thậm chí khi ta vận chuyển hết bom lên Mặt trăng, ta cũng không có an ninh, bởi vì gốc rễ của chiến tranh và những quả bom vẫn còn đó, trong tâm thức cộng đồng của chúng ta”. Ông cho rằng chuyển hóa tâm thức cộng đồng là cách duy nhất có thể xóa bỏ chiến tranh tận gốc.
Chế tác hạnh phúc bằng thực tập chánh niệm
Cuốn sách do Tăng thân Làng Mai biên soạn, Thái Hà Book và Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành cũng giúp người đọc chưa có dịp đọc sách của Nhất Hạnh nắm bắt đủ những gì thiền sư đã sống, đã viết trong 97 năm trụ thế và 72 năm hành đạo. Và điều cốt tủy trong rất nhiều chia sẻ của ông là thực tập chánh niệm.
Nhắc đến “chánh niệm” là người ta nghĩ ngay đến thiền sư Nhất Hạnh, dù khái niệm đó đã ra đời từ nguyên thủy của Phật giáo, một nhánh của con đường Bát chánh đạo – cốt tủy của giáo lý đạo Phật.
Thế giới gọi ông là “người cha của chánh niệm”, bởi ông đã dựa trên nền tảng “chánh niệm” để xây dựng nên một phương pháp tu tập, cũng là một cách để sống hạnh phúc thực sự, đó là ý thức được khoảnh khắc trong hiện tại và tập trung vào khoảnh khắc đó.
Pháp môn đơn giản mà vi diệu ấy đã được hàng triệu người trên thế giới thực tập để chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc .
Thiền sư nhận thấy chiến tranh gây bao đau khổ cho con người nhưng ngay cả khi hòa bình thì đau khổ vẫn chồng chất thế giới. Quan niệm sai lầm về hạnh phúc chính là gốc rễ của khổ đau, và điều đó thể hiện rõ nhất ở xã hội tiêu dùng.
Khi được hỏi điều gì làm thầy ấn tượng nhất trong những năm đầu ở phương Tây, ông nói: “Điều đầu tiên tôi nhận ra rằng thậm chí khi người ta có rất nhiều tiền, quyền lực và danh vọng, người ta vẫn có thể cực kỳ đau khổ. Nếu ta không đủ bình an và từ bi ở trong lòng thì không có cách gì ta có thể hạnh phúc được”.
Bình an và từ bi, đó cũng là điều người đọc trực nhận và nuôi dưỡng được, khi đọc tập sách này cũng như những cuốn sách của thiền sư.