Kể từ năm 1995, UNESCO chọn 23/4 là Ngày Sách và Bản quyền Thế giới. Đây cũng là ngày mà 2 đại văn hào Cervantes và Shakespeare qua đời sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác. Kể từ đó, nhiều quốc gia chọn 23/4 là dịp để tổ chức các buổi triển lãm, sự kiện tôn vinh sách và và những người làm ra chúng.
Trong khuôn khổ sự kiện này, tọa đàm với chủ đề “Bản quyền sách nước ngoài – Góc nhìn người trong cuộc” được tổ chức tại Hà Nội, giúp bạn đọc hiểu thêm về những khâu quan trọng trong quá trình trao đổi, mua bán bản quyền sách, cũng như thông tin về công việc dịch sách.
Từ trái qua: Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Bản quyền và Xuất bản Nguyễn Thu Trang, nhà báo Trần Tuấn Anh chia sẻ tại tọa đàm ngày 23/4. Ảnh: Thu Huệ. |
Làm phong phú nguồn tri thức
Mỗi cuốn sách nước ngoài khi xuất bản ở Việt Nam đều phải trải qua các bước: Mua bản quyền, chuyển ngữ, hiệu đính, xin giấy phép, in ấn và phát hành.
Với 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bản quyền, bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Bản quyền và Xuất bản Tân Việt Books – được biết đến là người đã đồng hành để đưa các nhân vật truyện tranh nổi tiếng thế giới tới độc giả nhí tại Việt Nam.
Trong số gần 1.500 đầu sách đa thể loại được bà Thu Trang mua bản quyền, có nhiều tựa sách thiếu nhi đã góp phần vẽ nên tuổi thơ đầy sắc màu cho các bạn nhỏ trong nước như cuốn Winnie The Pooh (bản quyền của Disney), Búp bê Barbie (Mattel), Hello Kitty (Sanrio) hay My Little Pony (Hasbro)…
“Thuở nhỏ, tôi thích xem hình ảnh những công chúa, hoàng tử biểu diễn, hát ca. Khi lớn lên, tốt nghiệp ngành Báo chí và phim ảnh, tôi yêu và chọn gắn bó với nghề làm sách. Niềm vui nhân lên khi tôi được làm việc với những thương hiệu bản quyền nổi tiếng trên thế giới đã gắn liền với tuổi thơ của mình”, bà Thu Trang kể.
Trong thời điểm dịch bệnh, bộ sách dành cho thiếu nhi Thế nào và tại sao được bà mua bản quyền từ một đơn vị xuất bản của Đức, cung cấp kiến thức khoa học hữu ích cho độc giả nhỏ tuổi.
“Trong một lần gặp Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, bà ấy nói cảm ơn tôi vì đã mang bộ sách này về Việt Nam. Bà cho biết thanh, thiếu niên người Đức, thậm chí là các thế hệ trước đó, đã lớn lên cùng bộ sách này”, bà Thu Trang nói.
Không chỉ dừng lại ở mảng sách thiếu nhi, các đơn vị xuất bản trong nước cũng tỏ ra năng động khi tìm mua bản quyền những tựa sách đa thể loại, phục vụ mọi đối tượng độc giả.
Dịch giả, nhà báo Nguyễn Xuân Hồng là người chuyển ngữ gần 100 tác phẩm. Trong đó, một số cuốn sách văn học nổi bật của Dan Brown như Biểu tượng thất truyền, Hỏa ngục, Nguồn cuội. Ông cũng chuyển ngữ loạt hồi ký của những lãnh đạo thế giới.
“Tôi nhận thấy có nhiều cuốn gai góc, khó nhằn, đòi hỏi phải có chuyên môn khi dịch. Chẳng hạn, cuốn Nhân loại – Một lịch sử tràn đầy hy vọng, ban đầu tôi còn e ngại, song khi đọc lại, sự nhẹ nhàng trong cách viết lẫn những ví dụ dễ tiếp cận đã thực sự hấp dẫn tôi”, dịch giả Xuân Hồng chia sẻ.
Khi mua bản quyền, không ai dám tự tin cuốn sách này khi phát hành ở Việt Nam sẽ bán chạy hay không, đặc biệt là đối với những sách có chủ đề “kén” độc giả.
“Người làm xuất bản thường nói với nhau về quy tắc ‘20-80’. Tức là 20% doanh thu từ những cuốn best-seller sẽ ‘bù lỗ’ cho 80% sách còn lại. Nhưng tôi nghĩ mua bản quyền sách với nhiều chủ đề sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Đem tri thức thế giới về Việt Nam luôn là mong muốn của người làm nhiệm vụ mua bản quyền”, bà Thu Trang cho hay.
Một số cuốn sách được mua bản quyền là những ấn phẩm best-seller của New York Times. Ảnh: Thu Huệ. |
Xu hướng mua bản quyền sách
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh công tác tại báo Tiền Phong. Trước đó, ông có gần 20 năm làm việc tại báo Sinh viên Việt Nam – Hoa học trò – đơn vị từng mua bản quyền nhiều cuốn sách best-seller để xuất bản tại Việt Nam.
Ông nhớ lại “thời kỳ đỉnh cao” của hoạt động mua bản quyền sách tại đơn vị mình: “Có những cuốn thực sự tạo tiếng vang khi có mặt tại Việt Nam với trên 20.000 bản được in trong một lần xuất bản”.
Song, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh cũng nhận định việc thất bại khi mua bản quyền là điều khó tránh khỏi. Rủi ro có thể xảy ra khi mua bản quyền xong nhưng chủ đề của sách đã bị “trễ tính thời sự” hoặc “kén độc giả”.
Từng chuyển ngữ một số tác phẩm ăn khách, dịch giả Nguyễn Xuân Hồng chứng kiến hiện nay, bản quyền những cuốn sách best-seller được các đơn vị xuất bản trong nước cạnh tranh khá gay gắt. Ông lấy ví dụ cuốn Nguồn cội của Dan Brown, có ít nhất 8 đơn vị tham gia vào cuộc cạnh tranh này để giành quyền xuất bản.
Thế nhưng, dù phải chi mức “hầu bao” lớn, kèm theo nhiều điều kiện phức tạp khác, các đơn vị vẫn chấp thuận mua bản quyền những cuốn best-seller như thế này.
“Điều đó cho thấy giới làm sách trong nước đã nhận ra giá trị mà các ấn phẩm đó đem lại, mong muốn đem tri thức về gần hơn với độc giả trong nước”, dịch giả Xuân Hồng nói.
Trong 2 năm qua, do Covid-19, các hội chợ sách quốc tế lớn trên thế giới không thể diễn ra dưới hình thức trực tiếp khiến người làm công tác mua, bán bản quyền sách không được gặp gỡ, giao lưu với nhau. Cảm hứng khi tham gia thương thảo trực tiếp và cơ hội học hỏi từ các hội chợ sách nước bạn cũng mất đi.
Thay vào đó, giới làm sách trong nước nhanh chóng bắt kịp xu thế, tập trung thương thảo online để mua bản quyền các ấn phẩm thiết thực trong đại dịch. Những tựa sách có nội dung cổ vũ tinh thần, hướng đến niềm tin, sức mạnh vươn lên trong khó khăn được chú trọng.
“Covid-19 cũng là động lực để mua bản quyền những ấn phẩm giúp ích trực tiếp cho bạn đọc nhiều hơn. Tiêu chí chúng tôi đề ra khi mua bản quyền là thông điệp mà sách truyền tải, uy tín của tác giả, giá trị nội dung và sự nhạy cảm cá nhân”, Giám đốc Bản quyền và Xuất bản Tân Việt Books cho biết.
Nói về lợi thế của việc mua bản quyền sách hiện nay, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng đội ngũ dịch giả phong phú, thông thạo đa ngôn ngữ, cùng với sự đa dạng của các đầu sách trên thế giới là tiền đề để công cuộc mang tri thức về Việt Nam trở nên dễ dàng hơn.