Tiếp nối thành công của ba mùa giải trước, tối 12/11, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội), Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư đã trao 2 giải A, 9 giải B, 13 giải C cho các tác phẩm xuất sắc.
Giải thưởng do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện, thu hút sự tham gia của 47 nhà xuất bản trên cả nước với 365 cuốn sách và 284 tên sách.
Có mặt tại buổi lễ trao giải với tư cách tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu được tôn vinh trong mùa giải này, mỗi người đều mang trong lòng cảm xúc nhất định.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận giải B – Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư. Ảnh: Thạch Thảo. |
Nhiều cảm xúc đan xen
Là một trong những người được vinh danh tại giải B của Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ ông đã đi qua rất nhiều giải thưởng trong đời, nhưng giải thưởng lần này khiến tác giả cảm thấy hồi hộp và mang nhiều cảm xúc kỳ lạ nhất.
Cuốn sách giúp ông đoạt giải – Chuyện của anh em nhà Mem và Kya – viết về những đứa cháu của nhà thơ: Cháu nội Mem và cháu ngoại Kya. Vì thế, tác giả có cảm giác giải thưởng được trao cho chính tuổi thơ của mình.
“Tôi chưa bao giờ thấy Giải thưởng Sách quốc gia được quan tâm như năm nay. Điều đó cho thấy trong mọi khó khăn, chúng ta vẫn có thể làm nên những điều tốt đẹp. Và cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến thế nào, sách cũng không thể rời bỏ con người”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Tôi chưa bao giờ thấy Giải thưởng Sách quốc gia được quan tâm như năm nay. Điều đó cho thấy trong mọi khó khăn, chúng ta vẫn có thể làm nên những điều tốt đẹp.
Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Trong điều kiện dịch bệnh, lễ trao giải vẫn diễn ra rất long trọng. Theo ông Thiều, buổi lễ cho thấy sách luôn có vị thế nhất định trong xã hội. Ngày hội của giới xuất bản Việt Nam cũng giống như Hội chợ sách quốc tế Venezuela hay La Habana mà ông tham gia (theo hình thức trực tuyến và trực tiếp) trong hai năm trở lại đây, đều chứng minh rằng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, con người vẫn làm nên những sự kiện về sách một cách kỳ diệu.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – người biên dịch, hiệu đính cuốn sách Con đường công nghiệp hóa trong thế kỷXXI – bày tỏ sự phấn khởi vì “không ngờ rằng có nhiều người lại quan tâm đến chủ đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay”.
“Khi đến khu vực trưng bày sách, thấy nhiều bạn đọc quan tâm cuốn sách của mình, tôi rất vui. Niềm vui của người dịch sách là được độc giả nhớ tới. Tôi hãnh diện và cũng hy vọng rằng bạn đọc Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều tựa sách hay trên thế giới”.
Có mặt tại buổi lễ trao giải lần này, anh Hoàng Tuấn Công – con trai nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ (tác giả cuốn Tinh hoa văn hóa xứ Thanh) – thay cha lên nhận giải B.
Chia sẻ cảm xúc khi người cha quá cố được vinh danh, anh Công nói: “Từ khi gia đình nhận được giấy mời ra Hà Nội nhận giải, tôi đã rất xúc động. Hai ngày nữa là tròn 100 ngày cha tôi qua đời. Giải thưởng này đã ghi nhận tâm huyết, đóng góp của ông trong nhiều năm nghiên cứu, từ đó sẽ góp phần lan tỏa giá trị cuốn sách đến đông đảo bạn đọc không chỉ xứ Thanh mà còn trên cả nước”.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc nhận giải C với cuốn Con đường công nghiệp hóa trong thế kỷXXI. Ảnh: Thu Huệ. |
Những dự định sau khi nhận giải
Ông Hoàng Văn Tú – Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa – cảm thấy xúc động khi biết cuốn Tinh hoa văn hóa xứ Thanh của đơn vị mình đoạt giải B.
Từ mảnh đất xứ Thanh ra Hà Nội nhận giải, ông Tú chia sẻ: “Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi nhận giải, nhưng trong điều kiện dịch bệnh này, tôi cảm thấy sự kiện càng có ý nghĩa hơn. Với niềm vinh dự nhận giải, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để làm ra những cuốn sách hay, đẹp, chung tay cùng toàn ngành xuất bản để đưa những đầu sách có giá trị thực sự đến bạn đọc”.
Năm nay, mảng sách thiếu nhi vinh danh nhiều tác phẩm thể hiện tình yêu thiên nhiên, kỹ năng sống, tình cảm gia đình. “Điều này mở ra cho chúng ta một suy nghĩ rằng việc xây dựng thế giới tâm hồn cho một đứa trẻ là điều hệ trọng của bất kỳ quốc gia nào. Kết quả của Giải thưởng Sách quốc gia đã cho thấy chiến lược ‘trồng người’ từ ban tổ chức”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng nhấn mạnh nhiều cuốn sách được trao giải năm nay tạo được dư luận tốt trong cộng đồng từ trước đó. Vì thế, kết quả của giải thưởng “đồng bộ với cảm nhận của bạn đọc nói chung”.
Theo ông Thiều, mùa giải thứ tư đã tạo nên chiều sâu, tính đa dạng, chứng tỏ quy mô giải thưởng đã được mở rộng ra rất nhiều. Điều này làm nên thành công cho buổi lễ trao giải.
Chia sẻ về dự định với giá trị phần thưởng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết ông sẽ thay mặt hai cháu (hai nhân vật chính trong cuốn sách) dành chút tiền để gửi đến một số em nhỏ mồ côi cha mẹ trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM.
“Tôi muốn biến phần thưởng này trở thành ngân hàng tiết kiệm về tình thương. Khi hai cháu tôi lớn lên, tôi sẽ kể cho chúng nghe về câu chuyện thiện nguyện, nhân văn ấy. Tôi gửi số tiền thưởng cho những đứa trẻ khác, nhưng cũng chính là tạo cho các cháu của mình một ống tiết kiệm về tâm hồn, sự chia sẻ với bạn bè”, ông Thiều bày tỏ.
Lần đầu tiên tham dự lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia và được vinh danh tại sự kiện trọng đại này, tác giả Nguyễn Tiến Dũng cho biết sau khi cuốn Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX của anh được trao giải, bên cạnh niềm vui, đó còn là nguồn động viên lớn đối với một nhà nghiên cứu trẻ.
“Khi một cuốn sách chuyên khảo được hiệu chỉnh và phát triển từ luận án tiến sĩ, bản thân nó đã bước đầu được ‘xã hội hóa’ và được xem là một bước tiến lớn. Càng vinh dự hơn khi công trình ấy được ghi nhận tại Giải thưởng Sách quốc gia. Giải thưởng này tiếp thêm cho tôi nhiều động lực. Tôi dự định sẽ triển khai cuốn sách chuyên khảo tiếp theo. Nó sẽ là một bức tranh kéo dài, rộng và toàn diện hơn về chủ đề của cuốn sách thứ nhất”, tác giả Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.