Giải thưởng Sách quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện, nhằm trao giải cho những ấn phẩm có giá trị về nội dung, tư tưởng và tính thẩm mỹ.
Bên cạnh những công trình về lý luận chính trị, khoa học tự nhiên hay mảng sách thiếu nhi, những cuốn sách học thuật, chuyên khảo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng được chú trọng trong quá trình bình, xét giải.
Đó là những tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu về một vấn đề khoa học xã hội, mang hàm lượng tri thức cao, phục vụ cho giới nghiên cứu, học giả, giảng viên, sinh viên, qua đó góp phần quảng bá, nâng cao tri thức và sự phát triển của xã hội.
Trong số các sách lọt chung khảo Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư, một số tác phẩm thuộc dòng sách này như: Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu; Địa chí Thừa Thiên Huế – phần Văn hóa; Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX…
Sách Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu. Ảnh: Minh Châu. |
Giá trị của những cuốn sách chuyên khảo
Được hiệu chỉnh và phát triển từ luận án tiến sĩ của Nguyễn Tiến Dũng, Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX là một trong những cuốn sách chuyên khảo do MaiHaBooks liên kết Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành.
Là đơn vị hướng tới mục tiêu phát triển dòng sách học thuật, bà Hà Thị Hương Mai – Giám đốc MaiHaBooks – cho biết một trong những định hướng quan trọng của đơn vị là “hỗ trợ xuất bản và phát hành các luận án tiến sĩ xuất sắc thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn”, trong đó có công trình của TS Nguyễn Tiến Dũng vì hàm chứa giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc.
Theo PGS.TS Phạm Minh Phúc – Quyền giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – chủ đề, nội dung của Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX phù hợp tôn chỉ, mục đích, chức năng và nhiệm vụ của đơn vị ông.
“Chúng tôi nhận thấy đây là công trình sử học không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang giá trị thực tiễn cao, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Tác phẩm được thực hiện bài bản, nghiêm cẩn bởi một nhà nghiên cứu được đào tạo tại một trong những môi trường chuyên sâu về sử học ở Việt Nam, nên có chất lượng khoa học và hàm ý chính sách rất rõ”, ông Phúc đánh giá.
Cũng lọt chung khảo Giải thưởng Sách quốc gia năm nay, cuốn Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu của tác giả Trịnh Khắc Mạnh (chủ biên) và Dương Văn Hoàn được đánh giá là đã góp phần vào việc tìm hiểu một nền giáo dục trong quá khứ, khám phá những di tích có giá trị lịch sử.
GS.TS.NGND Đỗ Thanh Bình – thành viên Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Sách quốc gia – chia sẻ: “Tìm hiểu, giới thiệu về Văn Miếu Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu. Song, đến nay, chưa có công trình nào trình bày một cách hệ thống, đầy đủ theo từng cấp bậc như cuốn sách này”.
Các tác giả không chỉ trình bày hệ thống Văn Miếu, mà còn làm rõ những vấn đề có tính lý luận, so sánh Văn Miếu trong nước với một số quốc gia Đông Bắc Á chịu ảnh hưởng của Nho học.
Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn nghiên cứu những yếu tố mang nét riêng của văn hóa bản địa dựa trên thông tin từ Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục; tư liệu địa chí; tư liệu văn bia và các công trình nghiên cứu về hệ thống di tích Nho học thời kỳ trước.
Sự ra đời của Văn Miếu Việt Nam– Khảo cứu khẳng định lòng tôn sùng Nho giáo, khuyến khích phát triển giáo dục khoa cử Nho học, đồng thời biểu dương tinh thần học tập và kết nối giá trị đạo đức truyền thống.
Bộ sách Địa chí Thừa Thiên Huế – phần Văn hóa. Ảnh: NXB Thuận Hóa. |
Một trong những ấn phẩm được đề cử trao giải năm nay là bộ Địa chí Thừa Thiên Huế – phần Văn hóa (còn gọi là Địa chí Văn hóa Huế). Tác phẩm được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Sở Khoa học và Công nghệ triển khai và xuất bản, gồm 5 hợp phần: Tự nhiên, Lịch sử, Dân cư – Hành chính, Kinh tế và Văn hóa.
TS Nguyễn Duy Tờ – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thuận Hóa – cho biết trong số 5 hợp phần này, văn hóa là lĩnh vực phức tạp nhất: “Đây là công trình đồ sộ gồm hơn 2.000 trang nên khi biên soạn, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Chủ nhiệm đề tài cũng như chủ biên đã luôn cố gắng và có trách nhiệm để hoàn thiện bộ ấn phẩm này”.
Đại diện Nhà xuất bản Thuận Hóa đánh giá đây là bộ sách có khối lượng tri thức lớn, cung cấp cho người dân hiểu biết sâu rộng về nền văn hóa mang tầm quốc gia của vùng đất có bề dày lịch sử trên cả nước. Vì thế, ngay sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế công bố đề án Tủ sách Huế, bộ sách đã trở thành ấn phẩm đầu tiên của tủ sách này.
Vị thế của sách chuyên khảo
Thị trường sách mỗi ngày một đa dạng. Những đầu sách mới thuộc nhiều thể loại liên tiếp được xuất bản nhằm phục vụ bạn đọc. Trong số đó, sách chuyên khảo ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được đánh giá “kén độc giả”.
Bà Hà Thị Hương Mai cho rằng học thuật, chuyên khảo là dòng sách chuyên sâu và không dễ đọc nên việc phát hành mảng sách này luôn là thách thức lớn đối với mọi đơn vị.
Chuyên khảo là dòng sách có giá trị và đóng góp quan trọng, lâu dài trong quá trình nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc.
Giám đốc MaiHaBooks Hà Thị Hương Mai
Tuy vậy, theo đại diện MaiHaBooks, đây là dòng sách có giá trị và đóng góp quan trọng, lâu dài trong quá trình nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc.
“Khi thực hiện ấn phẩm Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, các biên tập viên của chúng tôi luôn có sự phối kết hợp chặt chẽ với tác giả để vừa truyền tải được tác phẩm có hàm lượng khoa học cao, đồng thời đảm bảo được tính dễ tiếp cận bạn đọc”, bà Hương Mai nói.
PGS.TS Phạm Minh Phúc – Quyền giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội – cũng nhận định: “Đặc điểm của dòng sách chuyên khảo khiến không phải độc giả nào cũng quan tâm và có thể kiên trì đọc. Tuy nhiên, với chúng tôi, điều quan trọng nhất là cuốn sách đó có giá trị như thế nào đối với sự phát triển của khoa học và ứng dụng trong thực tiễn”.
Trước khi quyết định đưa Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX vào kế hoạch xuất bản, để chắc chắn về chất lượng khoa học, đơn vị của ông đã “kiểm tra toàn bộ hồ sơ có liên quan việc đánh giá chất lượng luận án ở các cấp, đồng thời trao đổi thường xuyên với tác giả để công trình không làm sai ý tác giả và tuân thủ các quy định của Luật Xuất bản”.
“Một cuốn sách như vậy, chỉ cần được một số độc giả, nhà hoạch định chính sách quan tâm, tiếp cận và đưa các ý tưởng vào triển khai trong thực tiễn đã là một điều đáng quý. Như thế, ấn phẩm đã có chỗ đứng đúng nghĩa của nó”, PGS.TS Phạm Minh Phúc nói thêm.