Súng, vi trùng và thép là công trình nổi bật của GS Jared Diamond. Cuốn sách được xuất bản tiếng Việt bởi Omega Plus và Nhà xuất bản Thế giới.
PGS.TS Lê Đình Chi (từng nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba khi chuyển ngữ công trình Lịch sử của Herodotus) là người quan tâm tới lĩnh vực sách lịch sử, nghiên cứu. Ông trò chuyện về bản tiếng Việt Súng, vi trùng và thép.
Sách Súng, vi trùng và thép. Ảnh: Việt Linh. |
Bài học cho nhân loại
– Gần hai năm qua, nhân loại chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Cuốn sách “Súng, vi trùng và thép” đưa ra kinh nghiệm, cảnh báo gì về dịch bệnh?
– Công trình của Jared Diamond nhắc lại bài học: Những yếu tố thiên nhiên, cụ thể do vi sinh vật gây ra, có thể tác động, thay đổi ghê gớm thế nào tới lịch sử loài người.
Ví dụ, cộng đồng bản địa từng sống trước thế kỷ 15 ở châu Mỹ đến giờ chỉ mang tính thiểu số. Phần lớn dân cư châu Mỹ hiện nay là hậu duệ thực dân di dân sang, những người lai di dân với cư dân bản địa. Việc cư dân bản địa gần như bị xóa sổ bởi dịch bệnh dẫn tới thiếu lao động trầm trọng, phải nhập khẩu nô lệ từ châu Phi. Kết quả, người châu Mỹ hiện nay có nguồn gốc “nhập khẩu” rất lớn.
Trí nhớ của chúng ta nhiều khi hơi ngắn. Loài người mới chỉ thoát khỏi cơn ác mộng các bệnh do vi sinh vật gây ra từ thế kỷ 20 với sự ra đời của kháng sinh. Hiện nay đã có tình trạng kháng kháng sinh, chúng ta không thể biết trong 100 năm nữa, những bệnh ta tưởng đơn giản liệu có trở thành cơn ác mộng không.
Với các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn, vũ khí quan trọng nhất là vaccine, nhưng không phải loại virus nào ta cũng có vaccine được. Bệnh do vi sinh vật gây ra luôn hiện hữu.
Tên sách Súng, vi trùng và thép (mà Jared Diamond chơi chữ) là những yếu tố chủ quan, khách quan tác động tới sự phát triển nhân loại vẫn có ý nghĩa trong tương lai. Chúng ta còn sống trong một thế giới đầy vi sinh vật thì không thể thoát mối nguy dịch bệnh do vi sinh vật gây ra.
– Vậy còn hai yếu tố “súng” và “thép” được nhắc tới trong tên sách, chúng có ý nghĩa như thế nào đối với lịch sử nhân loại?
– Súng và thép cùng nêu lên vai trò của tiến bộ khoa học công nghệ. Tiến bộ khoa học công nghệ dẫn tới hai khía cạnh: Bạo lực và phi bạo lực. Dù ở khía cạnh nào, ta vẫn có mẫu số chung: Dân tộc, quốc gia nào chiếm lợi thế về công nghệ, dân tộc, quốc gia đó sẽ làm chủ cuộc chơi.
Chiến tranh không phải lúc nào cũng có tiếng súng. Cạnh tranh về công nghệ, kiểm soát kinh tế dựa trên công nghệ sẽ giúp các quốc gia chiếm ưu thế trong cạnh tranh, củng cố vị trí trên bản đồ thế giới.
– Ông đánh giá như thế nào về sách “Súng, vi trùng và thép”?
– Đây là một cuốn sách thú vị. Nó đủ chiều sâu về mặt chuyên môn, cách tiếp cận rộng về lịch sử tiến hóa của loài người. Tác giả vừa sử dụng các bằng chứng khảo cổ vừa tiếp cận những bằng chứng sống trên thực địa khi ông trải qua thời gian sống cùng bộ lạc bản xứ.
Tìm hiểu các bậc thang tiến hóa văn minh khác nhau của loài người, ông điền vào đó những bằng chứng khảo cổ, để đưa ra kết luận của mình: Ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên và công nghệ đã tổng hòa lại với nhau tạo thành con đường phát triển của loài người. Nó được cô đọng lại trong chính tên gọi của sách: Súng, vi trùng và thép.
Những tác động tự nhiên như vi trùng cùng yếu tố chủ quan như tiến bộ công nghệ xảy ra ở các vùng địa lý khác nhau dẫn đến việc các nền văn minh phát triển không đồng đều. Ví dụ châu Phi là cái nôi của văn minh loài người, đi trước nhưng lại về sau.
Trong cuốn sách này, tác giả lý giải, bình luận dựa trên số liệu thực tế thu thập được. Ông không chốt lại điều gì nặng nề, mà để khoảng trống để người đọc thông qua những số liệu ấy tự đưa ra kết luận của mình.
PGS.TS Lê Đình Chi (giữa) nhận giải A tại Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba năm 2020. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Cung cấp kiến thức sâu tới độc giả đại chúng
– Đã có nhiều sách về lịch sử văn minh nhân loại. Đâu là điểm đặc sắc trong công trình của Jared Diamond?
– Tác giả nhìn nhận và chỉ ra những yếu tố có vai trò nổi bật cho quá trình tiến hóa, nhưng ông không tuyệt đối hóa một yếu tố nào. Ông chỉ ra có những yếu tố mang tính quyết định, nhưng không tách rời khỏi yếu tố khác.
Sách có cách tiếp cận vừa dễ hiểu cho đại chúng vừa có tính khoa học, nó đủ độ sâu để cung cấp kiến thức tới những ai quan tâm đến lịch sử loài người, muốn tìm hiểu lịch sử loài người. Thậm chí, những người không quan tâm sâu, chỉ tò mò một chút thôi cũng có thể tiếp cận và hiểu công trình này.
– Đối với công trình này, ông đánh giá cao về kiến thức hay phương pháp luận?
– Nếu đọc những bài nghiên cứu ở tạp chí chuyên ngành về cùng vấn đề mà Jared Diamond nêu, ta sẽ khó tiếp nhận bởi tính chuyên sâu. Điểm thú vị ở Diamond là từ dữ liệu thô, ông đã chọn ra những gì đủ tiêu biểu, đủ dễ hiểu để truyền đạt trung thực vấn đề. Ông diễn đạt kiến thức khoa học chuyên sâu đó ở mức độ dễ tiếp nhận nhất.
Với các nhà nghiên cứu truyền thống, phạm vi ảnh hưởng của họ rất sâu trong giới; nhưng họ khó lan tỏa nghiên cứu của mình tới đông đảo công chúng. Chính vì thế những tác giả vừa hàn lâm vừa hướng tới công chúng như Jared Diamond có vị trí rất quan trọng.
– Ông đánh giá như thế nào về việc tác phẩm được dịch và xuất bản ở Việt Nam?
– Đây là cơ may tuyệt vời cho bạn đọc Việt Nam. Tôi nghĩ với sự mở rộng của thị trường xuất bản, việc tiếp cận những đầu sách đã khẳng định được uy tín trên thế giới là cơ hội để chúng ta có sự “toàn cầu hóa” về kho tàng tri thức.
Bạn đọc Việt tiếp cận cập nhật hơn, kịp thời hơn với những nghiên cứu mới nhất (không chỉ riêng công trình của Jared Diamond). Đây có thể coi là thành tựu nho nhỏ của lĩnh vực xuất bản Việt Nam góp phần vào sự phát triển văn hóa nói chung, văn hóa đọc nói riêng.
– Là dịch giả từng nhận Giải thưởng Sách quốc gia, ông đánh giá thế nào về bản dịch “Súng, vi trùng và thép”?
– Dịch một công trình trải trên diện rộng không gian, thời gian, bao quát nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu, người dịch cần dụng công. Theo tôi, dịch giả của Súng, vi trùng và thép đã rất có trách nhiệm, nghiêm túc, dụng công trong việc tìm hiểu, khảo sát để chuẩn bị cho mình kiến thức nền tảng, ngôn ngữ khi chuyển tải công trình này sang tiếng Việt.