Tại Trung Quốc, Nhật Bản, học sinh phải cạnh tranh gay gắt để vào đại học, đặc biệt các trường hàng đầu. Ở hai nước này, học sinh không phải thi tốt nghiệp hoặc kỳ thi tốt nghiệp rất đơn giản.
Trong khi đó, ở Mỹ, nhiều năm nay, các chuyên gia giáo dục, dư luận vẫn tranh cãi về việc nên hay không duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh ở Trung Quốc dự thi gaokao để tuyển sinh đại học, không nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT. Ảnh: VCG. |
Học sinh Trung Quốc thi tốt nghiệp tùy địa phương
Trung Quốc nổi tiếng với kỳ thi gaokao khắc nghiệt bậc nhất thế giới. Kỳ thi này phục vụ cho mục đích xét tuyển đại học và để có thể tham dự, học sinh phải tốt nghiệp THPT.
Nước này có hai kiểu bài thi tốt nghiệp, gồm bài thi Tốt nghiệp chung (huikao) hoặc làm bài Kiểm tra Năng lực Học thuật (Academic Proficiency Test – APT).
Theo World Education News + Reviews, cả huikao và APT đều dựa trên chương trình quốc gia do Bộ GD&ĐT Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, kỳ thi cụ thể do sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý và lên kế hoạch xây dựng.
Các tỉnh có hình thức, nội dung thi tốt nghiệp khác nhau. Học sinh thi huikao hay APT để tốt nghiệp THPT tùy thuộc nơi các em có đăng ký hộ khẩu hoặc thường trú.
Ngoài ra, học sinh cũng không cần chờ đến khi học xong chương trình lớp 12 mới dự thi. Các em có thể bắt đầu thi từng môn vào học kỳ II năm lớp 10, miễn là đã hoàn thành tín chỉ bắt buộc của môn học đó.
Thực tế, nhiều người quen dùng từ “huikao” cho cả hai loại bài thi dù chúng có những điểm khác nhau.
Huikao được triển khai từ năm 1993. Thí sinh thi tất cả môn trong chương trình học. Kết quả thi không liên quan tuyển sinh đại học.
APT được tổ chức lần đầu vào năm 2005, tại tỉnh Giang Tô. Sau đó, các tỉnh, thành khác cũng áp dụng kỳ thi này để xét tốt nghiệp THPT. Khác với huikao, APT có ít môn thi hơn nhằm phù hợp chương trình cải cách năm 2014.
Kết quả kỳ thi này (phần nâng cao) ở một số tỉnh, thành như Thượng Hải còn được sử dụng để xét tuyển đại học cùng gaokao.
Cụ thể, từ năm 2016, bên cạnh phần cơ bản để xét tốt nghiệp, Thượng Hải có thêm phần nâng cao.
Ở phần cơ bản, học sinh có thể đăng ký thi từng môn khi học lớp 10, 11 hay 12, trừ môn Toán, Trung văn, Ngoại ngữ phải thi vào học kỳ I lớp 12. Điểm của bài thi cơ bản được chấm theo “Đạt” hoặc “Không đạt”. Thí sinh có thể thi lại một lần nếu lần đầu trượt.
Trong khi đó, để có thể đăng ký thi nâng cao, thí sinh ở Thượng Hải phải vượt qua bài thi cơ bản, thí sinh ở khu vực khác phải đỗ trong kỳ thi huikao của địa phương đó.
Học sinh chọn thi 3 trong số 6 môn (Khoa học Chính trị, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Khoa học Đời sống). Điểm bài thi được chấm cao nhất là A+, thấp nhất là E và có giá trị xét tuyển trong 2 năm.
Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trung Quốc không khó và ít được chú ý. Tỷ lệ tốt nghiệp của nước này cũng đạt trên 90%. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh đại học (gaokao) lại nhận được sự chú ý gần như của toàn dân. Nó được coi như yếu tố quyết định tương lai của một người. Kỳ thi này dành cho thí sinh đã tốt nghiệp THPT và từ 2001, không quy định tuổi của thí sinh.
Đây là kỳ thi quốc gia nhưng một số tỉnh, thành có thể ra đề thi riêng. Thời lượng làm bài kéo dài 9 tiếng, có thể rơi vào 2 hoặc 3 ngày tùy địa phương, bắt đầu từ ngày 8/7.
Ngoài 3 môn bắt buộc (Toán, Trung văn, Ngoại ngữ), thí sinh chọn thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Điểm tối đa cho bài thi là 750 điểm.
Học sinh Nhật Bản chỉ thi tuyển sinh đại học, không thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Japan Times. |
Học sinh Nhật Bản không thi tốt nghiệp
Tại Nhật Bản, học sinh không phải dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, các trường căn cứ kết quả học tập để xét tốt nghiệp cho học sinh.
Những ai muốn học tiếp lên đại học sẽ tham dự kỳ thi do Trung tâm Tuyển sinh Đại học Quốc gia tổ chức. Kết quả này được dùng để xét tuyển hoặc là điều kiện để thí sinh vượt qua vòng sơ tuyển, tiếp tục dự kỳ thi riêng của các trường (thường là đại học danh tiếng) tổ chức.
Theo Japanistry, kỳ thi thường được tổ chức vào hai ngày cuối tuần giữa tháng một với 29 bài thi riêng cho 6 môn. Các trường đại học sẽ yêu cầu những bài thi khác nhau khi tuyển sinh. Do đó, thí sinh phải xác định rõ chiến lược khi đăng ký dự thi và xét tuyển.
Lẽ ra, năm 2020, kỳ thi có sự thay đổi ở môn Tiếng Anh hay có thêm phần tự luận môn Quốc ngữ và Toán. Tuy nhiên, kế hoạch này được hoãn lại.
Japan Times cho hay trong kỳ thi năm 2021, đề thi vẫn bao gồm phần trắc nghiệm nhưng chú trọng hơn vào tư duy phản biện. Điểm cho phần Nghe ở môn Tiếng Anh tăng so với đề thi được áp dụng 31 năm qua.
Kỳ thi còn được tổ chức thêm hai đợt vào ngày 30-31/1 và 13-14/2 cho những thí sinh chưa thể thi đợt 1 với lý do sức khỏe hoặc dịch bệnh.
Về môn thi, thứ bảy là ngày thi cho các môn Địa lý, Lịch sử, Công dân, Ngữ văn và Ngoại ngữ, trong khi Toán, Khoa học được thi vào chủ nhật. Thí sinh chọn các bài thi cần thiết cho tuyển sinh vào trường mình hướng tới nhưng không được chọn hai bài cùng môn thi (ví dụ, chọn Lịch sử thế giới A thì không được chọn Lịch sử thế giới B).
11 bang ở Mỹ còn duy trì thi tốt nghiệp, 18 bang bỏ kỳ thi trong khi những bang còn lại chưa từng tổ chức kỳ thi này. Ảnh: Fair Test. |
Mỹ có xu hướng bỏ kỳ thi tốt nghiệp
Giáo dục ở Mỹ có sự khác biệt giữa các bang cả về chương trình học lẫn cách thức, yêu cầu để học sinh có thể nhận bằng tốt nghiệp trung học.
Việc bỏ hay duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT là cuộc tranh cãi dài kỳ ở Mỹ. Nhiều người ủng hộ việc tổ chức thi trong khi không ít người cho rằng đây là sự cản trở không cần thiết như giảm tỷ lệ tốt nghiệp, tăng tỷ lệ bỏ học…
“Kỳ thi này là sự ràng buộc bởi điểm số với tấm bằng tốt nghiệp THPT. Nó loại bỏ những học sinh thi trượt khỏi môi trường giáo dục, đẩy các em ra đường, vào nhà tù hay rơi vào đường cùng”, chuyên gia giáo dục Stan Karp viết trong một bài đăng trên Washington Post.
Thực tế, số lượng bang áp dụng quy định học sinh phải dự thi tốt nghiệp để nhận bằng đang giảm dần qua các năm. Đạo luật Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau (No Child Left Behind), có hiệu lực vào năm 2001, đã khiến số lượng bang áp dụng thi cử để xét tốt nghiệp lên đến 27 bang.
Sau đó, với xu hướng phản đối thi cử ngày càng tăng, con số này giảm xuống 13 bang năm 2017. Một số bang như California, Georgia, South Carolina, Arizona không chỉ bỏ thi tốt nghiệp THPT mà còn xét cấp bằng cho những thí sinh đã thi trượt trong kỳ thi các năm trước. Đến năm 2020, Mỹ còn 11 bang vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Ở những bang không tổ chức thi tốt nghiệp, học sinh sẽ nhận bằng nếu hoàn thành các yêu cầu do bang quy định cho các môn Tiếng Anh, Toán, Nghiên cứu xã hội, Khoa học, Sức khỏe/Thể dục, Nghệ thuật, Ngoại ngữ, môn tự chọn và các yêu cầu khác.
Ngoài ra, do ở Mỹ chấp nhận mô hình homeschooling, những học sinh không đến trường vẫn có thể dự kỳ thi GED để lấy chứng nhận tương đương với bằng trung học. Họ sẽ thi 4 môn, gồm Toán, Khoa học, Nghiên cứu xã hội, Nghệ thuật Ngôn ngữ.
Hơn 98% đại học, cao đẳng ở Mỹ chấp nhận chứng nhận GED. Người học cũng có thể sử dụng nó để xin việc nếu không học lên. Ngoài ra, ở Mỹ, nhiều trường cao đẳng cũng không yêu cầu sinh viên phải có bằng trung học hay GED.
Tuy nhiên, để học lên đại học, nhiều học sinh lựa chọn tham dự một trong hai kỳ thi chuẩn hóa là SAT hoặc ACT để lấy điểm làm một trong những căn cứ cho trường xét tuyển.
Điểm số chiếm một phần. Ngoài ra, thí sinh còn phải thuyết phục ban tuyển sinh bằng thành tích học tập, hoạt động xã hội, năng khiếu thể thao, nghệ thuật hoặc bài luận.