Đại dịch bùng phát khiến hầu hết cửa hàng thuộc hệ thống Công ty Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) phải đóng cửa. Doanh thu từ các cửa hàng bán lẻ đã và đang sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Phạm Nam Thắng – Quyền Tổng giám đốc Fahasa – chia sẻ tình hình hoạt động hiện tại của công ty, đồng thời đề xuất một số chính sách giúp vượt khó khăn.
Thời điểm khó khăn nhất trong quá trình kinh doanh
– Covid-19 tác động như thế nào tới hoạt động kinh doanh của Fahasa?
– Đầu 2020, đại dịch diễn ra, hầu hết nhà sách truyền thống của Fahasa đóng cửa. Doanh thu nhà sách tháng 4 và 5/2020 gần như về 0.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, chúng tôi chứng kiến sự bùng nổ về doanh thu ở kênh thương mại điện tử, dù không thể bù đắp hoàn toàn cho hệ thống.
Hiện nay, Fahasa rơi vào thời điểm khó khăn nhất trong quá trình kinh doanh từ trước đến giờ, các nhà sách của chúng tôi đóng cửa gần hết trong một thời gian rất dài.
Sách cũng không được coi là mặt hàng thiết yếu, nên thương mại điện tử cũng hoạt động rất hạn chế. Doanh thu chỉ bằng 30%-40% so với trước đây, ảnh hưởng rất lớn thu nhập của 2.500 cán bộ nhân viên Fahasa.
– Hệ thống nhà sách Fahasa hoạt động ra sao trong đại dịch, nhất là từ khi Covid-19 bùng phát lần thứ tư?
– Đầu năm 2020, khi đại dịch diễn ra, chúng tôi chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội của kênh thương mại điện tử. Từ thời điểm đó, chúng tôi đã không ngừng đầu tư cho thương mại điện tử, vì nhìn thấy triển vọng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này trong giai đoạn dịch bệnh, cũng như giai đoạn bình thường mới về sau.
Vào tháng sáu, khi Covid-19 bùng phát đợt thứ tư, hệ thống nhà sách truyền thống và trường học đều đóng cửa tại nhiều nơi trên khắp cả nước, nhưng kế hoạch khai giảng vẫn dự kiến vào đầu tháng chín. Điều này khiến việc chuẩn bị cho năm học mới trở thành một vấn đề nan giải của các bậc phụ huynh.
Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp mang sách giáo khoa và dụng cụ học tập đến với học sinh trước thềm năm học mới là một vấn đề thực sự cấp thiết.
Thấu hiểu được điều này, chúng tôi thực hiện chương trình “Cùng Fahasa khởi động năm học mới”. Mục tiêu là mang sách giáo khoa và đồ dùng học tập đến từng nhà học sinh trên khắp cả nước.
Chúng tôi đang sở hữu nguồn hàng sách giáo khoa, giáo trình Anh văn, sách tham khảo và đồ dùng học tập lớn, phong phú tại kho và hệ thống 120 nhà sách trên khắp cả nước.
Cùng 6 năm kinh nghiệm trong vận hành thương mại điện tử, Fahasa giúp cung ứng các vật dụng thiết yếu nhất cho mùa tựu trường này đến tận tay phụ huynh học sinh trong thời gian sớm, với giá phù hợp.
Ông Phạm Nam Thắng – Quyền Tổng giám đốc Fahasa. Ảnh: NVCC. |
– Trong khó khăn chung hiện nay, Fahasa đề xuất chính sách gì để giảm bớt gánh nặng, vượt qua đại dịch?
– Hiện nay, mọi ngành nghề đều gặp khó khăn. Chúng tôi cũng như một số đơn vị xuất bản, phát hành mong muốn được hỗ trợ chính sách phù hợp về thuế.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn đề xuất sách là ngành hàng thiết yếu, để cải thiện chính sách di chuyển hàng hóa giữa các địa phương và trong thành phố. Điều này sẽ giúp học sinh có sách giáo khoa kịp thời trong năm học mới, người dân có món ăn tinh thần, trau dồi kiến thức trong thời gian rảnh rỗi mùa giãn cách.
Hiện nay, các đơn hàng mua trực tuyến trên trang thương mại điện tử Fahasa ngày càng tăng cao, chứng tỏ nhu cầu của các bậc phụ huynh và độc giả đối với mặt hàng sách và văn phòng phẩm là rất lớn.
Tuy nhiên, do hạn chế về chính sách giao nhận để phòng ngừa Covid-19, nên thời gian giao hàng rất lâu, chi phí doanh nghiệp phải chịu là rất lớn.
Vì thế, theo suy nghĩ của tôi, nếu chúng ta có quy trình giao nhận rõ ràng, không tiếp xúc thì sẽ khắc phục và xử lý được hoàn toàn vấn đề này, hạn chế việc lây nhiễm, và vẫn đảm bảo hàng hoá lưu thông ổn định.
Tôi nghĩ cũng cần có chính sách cải tiến quy trình giao nhận, cung ứng hàng hóa Bắc – Nam, giúp hàng hoá được lưu thông dễ dàng hơn, vì thương mại điện tử là cửa thoát duy nhất lúc này cho rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ.
Cải tiến quy trình nhằm đưa sách đến tay bạn đọc
– Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách chọn giải pháp thương mại điện tử. Tình hình kinh doanh trực tuyến của Fahasa ra sao trong thời gian đại dịch?
– Thương mại điện tử chiếm trên 50% doanh thu bán lẻ. Chúng tôi còn mảng bán sỉ sách trực tiếp cho nhà trường.
Trong thời gian dịch bệnh, vì hạn chế mua bán trực tiếp nên thương mại điện tử của chúng tôi phát triển vượt bậc. Doanh thu thương mại điện tử 2021 dự kiến tăng gấp 3 lần so với năm 2019 – năm trước đại dịch.
Chúng tôi cũng như một số đơn vị xuất bản, phát hành mong muốn được hỗ trợ chính sách phù hợp về thuế, vận chuyển.
Ông Phạm Nam Thắng
Mảng bán sách trực tuyến được chúng tôi chú trọng 5 năm nay, luôn cải tiến quy trình vận hành tại kho, áp dụng công nghệ mới nhằm đem hàng hoá đến tay độc giả nhanh nhất.
Hiện nay, do giãn cách xã hội kéo dài, việc giao hàng liên tỉnh diễn ra rất khó khăn và chậm trễ. Nhằm tối ưu hoá thời gian giao hàng, chúng tôi đã hoàn thiện hệ thống tự động kiểm tra đơn hàng ở địa phương.
Chúng tôi đẩy mạnh công nghệ, thiên về cơ giới hóa, tự động hóa, băng chuyền hiểu đơn hàng của mình đi khu vực nào thì tự đẩy hàng đến khu vực đó của kho vận chuyển.
– Trong tình thế đóng cửa kéo dài, đời sống của nhân viên Fahasa ra sao?
– Mặc dù có nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn có dự án xuyên suốt, cung ứng vận hành sách giáo khoa đến học sinh, nên nhân viên vẫn làm việc.
Hệ thống thương mại điện tử phân đơn hàng đặt sách trên web đến nhà sách ở từng địa phương. Nhân viên ở nhà sách các vùng miền vẫn vào nhà sách để xử lý đơn hàng, vận chuyển cho khách.
Quy trình xử lý công việc của chúng tôi diễn ra hoàn toàn trên mạng, nhân viên vẫn xử lý công việc mà không cần đến văn phòng.
Đến nay, chúng tôi cố gắng duy trì hoạt động, để tất cả nhân viên đều có lương và việc làm. Nhân viên ở nhà sách không may ở khu phong tỏa, không làm việc được, chúng tôi có chính sách hỗ trợ trả lương một phần.