Nền kinh tế của các quốc gia châu Âu chịu tác động tiêu cực trong đại dịch, ngành xuất bản cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó. Không chỉ sụt giảm về mặt doanh thu, nhiều đơn vị phải giảm bớt quy mô kinh doanh, thậm chí phá sản.
Nhằm vực dậy ngành xuất bản, giữ vững trụ cột văn hóa, nhiều chính phủ đã tung hàng loạt gói cứu trợ kinh tế, đồng thời ra thêm biện pháp tình thế cho phép hoãn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp xuất bản chịu tổn thất nặng nề.
Hoãn và miễn giảm thuế
Italy là quốc gia ở châu Âu hứng chịu làn sóng đầu tiên của cơn khủng hoảng Covid-19. Các ngành kinh doanh thuộc “vùng đỏ” của quốc gia này lâm nguy khi chính sách phong tỏa kéo dài. Hoạt động của các nhà xuất bản, phát hành sách tại đây gần như tê liệt nhiều tháng trời.
Chính phủ Italy đã phải khẩn cấp đưa ra nhiều biện pháp tình thế nhằm giảm áp lực cho ngành xuất bản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo thông tin tổng hợp của Hiệp hội Nhà xuất bản Italy (AIE), bước đầu tiên là việc chính phủ đồng ý việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các cá nhân, doanh nghiệp cư trú tại “vùng đỏ” mà không bị phạt hoặc chịu lãi suất.
Trong thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất (từ 8/3/2020-31/5/2020), các doanh nghiệp bao gồm ngành xuất bản được giảm hoặc miễn thực hiện nghĩa vụ thuế, tùy mức độ thiệt hại phải chịu khi diễn ra đại dịch.
Ngành sách tại nhiều quốc gia châu Âu được miễn, giảm thuế. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh khủng hoảng y tế lan rộng tại Pháp, hầu hết hoạt động của các nhà xuất bản phải tạm ngừng. Theo cổng thông tin chính phủ Pháp, ngay từ sớm, quốc gia này đã lên kế hoạch để hỗ trợ ngành sách.
Bộ kinh tế Pháp đưa ra nhiều giải pháp nhằm cứu nguy, đồng thời giải quyết vấn đề về dòng tiền, thanh toán thuế cho các đơn vị hoạt động trong ngành xuất bản. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thanh toán thuế vào những tháng cao điểm vì dịch sẽ được hoãn mà không phải chịu bất kỳ khoản phạt hay lãi suất nào.
Những doanh nghiệp xuất bản rơi vào tình trạng đóng băng, tê liệt vì siết chặt tình trạng khẩn cấp, có thể làm đơn xin được giảm thuế trong khoảng thời gian này.
Ngoài ra, nếu tình trạng khó khăn kéo dài, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách cũng có thể yêu cầu được miễn một số loại thuế như thuế doanh nghiệp, thuế an sinh xã hội và thuế đóng góp kinh tế lãnh thổ với định mức từ 1.500 euro.
Các biện pháp này phụ thuộc vào mức độ, tình hình khó khăn tài chính của các doanh nghiệp nói chung và nhà xuất bản nói riêng. Đặc biệt, các doanh nghiệp tại Pháp cũng được hưởng lợi khi Bộ Tài chính nước này tăng ngưỡng doanh thu chịu 15% thuế thu nhập từ 7,63 triệu euro lên 10 triệu euro.
Vùng kinh tế Normandy (thuộc Pháp) cũng áp dụng nhiều hình thức hoãn hoặc miễn giảm thuế riêng biệt đối với điều kiện của từng doanh nghiệp xuất bản.
Theo đó, các nhà xuất bản được Pháp hoãn đóng thuế trong thời gian dịch bệnh diễn biến mạnh. Một số đơn vị thuộc ngành sách được cơ quan thuế tại đây đánh giá mức độ ảnh hưởng mà sẽ được giảm hoặc miễn một số loại thuế trong thời gian nhất định.
Các hiệu sách độc lập được ưu tiên miễn, giảm thuế trong thời kỳ đại dịch tại Pháp. Ảnh: The Guardian. |
Tại Vương quốc Anh, cơn khủng hoảng Covid-19 trầm trọng đã thúc đẩy nhanh việc miễn thuế đối với toàn bộ ấn bản sách điện tử.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh quốc Rishi Sunak cho biết việc bỏ thuế VAT cho các ấn bản sách điện tử sẽ giúp nhà xuất bản có sự thúc đẩy rất cần thiết về dòng tiền. Doanh thu này có thể được tái đầu tư vào công nghệ, cho phép các nhà xuất bản tập trung việc nâng cao chất lượng trải nghiệm người dùng.
Ngoài ra, chính sách giảm thuế VAT cho nhóm ngành hàng sách cũng được các quốc gia châu Âu đặc biệt xem trọng. Đây là biện pháp vừa nhằm thu hút khách hàng, đồng thời giảm áp lực về việc xoay dòng tiền cho các doanh nghiệp xuất bản.
Từ ngày 1/7/2020, Áo tạm thời áp dụng thuế suất VAT mới thấp hơn 5% đối với sách và sách điện tử. Tại Đức, chính phủ nước này cũng chấp thuận đề xuất của Bộ Tài chính giảm thuế suất VAT từ 7% xuống 5% đối với ngành hàng sách.
Tại Bulgaria, việc giảm thuế VAT từ 20% xuống 9% được áp dụng từ ngày 1/7/2020 đến hết năm 2021 và áp dụng cho cả sách giấy, sách điện tử và sách nói. Biện pháp này đặc biệt có ý nghĩa vì Bulgaria là một trong hai quốc gia châu Âu chưa bao giờ áp dụng giảm thuế VAT đối với sách.
Các gói cứu trợ
Bên cạnh chính sách về thuế quan, chính phủ của các quốc gia châu Âu cũng không ngần ngại thúc đẩy hàng loạt gói cứu trợ nhằm giúp ngành sách khôi phục.
Pháp là quốc gia nổi tiếng về văn hóa, kể từ khi đại dịch bắt đầu tấn công, chính phủ nước này đã chi hơn 230 triệu euro ủng hộ ngành sách thông qua sự quản lý của Trung tâm Sách quốc gia (CNL – Centre National du Livre)
Trong đó, vì thuộc nhóm S1 (lĩnh vực du lịch, sự kiện, văn hóa, xuất bản và thể thao), ngành xuất bản nhận được hỗ trợ đặc thù. Với các nhà xuất bản chịu mức lỗ hơn 50% doanh thu sẽ nhận được viện trợ để bù đắp vào thâm hụt trong giới hạn từ 10.000 euro đến 200.000 euro, dựa trên doanh thu trước đó.
CNL phân bổ khoản viện trợ khẩn cấp ban đầu cho các tác giả, nhà sách và nhà xuất bản bao gồm: 2 triệu euro viện trợ cho các tác giả, 5 triệu euro cho các nhà xuất bản nhỏ, 1 triệu euro cho các hiệu sách nói tiếng Pháp ở nước ngoài. Tháng 6/2020, CNL thành lập quỹ cứu trợ trị giá 25 triệu euro đã nhằm hỗ trợ các hiệu sách độc lập.
Ngoài quỹ này, 12 triệu euro (trải dài trong năm 2020 và 2021) được dành để hỗ trợ khoản đầu tư của các đơn vị xuất bản, phát hành sách vào việc chuyển đổi số, hiện đại hóa thiết bị công nghệ và phát triển các trang web thương mại điện tử.
Vào tháng 9/2020, chính phủ Pháp đã công bố một kế hoạch mới để khởi động lại lĩnh vực này với số tiền viện trợ lên đến 60 triệu euro.
Nhiều gói cứu trợ được các chính phủ dùng để vực dậy ngành xuất bản. Ảnh: Telegraph. |
Riêng tại Đức, Bộ Tài chính kết hợp cùng Bộ Văn hóa nước này đã khởi động chương trình NEUSTART KULTUR với số tiền lên đến 1 tỷ euro để khôi phục và phát triển văn hóa.
Hiện, ngành sách tại đây được chi khoảng 30 triệu euro để giải cứu và phục hồi sau đại dịch cho các tác giả, nhà xuất bản, đơn vị kinh doanh độc lập và các sự kiện văn học.
Chưa kể, các nhà xuất bản có thể xin trợ cấp in ấn và sản xuất cho sách mới, sách nói và sách điện tử đã bị tạm ngưng xuất bản hoặc hủy bỏ kế hoạch phát hành vì đại dịch. Ngoài ra, các đơn vị vừa và nhỏ cũng được tài trợ một phần kinh phí để số hóa các kênh bán hàng.
Ở nhiều quốc gia châu Âu khác như Tây Ban Nha, Italy, Áo, Bồ Đào Nha, Hà Lan, chính phủ các nước cũng có nhiều gói viện trợ hàng triệu euro để giúp ngành xuất bản khôi phục sau đại dịch.
Đó là chưa kể, các hiệp hội xuất bản, hiệp hội sách của các nước tại lục địa già cũng tìm kiếm các biện pháp nhằm thúc đẩy khôi phục lại ngành. Nhiều sáng kiến về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ được ưu tiên để các đơn vị xuất bản có kế hoạch dự trù cho những tình huống bất khả kháng có thể diễn ra trong tương lai.