Từ nhỏ, tôi đã được ông bà kể cho nghe câu chuyện cười dân gian tên là “Tái Ông thất mã”. Có lẽ do tuổi còn nhỏ, chưa trải sự đời nhiều, tôi chỉ cười ha ha vì cấu trúc lặp thú vị của câu chuyện chứ chẳng hiểu ý nghĩa sâu xa của nó.
Nhưng bây giờ, khi đã đi qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, nhất là khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, tôi mới thấm thía được bài học của người xưa truyền lại.
Chuyện kể rằng có một ông lão kia sinh sống gần biên ải (tức Tái Ông). Nhà ông nuôi một con ngựa quý. Một hôm, con ngựa tự nhiên lại đi vào đất bắc rồi mất hút. Những người quen biết đến nhà hỏi thăm, ông nói với họ: “Mất ngựa biết đâu lại là điềm may”.
Quả nhiên, mấy hôm sau con ngựa nọ trở về, lại “rủ” thêm mấy con tuấn mã nữa đi cùng. […]
Sách Giữa muôn trùng nguy khó vẫn có nhiều lối ra. Ảnh: N.K. |
Cuộc đời luôn có nhiều thử thách có thể bất ngờ ập đến, và dịch bệnh chỉ là một trong những khó khăn xảy ra gần đây nên tôi xin lấy dịch bệnh làm ví dụ minh chứng cho độc giả dễ cảm nhận.
Dù tác động của những thử thách này lớn hay nhỏ, trực tiếp hay gián tiếp, chắc chắn chúng đều sẽ khiến đời sống của chúng ta bị xáo trộn. Thậm chí có người còn bị suy sụp về vật chất lẫn tinh thần, làm sụp đổ niềm tin và đánh mất nhiều cơ hội tốt.
Vì thế, không nhất thiết phải đợi đến khi dịch bệnh xảy ra thì chúng ta mới cần nhớ lại câu chuyện Tái Ông, mà ta nên ngẫm nghĩ nhiều hơn vào bất kỳ khoảnh khắc khó khăn nào của cuộc sống.
Hãy tự nhắc mình luôn noi theo bài học cổ nhân xưa truyền lại, có như vậy bạn mới không cảm thấy bấp bênh, hoang mang đến lạc lối. Tuy nhiên, việc giữ thái độ bình tĩnh để nhìn thấy được họa trong phúc, phúc trong họa ngay khi gặp chuyện giống như Tái Ông quả thật rất khó.
Vì các dấu hiệu thường rất nhỏ bé, giống như dấu chấm tròn trắng đen trong bản đồ bát quái, mà cảm xúc lại che mắt và chi phối khiến lý trí không còn đủ tỉnh táo nhìn ra điều gì nữa.
Nói đến đây, tôi chợt nhớ thêm câu chuyện nửa ly nước, người bi quan sẽ buồn bã thở dài “ôi, chỉ còn chừng này thôi sao”, còn người lạc quan thì hồ hởi bởi “còn đến tận nửa ly nước”.
Nhưng dù có bi quan hay lạc quan thì sau đó chúng ta vẫn phải đối mặt với câu hỏi quan trọng nhất, là mình sẽ làm gì với phần nước này. Bạn sẽ chọn uống cái ực để giải cơn khát tức thời hay cho vào ngăn đá đông lạnh để giữ nước được lâu hơn?
Riêng tôi, tôi sẽ chọn phương án khác, đó là uống một ngụm lấy sức để… quên đi ly nước cũ và nghĩ cách làm sao có thêm một ly nước đầy mới.
Chẳng hạn, trong mùa Covid-19, khi công việc chính bị đình trệ, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ được giao để nhận lương cơ bản, đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống thì tôi sẽ tìm thêm công việc khác làm để kiếm thêm thu nhập, đắp vào khoản hao hụt. […]
Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian nhàn rỗi dành cho bản thân sẽ tăng lên, nếu tôi không tận dụng nó một cách hiệu quả thì thật lãng phí.
Tác giả Nam Kha. Ảnh: Q.M. |
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh vừa qua, tôi biết có rất nhiều người kém may mắn đã bị cắt thời gian làm việc, bị thuyên chuyển sang công việc có mức lương thấp hơn, thậm chí là bị đuổi việc…
Nên ở khía cạnh nào đó, việc giữ được mức thu nhập hàng tháng không bị xuống dốc quá mức có thể được xem là thành công. Nhưng bạn khoan hãy trầm trồ khen ngợi, vì tôi chỉ là hạt cát so với một vị tỷ phú người Trung Quốc thôi.
Đúng rồi đó, người tôi nhắc đến chính là tỷ phú Jack Ma – nhà sáng lập tập đoàn Alibaba nổi tiếng thế giới. Khi dịch SARS bùng nổ vào năm 2003, một nhân viên công ty Alibaba nhiễm bệnh khiến tất cả nhân viên và cả chủ tịch Jack Ma bị cách ly.
Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và hoạt động của công ty. Trong lúc nguy khó, Jack Ma đã nảy ra sáng kiến làm việc trực tuyến để đảm bảo mọi thứ có thể vận hành theo quỹ đạo bình thường.
Nhận thấy hiệu quả vượt ngoài mong đợi nên ông cho chuyển đổi luôn mô hình hoạt động và lập ra sàn giao dịch điện tử taobao.com. Tưởng chừng nắm chắc chìa khoá thành công trong tay nhưng Jack Ma lại một lần nữa rơi vào tình huống khó khăn, ý tưởng của ông không nhận được sự đồng thuận của hội đồng quản trị vì họ cho rằng việc này không khả thi.
Quyết không bỏ cuộc, Jack Ma đã âm thầm lập nhóm nghiên cứu và tiến hành biến kế hoạch trên giấy thành hiện thực, nhờ vậy mới hái được trái ngọt như ngày hôm nay, khiến nhiều người phải thật sự trầm trồ và ngưỡng mộ. Nhiều người trên mạng khi ấy nhận định rằng: “Nếu không nhờ có SARS thì sẽ không có taobao.com.”
Điều này không hẳn là chân lý nhưng nó vẫn mang một ý nghĩa giá trị, đó là nguy khó không hẳn lúc nào cũng là dấu chấm hết mà đôi khi trở thành động lực thúc đẩy chúng ta vươn lên, vượt qua những giới hạn an toàn bình thường để làm nên một điều gì đó táo bạo hơn.
Có thể nó không đem lại kết quả tốt như mình tưởng nhưng chí ít là bạn đã dám nghĩ và dám làm, còn hơn là ngồi nhìn thành quả của người khác rồi thèm thuồng, xuýt xoa hết tháng hết ngày.
Sau khi trải qua thất bại, tôi tin mỗi người sẽ có thêm cho mình được bài học kinh nghiệm để không phạm phải sai lầm trong lần tới, con đường bạn đi cũng dần trở nên bằng phẳng hơn.
Nhưng muốn đạt được điều đó, bước đầu tiên chúng ta cần làm là nhìn thấy trong nguy có cơ để không quá bi quan và buồn khổ, thấy trong cơ có nguy để lên phương án B thay thế khi cần thiết.
Bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống rồi cũng sẽ qua đi, nhưng dư âm của nó chắc chắn còn kéo dài, nên lúc này chính là thời điểm thích hợp cho mỗi người rèn luyện để trở nên giống Tái Ông.