Bí mật thế giới điệp viên là tập 3 bộ sách Lật lại những trang hồ sơ mật, do NXB Thông tấn thực hiện, được xuất bản và tái bản nhiều lần từ năm 2008 tới nay.
Sách gồm 41 bài viết là những tư liệu mới được giải mật và công bố lần đầu về thế giới điệp viên đầy bí ẩn, hấp dẫn, nhưng cũng đầy vinh quang và cay đắng. Đặc biệt, cuốn sách còn giới thiệu một số gương mặt điệp viên tuyệt sắc, tài ba của thế kỷ 20.
Sắc đẹp cùng sự mưu lược tài trí của các nữ điệp viên này là chìa khóa vạn năng đưa họ đến với thành công trong nghề tình báo. Những tin tức họ thu thập được có giá trị cao.
Nữ điệp viên có sắc đẹp lay động con tim trùm phát xít
Cuối những năm 1920, đầu 1930, ở nước Đức, cái tên Olga Chekhova nổi tiếng không kém gì Adolf Hitler – người đang ra sức xây dựng Đệ tam đế chế.
Nữ điệp viên Olga Chekhova. Ảnh: Corriere della Sera. |
Cô xuất hiện liên tục trên các màn ảnh nhỏ, với hàng chục vai diễn chính trong những bộ phim ăn khách. Ở đó, cô đã làm say đắm khán giả không chỉ bằng tài năng diễn xuất, mà còn cả sắc đẹp trời phú.
Ngoài đời, Olga càng là người lôi cuốn. Không ít đàn ông đã phải thừa nhận rằng khó có thể cưỡng lại sức hút của Olga ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi vị quốc trưởng của Đệ tam đế chế Adolf Hitler trở thành người hâm mộ nữ minh tinh sắc nước hương trời.
Hitler luôn coi Olga là nghệ sĩ lớn. Thậm chí, y còn phong cô danh hiệu “Nghệ sĩ quốc gia của Đệ tam đế chế”. Nhiều lần, Hitler mời Olga tới dự những bữa tiệc long trọng và người ta dễ dàng nhận ra sự săn đón của quốc trưởng dành cho vị khách đặc biệt này.
Không chỉ vậy, Olga còn gần như trở thành một thành viên trong gia đình Hiler khi biết vun đắp Eva Braun với Hitler. Eva thậm chí còn tâm sự những điều sâu kín và cho Olga xem nhật ký của mình.
Eva và ngay cả chính Hitler đều không biết rằng Olga là điệp viên của Liên Xô, dù Hitler đã cho cấp dưới thẩm tra lý lịch Olga khá kỹ càng. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Olga thu thập được những thông tin có giá trị tin cậy từ chính nhân vật chóp bu của chính quyền phát xít.
Nữ điệp viên được yêu thích
Từng giành vương miện trong một cuộc thi sắc đẹp ở Ba Lan, Christine Granville hoàn toàn không giống với các hoa hậu khác. Sau khi Ba Lan rơi vào tay Đức, cô di cư sang Anh, bắt đầu tham gia hoạt động bí mật với nhiều thân phận khác nhau.
Bằng vẻ đẹp mê hồn, đặc biệt là dũng khí và trí tuệ hơn người, Christine đã thu thập nhiều thông tin tình báo có giá trị, trong đó có cả dự báo về việc quân Đức sẽ xâm lược Liên Xô. Nhờ đó, Christine trở thành một trong những nữ điệp viên nổi tiếng nhất của chiến tranh thế giới thứ II, được Thủ tướng Anh khi đó là W. Churchill yêu thích.
Trong khoảng thời gian thực hiện một số điệp vụ, Christine có nhiều mối tình lãng mạn. Ngay cả Ian Flemming, cha đẻ của loạt tiểu thuyết trinh thám Jame Bond, cũng không cưỡng lại được sức hút của Christine.
Chính cuộc đời của Christine là nguồn cảm hứng để tác giả này cho ra đời nhân vật nữ điệp viên hai mang Vesper Lynd trong tác phẩm đầu tay về Jame Bond mang tiêu đề Sòng bạc hoàng gia.
Nữ điệp viên Christine Granville. Ảnh: Theguardian. |
Nữ điệp viên đứng đầu “danh sách đen” của mật vụ Đức quốc xã
Cơ quan mật vụ Đức quốc xã Gestapo đã đặt giải thưởng 5 triệu franc cho ai lấy được tính mạng của Nancy Wake, nhưng cũng đành bó tay. Với một mớ giấy tờ giả như thật, nữ điệp viên này đã thoát qua mọi cửa tử, giành cuộc sống chính đáng, góp phần vào chiến thắng của quân Đồng minh trước phe Trục.
Năm 1935, Nancy gặp Henri Fiocca – nhà công nghiệp Pháp giàu có. Bốn năm sau, họ tổ chức đám cưới. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Hitler xua quân xâm chiếm nước Pháp.
Nhận thấy tình hình ở Pháp quá bất lợi, Nancy quyết định vượt biên qua Tây Ban Nha, rồi tới Anh. Chồng bà bị Gestapo bắt, đem đi xử tử.
Tại London, Nancy gia nhập Cục Hành động đặc biệt (SOE). Khi đó, cơ quan này mới có tổng cộng hơn 500 thành viên. Nancy là một trong số 39 nữ điệp viên ít ỏi của SOE.
Sau khi được huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn, Nancy được đưa về Pháp. Tháng 4/1944, Nancy và một cộng sự khác có mặt ở tỉnh Auvergne, thuộc miền trung nước Pháp, phụ trách việc chiêu mộ, tổ chức lực lượng kháng chiến ngầm.
Dưới sự lãnh đạo của Nancy, lực lượng kháng chiến của Pháp ở Auvergne tăng từ 3.000 lên 7000 quân, gây sức ép mạnh mẽ lên quân Đức tại đây.
Sau chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Nancy tiếp tục làm việc cho SOE, trước khi kết hôn cùng Jonh Forward vào năm 1960.
Ngoài câu chuyện về 3 nữ điệp viên tuyệt sắc, tài ba kể trên, Bí mật thế giới điệp viên còn có những câu chuyện hấp dẫn về 8 gương mặt nữ điệp viên tài sắc khác.
Đó là Mata Hari – sự bất tử của một cái chết gây tranh cãi, Josephine Baker – điệp viên sơn ca, Margarita – nữ gián điệp Liên Xô hớp hồn nhà bác học Albert Einstein, Manci Gerler – phiên bản Mata Hari của nước Anh…