Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại nhiều địa phương còn diễn biến căng thẳng, nhất là các tỉnh, thành phía Nam. Các biện pháp phòng dịch sẽ được thực hiện rất nghiêm ngặt. Điều này, phần nào có thể khiến thí sinh, phụ huynh bối rối, hoang mang.
Thí sinh nên chủ động tuân thủ tuyệt đối các biện pháp 5K để đảm bảo an toàn cho mình và có tâm lý thoải mái. Ảnh: Chí Hùng. |
Đồ bảo hộ chỉ làm thí sinh khó khăn, vướng víu
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng yếu tố rất quan trọng trong kỳ thi lần này là sự tuân thủ các biện pháp 5K và bình tĩnh của thí sinh.
Các biện pháp giãn cách, phân luồng, sát khuẩn, đo nhiệt độ, có lẽ các em cũng đã thấy và thực hành nhiều. Do đó, thí sinh bình tĩnh thực hiện theo yêu cầu của nhân viên, người coi thi để đảm bảo an toàn cho bản thân và không bị nhắc nhở gây ảnh hưởng đến tâm lý. Khi bình tĩnh thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, các em có thể dồn hết tâm trí cho bài thi.
Theo bác sĩ Khanh, năm nay kỳ thi khác biệt bởi thí sinh cần tuân thủ tuyệt đối quy định giãn cách, bắt đầu vào cổng trường đến khi ngồi vào chỗ làm bài và kể cả quá trình ra về. Thi xong môn nào, các em di chuyển trật tự, đảm bảo khoảng cách, ra về ngay, không tụm năm, tụm ba trao đổi với bạn bè. Đặc biệt ngày thi cuối, thí sinh có tâm lý “xõa” sau khi thi xong, dễ đứng lại trò chuyện. Người nhà thí sinh nên căn đúng thời gian để đến đón con ngay sau khi kết thúc các môn thi.
Bác sĩ Khanh nhắc thí sinh nên rửa tay sát khuẩn trước giờ làm bài khoảng thời gian tương đối để tay khô ráo. Người thường ra mồ hôi tay cần đem theo khăn tay.
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh, phụ huynh về việc có nên mặc đồ bảo hộ hay mang găng tay để tránh tiếp xúc với các bề mặt ở khu vực thi, bác sĩ Khanh nêu quan điểm điều này không cần thiết.
“Đồ bảo hộ sẽ khiến các em vướng víu, nóng nực, khác biệt với xung quanh dễ khiến mất bình tĩnh. Hơn nữa, khu vực trường thi được phun khử khuẩn hàng ngày, đồ bảo hộ không có nhiều ý nghĩa trong trường hợp này”, bác sĩ Trương Hữu Khanh tư vấn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên thí sinh không nên lo lắng thái quá dẫn đến ảnh hưởng tâm lý khi làm bài. Ảnh: NVCC. |
Cẩn trọng nhưng không lo lắng thái quá
Nếu thí sinh muốn yên tâm hơn, các em có thể mang kính chống giọt bắn khi đi thi. Vật dụng này cũng được Sở GD&ĐT TP.HCM khuyến khích.
Bác sĩ Khanh cho biết hiện trên thị trường có loại kính chống giọt bắn nhẹ, độ trong suốt cao, không ảnh hưởng đến tầm nhìn của thí sinh. Tốt nhất, các em nên thử trước ở nhà, nếu không cảm thấy có vấn đề về tầm nhìn, không nặng đầu, có thể mang theo đi thi. Khi vào phòng thi, các em có thể kéo kính lên đầu để không gây ảnh hưởng lúc làm bài.
“Sau kỳ thi, nếu khu vực trường thi, phòng thi phát hiện có người là F0 các em cũng không cần hoang mang, sợ hãi. Bởi nếu thí sinh mang khẩu trang, không sờ tay lên mặt, giữ đúng khoảng cách thì rất khó lây nhiễm virus. Đây là điều rất quan trọng”, bác sĩ Khanh lưu ý.
Khi cảm thấy hồi hộp, căng thẳng, thí sinh nên hít sâu, thở ra từ từ, duy trì khoảng 3 nhịp để lấy bình tĩnh. Khi bị ngộp do đeo khẩu trang các em cũng nên làm tương tự. Trường hợp bất đắc dĩ phải tháo khẩu trang, thí sinh nên tháo hẳn ra, không kéo lên kéo xuống.
Về thông tin có 12 trường hợp thí sinh dương tính với SARS-CoV-2 sau khi làm xét nghiệm vào ngày 3/7, bác sĩ Trương Hữu Khanh đánh giá đây là điều bình thường trong bối cảnh dịch bệnh đã lây lan rộng trong thành phố. Thí sinh, phụ huynh không cần hoang mang, lo lắng với con số này.
“Tất cả thí sinh, giám thị, nhân viên phục vụ kỳ thi đều đã xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính mới được tham gia vào kỳ thi. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người có mặt trong khu vực thi tuyệt đối an toàn. Kết quả xét nghiệm âm tính có nghĩa là từ lúc xét nghiệm trở về trước, mọi người chưa nhiễm bệnh, còn sau khi xét nghiệm xong, chúng ta vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm. Do đó, thí sinh tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không căng thẳng quá mức. Chỉ cần luôn thực hiện tốt 5K, các em đã loại bỏ nguy cơ lây nhiễm”, bác sĩ nói.
TP.HCM quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 thành 2 đợt. Đợt 1 của kỳ thi sẽ dành cho thí sinh không thuộc vùng phong tỏa hoặc cách ly xã hội, không thuộc đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế, có xét nghiệm âm tính với nCoV. Số thí sinh còn lại dự thi đợt 2 theo lịch của Bộ GD&ĐT. Thí sinh được quyền lựa chọn dự thi đợt 1 hoặc đợt 2.
Thống kế trên toàn thành phố cho thấy có 89.275 thí sinh đăng ký dự thi tại 155 điểm. Mỗi điểm thi có 2 phòng thi dự phòng, mỗi quận huyện có 2-3 điểm thi dự phòng.
Đến ngày 1/7, thành phố có khoảng 200 thí sinh thuộc đối tượng F0, F1, F2 và 991 em đang ở trong khu vực phong tỏa.