Gian hàng sách Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế. |
Quả ngọt
Sau 1 năm xuất bản tại Việt Nam, cuốn sách tranh Chang hoang dã – Gấu của tác giả Trang Nguyễn do NXB Kim Đồng ấn hành, đã được NXB Pan Macmillan mua bản quyền phát hành ở Anh; đồng thời, NXB này đã bán bản quyền sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Dự kiến, Chang hoang dã – Gấu sẽ được ra mắt ở thị trường Anh và Mỹ với nhan đề Saving Sorya: Chang and the sun bear vào tháng 9, còn cuốn Chang hoang dã – Voi sẽ được phát hành vào năm 2022.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, cho biết, Trang Nguyễn đang làm trong một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã của thế giới, được nhiều người biết đến. Đây là một may mắn cho cả tác giả lẫn NXB Kim Đồng, bởi khi biết Trang Nguyễn xuất bản cuốn sách Chang hoang dã – Gấu, bạn bè cô đã giới thiệu đến NXB Pan Macmillan, vốn là đối tác thân thiết của NXB Kim Đồng.
“Với sự hiểu biết và tin tưởng qua nhiều năm làm việc, quá trình đàm phán bản quyền Chang hoang dã – Gấu khá thuận lợi. Hồ sơ về cuốn sách đã được đội ngũ bản quyền của NXB Kim Đồng thực hiện dày dặn, đúng với tầm vóc của cuốn sách, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây không phải là lần đầu tiên NXB Kim Đồng bán bản quyền tác phẩm ra nước ngoài, nhưng là giao dịch có giá trị cao nhất”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên nói thêm.
Trước Chang hoang dã – Gấu, một loạt các tựa sách tranh truyện dân gian Việt Nam của NXB Kim Đồng cũng được các NXB của Mỹ, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan mua bản quyền, như: Tìm mẹ (phiên bản truyện văn học và truyện tranh), Ai mua hành tôi, Sự tích trầu cau, Cây nêu ngày Tết, Tấm Cám, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự tích con dã tràng…
Không dừng ở mảng đề tài kinh điển, dân gian, gần đây NXB Kim Đồng đã bán bản quyền thành công một số tựa sách mới, như: Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em cho đối tác Philippines, Lược sử nước Việt bằng tranh cho đối tác Hàn Quốc… Phần minh họa của cuốn Cổ tích Thế giới bằng thơ của Lá Studio cũng được một NXB ở Bỉ mua bản quyền và phát hành tại châu Âu.
Từ tháng 7 này, Công ty CP Văn hóa Chi (Chibooks) khởi động dự án Tủ sách Văn hóa Việt ra thế giới bằng việc dịch một số tác phẩm như: Vắt qua những ngàn mây, Bên sông Ô Lâu, Về Huế ăn cơm, Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời, Nha Trang mùa đẹp nhất…
“Trước mắt, chúng tôi sẽ triển khai dịch sang tiếng Trung, trong thời gian này, chúng tôi sẽ tìm thêm người dịch sang tiếng Anh đối với những tựa sách trên”, bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks tiết lộ.
Cần sự đầu tư có chiến lược
Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Quỳnh Liên, với đối tượng là người Việt sinh sống ở nước ngoài, đề tài mà các NXB hay chọn mang tính dân gian, truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng. Với những NXB hướng đến độc giả rộng hơn hoặc độc giả bản ngữ, họ sẽ tìm những cuốn sách có đề tài mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, chống xâm hại và bóc lột trẻ em, bình đẳng giới…
Cũng theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, đôi khi chúng ta phải là người chủ động giới thiệu đến các đối tác thông qua các chương trình hội sách. Việc này thực sự phải rất kiên trì, năm nào cũng phải chọn sách để mang đi giới thiệu, vì hội sách là nơi có nhiều người đến tham quan và các đối tác tham dự.
“Ngoài ra, chúng ta cũng phải bắt đầu từ phản hồi của họ để biết nên xây dựng đề tài như thế nào, nên lựa chọn những sách gì để mang đi. Đặc biệt, với mảng sách thiếu nhi, phần hình ảnh cũng rất quan trọng nên nếu đã xác định muốn bán bản quyền thì cũng phải đầu tư cả phần hình ảnh”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên chia sẻ.
Trong câu chuyện mang sách Việt ra thế giới, có một vấn đề chung mà cả bà Nguyễn Lệ Chi và bà Vũ Thị Quỳnh Liên đều tán thành khi so sánh với một số nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc… đó là chúng ta đang thiếu một sự đầu tư có tính chiến lược từ cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Lệ Chi lấy dẫn chứng: “Trước đây, ở Malaysia, chính phủ đã đầu tư một khoản tiền rất lớn, họ dồn 3 năm cho công việc dịch thuật sang tiếng Anh, với khoảng 200 – 300 đầu sách về văn hóa, con người, lẫn văn học của Malaysia, rồi chào bán ra nước ngoài bằng bản thảo đã dịch. Và họ đã thành công”.
Bà Nguyễn Lệ Chi nói thêm, không phải họ thành công ngay lập tức, có thể năm đầu tiên họ chưa gặt hái được kết quả, nhưng dần dần, các nước muốn tìm hiểu về Malaysia thì họ phải đọc qua bản tiếng Anh trước. Họ đọc và quan tâm, lúc đó họ sẽ mua bản quyền.
Sàn giao dịch bản quyền tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2021. Ảnh: Lê Văn Thành. |
Từ câu chuyện của Malaysia, bà Nguyễn Lệ Chi đúc kết: “Để việc quảng bá giới thiệu sách Việt ra nước ngoài có hệ thống và hiệu quả, chỉ có một cách duy nhất, đó là cơ quan chức năng thuộc chuyên ngành phải vào cuộc và được đầu tư kinh phí từ Nhà nước. Ngoài ra, cần có một hội đồng thẩm quyền để lựa chọn ra những cuốn sách có nội dung tiêu biểu về đất nước, con người Việt Nam. Từ đó cho tiến hành dịch để giới thiệu và quảng bá ra bên ngoài”.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, hiện nay cục đang xây dựng chiến lược, trong đó đáng chú ý là việc thành lập các công ty để thực hiện công việc giao dịch bản quyền hiện đại và chuyên nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ, để tạo ra các sân chơi về giao dịch bản quyền giống như Book365 vừa rồi đã làm.
“Trong giao dịch bản quyền có một nội dung cực kỳ quan trọng, kể cả với đối tác trong nước hay nước ngoài, đó là việc đánh giá và thẩm định về vấn đề bản quyền. Thời gian tới, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, phối hợp với Hội Xuất bản để thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền”, ông Nguyễn Nguyên cho biết.
Hội sách trực tuyến quốc gia (diễn ra từ ngày 17-4 đến ngày 15-5 tại Book365.vn) có thêm sàn giao dịch bản quyền trực tuyến, với sự tham dự của 32 quốc gia. Không gian giao dịch bản quyền gồm 3 nhóm sách chính: sách Tiếng Anh, sách thiếu nhi, sách công nghệ. Kết thúc hội sách, đã có 14 giao dịch thành công. Mặc dù con số này chưa phải là nhiều, nhưng đây cũng có thể xem như một tín hiệu đáng mừng.