1. Ôn thi khi quá muộn: Nhiều học sinh có tâm lý thời gian còn dài nên không ôn thi sớm. Thực tế, khối lượng và thời gian ôn thi luôn vượt quá dự kiến. Nếu không bắt đầu từ sớm, khối lượng kiến thức dồn lại sẽ khiến học sinh quá tải. Chưa kể, “nước đến chân mới nhảy” sẽ tác động nhiều đến tâm lý, ôn thi trong lo lắng làm cho hiệu quả ôn tập giảm sút. Thay vì đợi đến đêm trước ngày thi mới học, bạn hãy chia nhỏ kiến thức để dễ xử lý hơn. Ví dụ, nếu chỉ còn vài tuần để ôn thi, hãy dành ít nhất 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày để đọc tài liệu và luyện giải đề. Bằng cách này, bạn vừa học hiệu quả, vừa có thời gian nghỉ ngơi. Ảnh: Next Step 4 ADHD. |
2. Học cùng người dễ gây mất tập trung: Một trong những sai lầm lớn nhất khi học nhóm là chọn sai người. Khi lập nhóm học tập, bạn cần đảm bảo các thành viên đủ tích cực và có khả năng giúp đỡ lẫn nhau. Một nhóm học tập chỉ nên giới hạn khoảng 4 người, không nên quá đông. Khi học, cả nhóm cần đặt ra quy định và mục tiêu rõ ràng để quá trình diễn ra suôn sẻ, hiệu quả. Ảnh: Neeuro. |
3. Thiếu kế hoạch cụ thể: Nhiều học sinh có thói quen ôn thi theo cảm tính, nhớ môn nào ôn môn đó, hoặc ôn thi theo thứ tự trong sách vở. Thực tế, điều này không hiệu quả như bạn nghĩ. Trước khi ôn, bạn cần dành thời gian lập kế hoạch cụ thể, vạch ra những nội dung cần học trong buổi, trong tuần. Khi biết bản thân đang hướng đến mục tiêu gì, việc học sẽ diễn ra suôn sẻ hơn. Ảnh: JETmag. |
4. Quá chú trọng điểm số: Nhiều học sinh có thói quen đặt mục tiêu điểm số trước khi thi. Đây là cách giúp bạn có thêm động lực học tập, nhưng nếu quá phụ thuộc, nó có thể gây tác dụng ngược. Nếu ép bản thân phải đạt được kết quả nhất định, bạn có thể rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng. Thay vì lo về điểm số, bạn nên tập trung việc ôn lại kiến thức đã học và cố gắng hết mình khi làm bài kiểm tra. Khi không để tâm vào kết quả, bạn sẽ cảm thấy thư giãn, việc ôn thi không còn quá nặng nề. Ảnh: UIB. |
5. Quá phụ thuộc vào giáo viên: Nhiều học sinh có xu hướng “phó mặc” cho giáo viên vào mỗi kỳ thi. Họ tin rằng chỉ cần đi học đầy đủ và học theo đề cương là sẽ đạt kết quả tốt. Với suy nghĩ này, nhiều em đánh mất khả năng tự học, tự tìm tòi, rèn luyện. Bạn cần nhớ rằng, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng, kết quả tốt hay xấu đều nằm trong tay bạn. Ngoài việc học kiến thức trong đề cương, học sinh cần mở rộng các vấn đề liên quan và tập giải đề thường xuyên. Ảnh: San Ignacio University. |
6. Học vẹt thay vì hiểu bài: Tiến sĩ Maggie Wray từng bắt gặp nhiều học sinh cố gắng ghi nhớ mọi thứ trong sách vở, thay vì nắm rõ những khái niệm cơ bản. Bà nhận định học thuộc lòng có thể hiệu quả trong một số môn, nhưng sẽ phản tác dụng khi ôn thi hoặc học các môn nâng cao. Nếu chỉ ghi nhớ các định nghĩa mà không hiểu rõ bản chất, học sinh sẽ không thể áp dụng vào bài tập thực tế. Nữ tiến sĩ người Mỹ khuyên học sinh nên cắt nhỏ các kiến thức để hiểu rõ vấn đề hoặc có thể tự diễn đạt theo cách của mình. Dạy cho người khác cũng là cách để hiểu bài và nhớ lâu hơn, theo Creating Positive Futures. Ảnh: Creating Positive Futures. |